Aa

Phú Thọ: Phát hiện 10/12 công ty khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật

Thứ Năm, 27/06/2019 - 23:00

Trong quá trình tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Phú Thọ, Thanh tra tỉnh đã phát hiện tới 10 đơn vị vi phạm pháp luật.

Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Ngày 17/10/2018, Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ ra Quyết định số 172/QĐ-TTr về việc thanh tra thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, chấp hành nghĩa vụ (thuế, phí) với nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Trong quá trình tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, Thanh tra tỉnh đã phát hiện tới 10 đơn vị vi phạm pháp luật, chiếm 83% danh sách thanh tra được UBND tỉnh phê duyệt (3 doanh nghiệp khai thác cao lanh, 4 doanh nghiệp khai thác đá, 5 doanh nghiệp khai thác sét sản xuất gạch ngói).

Trong quá trình tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Phú Thọ, Thanh tra tỉnh đã phát hiện tới 10 đơn vị vi phạm pháp luật.

Trong quá trình tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Phú Thọ, Thanh tra tỉnh đã phát hiện tới 10 đơn vị vi phạm pháp luật.

Điều này được chỉ rõ trong bản Báo cáo kết quả thanh tra ngày 07/01/2019 của Trưởng Đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra kết luận các doanh nghiệp này vi phạm về hồ sơ pháp luật, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ nhà nước: “Các doanh nghiệp chưa nghiêm túc, còn mang tính đối phó. Việc xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng chưa kịp thời, chưa kiên quyết”.

Cụ thể, trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoạt động khai thác khoáng sản, công ty Cổ phần Núi Hùng ngang nhiên coi thường pháp luật khi hoạt động khai thác từ năm 2016 dù chưa hoàn thiện hồ sơ về đất đai đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng thuê đất. Công ty này đã vi phạm Điều 31 của Luật Khoáng sản 2010.

Ngoài ra, trong số 12 doanh nghiệp thanh tra có tới 3 doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quan trắc, giám sát môi trường và lập báo cáo giám sát môi trường các năm; 3 doanh nghiệp chưa có biển báo nguy hiểm và biển an toàn lao động sản xuất tại công trường; 5 doanh nghiệp không tập huấn an toàn lao động cho người lao động làm việc tại mỏ; 6 doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động làm tại mỏ; 3 doanh nghiệp không phát bảo hộ lao động hàng năm cho người lao động làm việc tại mỏ; 2 doanh nghiệp thực hiện vệ sinh công nghiệp tại khu vực lò nung, khu vực chế biến chưa đảm bảo, còn bụi bẩn; 1 doanh nghiệp chưa xây dựng công trình ao lắng để xử lý nước thải công nghiệp.

… và thực hiện nghĩa vụ thuế

Không chỉ sai phạm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản mà đoàn kiểm tra còn phát hiện ra nhiều doanh nghiệp vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

1.716,14 triệu đồng là tổng số tiền hai doanh nghiệp chưa nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi khai thác. Sai phạm này đã vi phạm khoản 3, Điều 11 và khoản 1, Điều 16, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 quy định về phương pháp tính và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Hai doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản với tổng số tiền 666.383 triệu đồng, vi phạm khoản b, Điều 10, Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Hai doanh nghiệp chưa nộp đầy đủ tiền thuê đất theo quy định, số tiền nợ là 88,761 triệu đồng là vi phạm khoản 3 Điều 6, khoản 7 Điều 12, khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013.

Vi phạm Điều 4, Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được áp dụng với 2/10 doanh nghiệp được thanh tra đã kê khai thiếu phí bảo vệ môi trường với số tiền 63,643 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Phú Thọ còn phát hiện 2 doanh nghiệp kê khai thiếu thuế tài nguyên với tổng số tiền 114,458 triệu đồng, vi phạm Điều 5, Thông tư số 152/2015/TT-BCT ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên.

Tiếp tục có 2 doanh nghiệp kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào không đúng quy định với tổng số tiền 16,454 triệu đồng, vi phạm khoản 3, khoản 15, Thông tư 219/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của các Luật thuế GTGT.

Trong số 10 doanh nghiệp được kiểm tra thì có tới 4 doanh nghiệp kê khai thiếu thuế Thu nhập doanh nghiệp do hoạch toán vào giá vốn hàng bán khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ với tổng số tiền 138,028 triệu đồng là vi phạm Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BCT ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

Cuối cùng, thanh tra còn phát hiện và xử phạt 24,744 triệu đồng đối với tiền chậm nộp do hành vi kê khai thiếu, kê khai không đúng quy định của các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 3, Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế tiêu thu đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Phú Thọ nói gì?

10/12 doanh nghiệp được thanh tra vi phạm pháp luật về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước là con số đáng báo động. Phải chăng trình độ quản lý của các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ liên quan tới các doanh nghiệp này chưa tốt hay còn do nguyên nhân nào khác?

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên một phần do ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp chưa caao, một phần do năng lực tài chính, thị trường đầu ra còn khó khăn; công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và xử lý của các cơ quan chuyên môn chưa triệt để.

Trách nhiệm này thuộc về các doanh nghiệp có vi phạm và Sở Tài nguyên & Môi trường. Điều này đã được chính Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Phú Thọ thừa nhận với PV: “Để còn có các tồn tại trên là do Sở chưa theo dõi, đôn đốc triệt để đối với các doanh nghiệp; nguyên nhân có doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là do còn có khó khăn về tài chính trong hoạt động”.

Theo lãnh đạo Sở này, đến thời điểm hiện tại, đã có một số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, tiền thuế giá trị gia tăng kê khai khấu trừ không đúng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai thiếu, tiền chậm nộp do kê khai thiếu thuế, phí với tổng số tiền 351.327.000 đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn 3 đơn vị chưa nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, tiền thuê đất theo kiến nghị trong Kết luận thanh tra.

Như vậy, đã 6 tháng từ khi Thanh tra tỉnh Phú Thọ có kết luận số 01/KL-TTr ngày 14/01/2019 của Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chấp hành nghĩa vụ (thuế, phí) với Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhưng những sai phạm này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai, khi chính bản thân Sở này còn vẫn đang trong giai đoạn đôn đốc?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top