Aa

Phú Quốc: Lão nông 74 tuổi gần 10 năm mòn mỏi đi đòi đất

Thứ Hai, 21/01/2019 - 13:10

Suốt gần 10 năm qua, ông Đặng Văn Nê (sinh năm 1945, trú tại ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) ngày nào cũng mòn mỏi chờ đợi kết quả giải quyết của các cấp chính quyền về phần đất gần 18ha của ông khai hoang, nhưng đến nay suốt hàng chục năm gửi đơn tới các cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc nhưng những gì ông nhận lại chỉ là sự im lặng.

Nhiều đối tượng đã tiến hành phân lô, bán nền trên chính mảnh đất của ông Nê, trong số đó có nhiều người là cán bộ.

Nhiều đối tượng đã tiến hành phân lô, bán nền trên chính mảnh đất của ông Nê.

Gần 10 năm mòn mỏi đi đòi đất

Theo trình bày của ông Đặng Văn Nê, từ trước năm 1978, khi đó Phú Quốc còn hoang sơ, ông và gia đình không ngại khó khăn, vất vả khai khẩn được một khu đất tại ấp Cây Bến, nay là ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ diện tích đất khai hoang và mua thêm của người dân xung quanh gần 18ha, gia đình ông canh tác trồng tiêu, đào lộn hột, tràm bông vàng và hàng năm có kê khai, nộp thuế thổ trạch đầy đủ theo quy định.

Năm 1993, khu đất của ông Nê được Đoàn đo đạc huyện Phú Quốc và UBND xã Cửa Dương mượn làm nơi hướng dẫn tập đo đạc đất để vẽ sơ đồ 14 cho 8 xã (khu đất này cũng được vẽ trong tờ sơ đồ 14 và tên người sử dụng khu đất này là ông Đặng Văn Nê). Tuy nhiên, hiện nay các sở, ban, ngành của UBND huyện Phú Quốc và xã Cửa Dương đều không đưa bản chính sơ đồ 14 để trích lục cho ông Nê mà chỉ trích lục từ bản photocopy.

Đến năm 2006, gia đình ông Nê mới được tách sổ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một phần diện tích là 48.750m2 (khu đất số 86, quyến số AB 397847 ngày 11/01/2006) và 27.125m2 (khu đất số 181, quyển số AB 397846).

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi được cấp GCNQSDĐ, vào năm 1994, gia đình ông Nê có chuyển nhượng cho ông Ngô Hữu Hùng 2ha đất liền kề lò gạch của ông Hùng để ông Hùng mở rộng lò gạch (phía Tây giáp đất ông Ngô Hữu Hùng, ông Văn OL và ông Bùi lò gạch; phía Đông giáp đất ông Tiến và ông Hòa; phía Bắc giáp với con ông Tây, bà Lịch và ông Huy; phía Nam giáp kênh thủy lợi).

Năm 2005, ông Nê tiếp tục bán thêm cho ông Hùng 27.125m2 đất (cạnh khu đất đã bán cho ông Hùng năm 1994) với giá 1 tỷ đồng, nhưng lúc đó mảnh đất này chưa được tách sổ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông Nê chỉ viết tay tờ biên bản cam kết bán nhà cho ông Hùng và sau khi có sổ đỏ thì ông Hùng sẽ trả hết cho ông Nê 1 tỷ đồng và ông Hùng đặt cọc trước 65 triệu đồng. Đến năm 2006, khu đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất, nhưng ông Hùng không những không chịu trả nốt số tiền còn lại cho ông Nê mà còn làm giả hồ sơ, giấy tờ đất đai để hợp thức hóa, chiếm đoạt mảnh đất này của ông Nê.

Theo ông Nê, đến nay, ông Hùng đang chiếm giữ trái phép của gia đình ông phần đất có diện tích hơn 100.000m2.

Do không đạt được như thỏa thuận trong biên bản cam kết, ông Ngô Hữu Hùng đã kiện ra tòa án Phú Quốc để giải quyết việc tranh chấp đất đai. Tháng 01/2011, Tòa án Nhân dân huyện Phú Quốc xét xử vụ kiện tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Ngô Hữu Hùng và ông Đặng Văn Nê. Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Hữu Hùng, công nhận Hợp đồng mua bán đất xác lập ngày 20/10/1994 giữa ông Hùng và ông Nê.

Ông Đặng Văn Nê đã chờ đợi 10 năm ròng

Trong suốt 10 năm qua, ông Đặng Văn Nê đã mang đơn đi "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền nhằm đòi lại phần đất của mình

Không đồng tình với quyết định của Tòa án huyện Phú Quốc, ông Đặng Văn Nê kháng cáo. Tháng 5/2011 Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã xét xử phúc thẩm vụ kiện và tuyên hủy bản án sơ thẩm số 03/2011/DS-ST ngày 17/01/2011 của Tòa án Nhân dân huyện Phú Quốc, bởi, theo biên bản thẩm định tại chỗ ngày 12/4/2010 do ông Ngô Hữu Hùng chỉ dẫn đo đạc thể hiện diện tích đất các bên tranh chấp là 36.864,2m2, Tòa án cấp Sơ thẩm chỉ giải quyết phần diện tích các bên chuyển nhượng là 27.125m2, mà không xác minh làm rõ phần diện tích đất còn lại 9.739,5m2 có nằm trong thửa đất số 181 tờ bản đồ số 2 tại ấp Cây Thông Trong mà Nhà nước đã cấp cho gia đình ông Nê hay không?

Trường hợp phần diện tích đất này nằm trong thửa đất số 181 tờ bản đồ số 2 thì việc xác định ranh giới diện tích 27.125m2 theo sơ đồ đo vẽ có đúng vị trí hay không? Vì theo sơ đồ chưa thể hiện lò gạch ông Ngô Hữu Hùng nằm ở đâu, mặt khác, số cây hoa màu do vợ chồng ông Hùng trồng trong phần diện tích đất 9.739,5m2 cũng chưa xác định rõ.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử trong thảo luận và nghị án thống nhất áp dụng khoản 3 Điều 275 và khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Dân sự để hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho cấp Tòa sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung. Tuy nhiên, theo ông Nê, đến nay đã gần 10 năm trôi qua, ông nhiều lần yêu cầu TAND huyện Phú Quốc đưa vụ án ra xét xử nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Suốt 10 năm qua, hằng ngày ông Nê phải chứng kiến cảnh nhiều người xây dựng nhà cửa trên chính mảnh đất của ông

Suốt 10 năm qua, hằng ngày ông Nê phải chứng kiến cảnh nhiều người xây dựng nhà cửa trái phép trên chính mảnh đất của ông mà không hề bị chính quyền địa phương xử lý.

Đất của cha được "phù phép" mang tên con

Khi sự việc tranh chấp với ông Ngô Hữu Hùng còn đang chờ cơ quan chức năng giải quyết thì lạ kỳ hơn, chính quyền xã Cửa Dương và huyện Phú Quốc cho rằng, một phần đất của gia đình ông Đặng Văn Nê đang nắm giữ thuộc về Đặng Thanh Hiển (SN 1984, con trai của ông Nê).

Quá bất ngờ trước sự việc, ông Nê bức xúc cho biết, ông chưa từng cho Đặng Thanh Hiển đất, cũng chưa từng có giấy tờ nào chứng minh sự việc này. Ngoài ra, Hiển cũng không nhận chuyển nhượng từ ai. Nhưng không hiểu vì lý do gì Văn phòng Đăng ký đất đai Phú Quốc lại trích xuất xác nhận đó là của Đặng Thanh Hiển.

Theo ông Nê, con trai ông Đặng Thanh Hiển là một người ngỗ ngược, ăn chơi từ nhỏ, sau khi sự việc tranh chấp đất, Hiển nhiều lần lăng mạ, chửi bới, thậm chí có hành vi đe dọa ông nếu không nhượng lại đất cho Hiển.

Đáng nói hơn, ông Nê cho biết, thời gian qua, khi ông thuê người rào lại phần đất do ông khai hoang, nhận chuyển nhượng thì chính quyền xã Cửa Dương và Công an huyện Phú Quốc lại tức tốc tới ngăn cản, tạm giữ các trang thiết bị... với lý do: Đất đang tranh chấp.

Khi ông Đặng Văn Nê (mặc áo trắng ngoài cùng bên trái ) rào đất, chính quyền đã đến lập biên bản và cưỡng chế với lý do

Khi ông Đặng Văn Nê (mặc áo trắng ngoài cùng bên trái ) rào đất, chính quyền đã đến lập biên bản và cưỡng chế với lý do "đất đang tranh chấp" .Tuy nhiên, chính quyền lại không đưa được ra bằng chứng chứng minh việc phần đất này đang tranh chấp (ảnh cắt từ clip).

Cụ thể, chiều 03/12/2018, ông Nê thuê một nhóm công nhân tới rào lại phần đất ở tổ 9, ấp Cây Thông Trong thì ông Nguyễn Văn Giá, cán bộ địa chính xã Cửa Dương đã ngăn cản. Chỉ bằng một Biên bản tạm giữ tang vật không có số, không có người chứng kiến, không có dấu của UBND xã, ông Giá đã để tạm giữ 200 trụ bê tông và một số vật dụng khác, mặc dù không chứng minh được hành vi vi phạm, không có quyết định đình chỉ thi công.

Tiếp đến, trong 2 ngày mùng 5 và 7/12/2018, ông Đặng Văn Nê thuê người tới để rào phần đất nói trên, UBND xã Cửa Dương và hàng chục người mặc sắc phục công an tiếp tục tới ngăn cản.

Khi đó, ông Đặng Văn Nê xuất trình Giấy CNQSDĐ số AB 397846, diện tích 27.125m2, do UBND huyện đảo Phú Quốc cấp ngày 11/1/2006 thì ông Nguyễn Văn Giá lại cho rằng ông Nê chưa yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại ranh giới và thửa đất này đang có tranh chấp.

“Trước khi tiến hành trồng trụ bê tông, ông Nê không yêu cầu cơ quan xác định lại ranh giới theo Giấy CNQSDĐ được cấp và thửa đất này đang tranh chấp với ông Ngô Hữu Hùng. Vị trí ông Nê thuê người rào nằm trên thửa đất số 1993, tờ bản đồ số 60 tại ấp Cây Thông Trong mang tên ông Đặng Thanh Hiền (con trai ông Nê), được Văn phòng Đăng ký đất đai đo đạc xuất trích ngày 16/11/2018”, Biên bản làm việc ông Giá lập.

Đáng nói hơn, cũng trên phần đất đó, khi ông Nê làm rào thì bị ngăn cản nhưng người đang được cho là tranh chấp với ông Nê là Đặng Thanh Hiền đã thuê người rào toàn bộ khu đất lại thì không hề bị chính quyền xuống giải quyếtcưỡng chế, giải quyết.

Ông Nê cho biết:"Tôi không biết đứng đằng sau Hiền là ai? Thế lực như thế nào? Mà khi tôi rào lại phần đất của mình thì lại bị ngăn cản, tịch thu toàn bộ cọc bê tông, phương tiện rào đất và phá bỏ hàng rào đó, còn Hiền lại ngang nhiên thuê người rào lại mà không hề bị chính quyền nhắc nhở hay cưỡng chế. Tôi cũng báo sự việc này tới chính quyền, nhưng đến mấy ngày sau mới có cán bộ xuống thì lúc ấy họ đã rào lại xong rồi. Thêm vào đó, mấy ngày gần đây, nó thuê tụi xã hội đen đến ngồi la liệt trong nhà của tôi tại phần đất đó".

“Vết xe đổ” trong công tác quản lý đất đai tại Phú Quốc

Hàng loạt ki-ốt ngang nhiên mọc lên trên phàn đất lấn chiếm của gia đình ông Nê nhưng không hiểu vì lý do gì những ki-ốt trên vẫn được ngang nhiên xây dựng trước mặt chính quyền

Hàng loạt ki-ốt ngang nhiên mọc lên trên phàn đất lấn chiếm của gia đình ông Nê nhưng không hiểu vì lý do gì những ki-ốt trên vẫn được xây dựng trước mặt chính quyền

Liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, quý III năm 2018, tỉnh Kiên Giang đã xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc bị kỷ luật với hình thức khiển trách.

Theo kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, trong chỉ đạo, ông Toàn chưa kiểm tra thường xuyên dẫn đến công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền chỉ đạt kết quả 34%, đơn khiếu nại tồn đọng 41,68%; hiệu quả giải quyết đúng, tạo được đồng thuận 32,7%; số hồ sơ giải quyết trễ hẹn lên đến 65% và giải quyết sai 58%. Chủ tịch huyện Phú Quốc đã để tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra phức tạp, có chiều hướng ngày càng tăng đến mức không quản lý và xử lý được. Trực tiếp phụ trách lĩnh vực xây dựng nhưng ông Toàn thiếu lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý chưa kiên quyết kịp thời… dẫn đến quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa nghiêm, ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Ông Hưng là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Phú Quốc nhưng đã thiếu kiểm tra để cấp dưới đánh giá cấp công trình không đúng quy định, dẫn đến bồi thường sai với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) lần đầu, Phú Quốc còn để tồn đọng nhiều hồ sơ không giải quyết và cũng không nêu rõ lý do, chỉ đạo lưu trữ hồ sơ địa chính không đủ thành phần theo quy định.

Với những sai phạm và quản lý yếu kém nói trên, tỉnh Kiên Giang đã quyết định điều động ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh ra làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc thay thế ông Toàn.

...“luật rừng” vẫn tồn tại

Một phần đất của gia đình ông Nê

Một phần đất của gia đình ông Nê

Sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ những sai phạm về đất đai trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ngay sau đó cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với các lực lượng: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, kiểm lâm, Công an, UBND huyện Phú Quốc… mở đợt thanh kiểm tra vào các lĩnh vực: Xây dựng trái phép, phân lô bán nền, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, đào núi lấp sông, kinh doanh, môi giới bất động sản trái phép…

Trong một phát biểu chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu UBND huyện Phú Quốc phải nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc đối với các cấp huyện, xã về những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, bao chiếm, lấn chiếm đất đai, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái pháp luật. Việc xử lý các hành vi vi phạm phải nghiêm minh, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để lập lại trật tự trên địa bàn huyện.

“Trong tháng 7/2018, nếu tình hình vi phạm không chuyển biến, đoàn kiểm tra liên ngành phải có đề xuất xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan, từ xã, huyện và kể cả cán bộ của Ðoàn kiểm tra nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ðồng thời, quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý. Nhiệm vụ của Ðoàn kiểm tra liên ngành là phải chấn chỉnh cho tới khi ổn định tình hình thì mới xem xét cho kết thúc hoạt động kiểm tra”, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang chỉ đạo.

Chỉ đạo là vậy, nhưng đầu tháng 12 vừa qua, khi chúng tôi có mặt tại Ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, huyện đảo Phú Quốc, hàng loạt công trình mà theo tài liệu và người dân địa phương là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn rầm rộ thi công, không gặp phải bất cứ sự ngăn cản nào từ cơ quan chức năng xã Cửa Dương và huyện đảo Phú Quốc.

Để làm rõ hơn nội dung này và công tác quản lý đất đai trên địa bàn, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc nhưng đến nay, sau hơn một tháng, chính quyền nơi đây vẫn im lặng lạ kỳ./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top