Aa

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là thách thức rất lớn

Thứ Hai, 23/05/2022 - 13:54

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là thách thức rất lớn.

Theo đó, Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.
Thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%.

Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ.

Cùng với đó, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này về chủ trương đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững; đồng thời, theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng. 

Sáng 23/5/2022, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gần 500 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri trong cả nước. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả; đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.... Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước. Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đồng thời, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.

Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy phát triển liên kết vùng và phát triển đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đối với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ (trong quý III, quý IV năm 2022).

Mặt khác, Chính phủ đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương và chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng nhiều năm, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top