Chuyên gia đưa ra nhiều cơ sở để kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục trong 2024

Thứ Hai, 26/02/2024 - 06:05

Trước thực tế phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng "trượt dài" xuống dốc trong năm 2023, không ít nhà đầu tư quan ngại về "sức khoẻ" của phân khúc này trong năm 2024. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn có cơ hội hồi phục trong năm nay do một số động lực đang dần xuất hiện.

Thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng chưa hồi phục như kỳ vọng trong năm 2023 khi nguồn cung mới hạn chế và lượng giao dịch sụt giảm. Cụ thể, báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam 2023 và dự báo 2024 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng chỉ có khoảng 913 sản phẩm mới được đưa ra thị trường trong quý IV/2023, bằng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, thị trường có khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng mới, giảm khoảng 80% so với năm 2022.

Về giao dịch, toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng được giao dịch thành công, giảm 90% so với năm 2022. Lượng giao dịch chưa phục hồi như mong muốn do một số dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi, hàng tồn kho chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó.

Thông tin của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, trong quý IV/2023, giá bán và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm mạnh. Số lượng biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ du lịch được mở bán tại khu vực phía Nam (TP.HCM và các vùng phụ cận) giảm rõ rệt so với năm 2022. Giá bán sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong quý cũng có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ.

Trước thực tế bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn rơi vào những "cú trượt dài" khi kết thúc năm 2023, không ít nhà đầu tư quan ngại về khả năng hồi phục của phân khúc này trong năm 2024. Đặc biệt là khi nhiều phân khúc khác đang có những chuyển biến tích cực ngày càng rõ hơn như bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp hay thậm chí là phân khúc đất nền.

Tuy nhiên, chia sẻ với Reatimes, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn có khả năng hồi phục tốt hơn trong năm 2024 do một số động lực đang dần xuất hiện.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, hiện có 4 cơ sở để kỳ vọng phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sẽ lấy lại "phong độ" trong thời gian tới.

Thứ nhất, lượng khách du lịch đến Việt Nam đang có xu hướng hồi phục tích cực. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra. Khả năng trong năm 2024, đà tăng trưởng về du lịch đối với khách nước ngoài sẽ tiếp tục và đây chính là lợi thế lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Chuyên gia đưa ra nhiều cơ sở để kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục trong 2024- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh

Thứ hai, bất động sản du lịch sẽ hưởng lợi từ việc tăng tiêu dùng của người dân. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ dịch vụ và hàng hóa năm 2023 tăng 9,6% (mục tiêu đặt ra là 9%).

Thứ ba, yếu tố chuyên nghiệp của các nhà làm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đã được nâng cao, thực hiện nhiều chương trình du lịch hấp dẫn giúp làm tăng thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của các du khách.

Thứ tư, mặc dù chậm nhưng vẫn có những điều chỉnh chính sách liên quan đến bất động sản du lịch để giúp cho các sản phẩm bất động sản du lịch có thể tạo ra thị trường sôi động hơn và tăng hiệu suất sử dụng, hấp dẫn sức cầu đối với bất động sản du lịch.

"Tóm lại, bất động sản du lịch hiện nay đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Do đó, việc kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong năm 2024 so với năm 2023 là hoàn toàn có thể", TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Có cùng quan điểm, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS cho rằng, hậu thuẫn lớn nhất cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2024 đến từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Đó là chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm 2% thuế VAT với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức.

Theo bà Miền, các yếu tố này sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường. Khả năng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VARS cho rằng, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Đặc biệt, Nghị định số 10/2023 ngày 3/4/2023 tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng... thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư./.