Aa

Phong tục đặc sắc trong Tết cổ truyền Việt Nam

Chủ Nhật, 30/12/2018 - 14:16

Tết là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Với người Việt Nam, tết Nguyên đán là những ngày lễ lớn nhất trong năm. Trải qua bao nhiêu năm, những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc

"Ngày mồng 1 tháng Giêng" là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.

"Ngày mồng 2 tháng Giêng" là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.

"Ngày mồng 3 tháng Giêng" là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.

Phong tục đặc sắc trong Tết cổ truyền Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Đối với cộng đồng người Công giáo Việt Nam, ba ngày đầu năm họ thường tham dự thánh lễ ở nhà thờ với ý cầu nguyện cho từng ngày: mồng Một cầu nguyện bình an cho năm mới, mồng Hai cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ nếu còn sống và tưởng nhớ nếu đã qua đời, mồng Ba cầu nguyện thánh hóa cho công ăn, việc làm trong năm mới được tốt đẹp.

Xông đất (hay đạp đất, mở hàng) là tục lệ đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một "khai trương" một năm mới. Họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ.

Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.

Cách chọn tuổi xông đất:

- Tuổi Giáp hạp với Kỷ mà kỵ với Canh – Mậu.

- Tuổi Ất hạp với Canh mà kỵ với Tân – Kỷ.

- Tuổi Bính hạp với Tân mà kỵ với Nhâm – Canh.

- Tuổi Đinh hạp với Nhâm mà kỵ với Quý – Tân.

- Tuổi Mậu hạp với Quý mà kỵ với Giáp – Nhâm.

- Tuổi Kỷ hạp với Giáp mà kỵ với Ất – Quý.

- Tuổi Canh hạp với Ất mà kỵ với Bính – Giáp.

- Tuổi Tân hạp với Bính mà kỵ với Đinh – Ất.

- Tuổi Nhâm hạp với Đinh mà kỵ với Mậu – Bính.

- Tuổi Quý hạp với Mậu mà kỵ với Kỷ – Đinh.

Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Thời xưa, chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp tuổi với chủ nhà.

Phong tục đặc sắc trong Tết cổ truyền Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.

Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.

Tuy nhiên việc hái lộc ngày nay đã có những quan niệm trái chiều so với trước đó là: việc hái lộc không nên vì có thể có những cành lộc có "vong" (linh hồn) bám theo. Khi chúng ta hái lộc về vô tình sẽ mang "vong" về theo, nếu "vong" tốt thì không sao nhưng nếu "vong" xấu thì có thể làm cho nhà cửa chúng ta không may mắn... Đây là vấn đề mang tính duy tâm tuy nhiên nó cũng có cái lý của nó. Tiếp theo việc hái lộc đôi khi làm ảnh hưởng đến cây xanh cảnh quan đô thị vì tâm lý mọi người đều muốn đem thật nhiều lộc về nhà cầu may, do vậy đã không ít trường hợp làm hỏng hết cây cối gây ảnh hưởng đến môi trường... Cuối cùng việc hái lộc đôi khi dẫn đến xô xát do việc tranh cướp hoặc hái "trộm" lộc trong các cơ quan nhạy cảm như Ngân hàng chẳng hạn... Những việc làm này không biết có mang lại may mắn không nhưng nó phản ánh mặt xấu của văn hóa ứng xử của những người trong cuộc...

Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc, người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi và có thể đoán được năm mới hên hay xui chẳng hạn:

- Gió Nam: chỉ đại hạn;

- Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc;

- Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả;

- Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải;

- Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu;

- Gió Đông: chỉ có lụt lớn.

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng 1 Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi).

Thăm viếng họ hàng là để gắn kết tình cảm gia đình họ hàng. Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công... Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay người nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.

Đến thăm những người hàng xóm của mình và những gia đình sống gần với gia đình mình, chúc họ những câu tốt lành đầu năm mới. Những chuyến thăm hỏi này giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới.

Đến thăm những người bạn bè, đồng nghiệp và những người thân thiết với mình để chúc họ những câu tốt lành, giúp tình cảm bạn bè gần gũi hơn.

Phong tục đặc sắc trong Tết cổ truyền Việt Nam

Phong bao lì xì đỏ thắm đã trở thành món quà đầu năm không thể thiếu được với con trẻ

Phong tục Lì xì: người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu, vì ma sẽ sợ giấy màu đỏ.

Theo truyền thuyết, ngày xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một mụn con trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ chạy.

Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng". Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia.

Tục hóa vàng ngày mồng 4 hoặc mồng 5, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn. Tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới vô hình bên kia sống gần với dương gian. Vào ngày mồng 4 và mồng 5 tháng Giêng, người ta kiêng xuất hành vì đây là ngày không tốt.

Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top