Aa

Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Ba, 13/02/2024 - 06:00

Năm 2023, thị trường bất động sản TP.HCM có tín hiệu hồi phục và phát triển trở lại. Trước nỗ lực gỡ vướng từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền TP.HCM, một số khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được giải quyết.

TP.HCM đã tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khơi thông nguồn vốn trong tình hình mới. Đây là những động lực thúc đẩy sự phục hồi, hướng đến thời cơ mới để thị trường bất động sản TP.HCM phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh trong năm 2024.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, thị trường bất động sản TP.HCM đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và có thể nhận định quý I/2023 là "vùng đáy" của thị trường bất động sản. Dù về tổng thể, thị trường bất động sản TP.HCM hiện vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn đang có xu hướng giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

"Mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Cụ thể, thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2023 tăng trưởng âm -16,2% ; đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý 1/2023. Đến cuối quý III/2023, tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71%, nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm. Sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản TP.HCM đã giảm 42,3% so với quý I/2023. Trong bức tranh còn tối màu của thị trường bất động sản thì vẫn có "điểm sáng" là thị trường bất động sản công nghiệp.

Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 1.
Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 2.
Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 3.

Theo CBRE, trong 9 tháng đầu năm 2023, phân khúc bất động sản công nghiệp TP.HCM và vùng phụ cận đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 4 - 6%, tỷ lệ lấp đầy đạt mức 81,9%, tỷ lệ hấp thụ quý sau tăng so với quý trước. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong giai đoạn từ nay đến năm 2024 với xu hướng phát triển ổn định.

Để nỗ lực tìm lời giải cho bài toán quỹ đất hạn chế, TP.HCM đã phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số đơn vị ở khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung với nhà xưởng 9 - 10 tầng để phục vụ cho những dự án phù hợp như: công nghệ thông tin, công nghệ cao… TP.HCM cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm quy hoạch đất cho khu công nghiệp Phạm Văn Hai 1 và Phạm Văn Hai 2 với diện tích 668ha. Trong năm 2023, Thủ tướng đã có quyết định bổ sung quy hoạch này cho TP.HCM nên việc tiến hành quy hoạch và đấu thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng là cơ hội để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã triển khai Đề án định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có 5 khu công nghiệp, khu chế xuất được lựa chọn làm thí điểm và đến giữa năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai ở nhiều khu vực khác.

Ngoài ra, TP.HCM đang dự thảo một số tiêu chí về sức đầu tư ở một số ngành nghề. Trong đó, trung bình sức đầu tư ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM là 5 triệu USD/ha, với hướng xây dựng sắp tới, TP.HCM sẽ nâng lên từ 12 - 15 triệu USD/ha, tùy ngành nghề để thu hút các dự án mới.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản TP.HCM hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.

Thành phố đã nhận thấy những vướng mắc, khó khăn mà doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp phải, và có nhiều giải pháp quyết liệt để tập trung tháo gỡ, luôn đồng hành với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, UBND TP.HCM đã có nhiều ý kiến chỉ đạo giao Sở Xây dựng là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố thực hiện đúng các nội dung yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 4.

Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều cuộc họp, quyết sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản

Thời gian qua, tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản của UBND TP.HCM cũng đã có nhiều cuộc họp tháo gỡ, chủ yếu tập trung vấn đề có tính chất liên ngành mà một đơn vị không thể quyết định được, cần sự thống nhất; đưa ra cách hiểu, cách vận dụng pháp luật thống nhất để tháo gỡ khó khăn…

Trong thời gian tới, để thị trường bất động sản thành phố hoạt động minh bạch, lành mạnh, chuyên nghiệp, có sức hấp dẫn, với hệ thống cung ứng dịch vụ, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao; hình thành và phát triển các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, có thương hiệu; đóng góp quan trọng về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, kiến trúc, cảnh quan của Thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị:

Thứ nhất, đối với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cần nghiên cứu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mở rộng không gian phát triển. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản với thị trường vốn, xây dựng, lao động, khoa học và công nghệ. Đặc biệt là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có bước đột phá trong một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng.

Thứ hai, đối với doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cần chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giản bộ máy, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo... để tiết giảm chi phí hoạt động; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác. Song song với đó là tái cơ cấu sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp; rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán… khả thi, phù hợp thực tế, tạo thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự.

"Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nói riêng tăng trưởng, phát triển tốt sẽ đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tôi trân trọng ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực, những giá trị và thành quả mà doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản đã làm, đã cống hiến cho sự phát triển chung của thành phố", ông Trần Hoàng Quân khẳng định.

Liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, kết quả phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM trong thời gian qua mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.

Về phương hướng đến năm 2025, ông Trần Hoàng Quân nói rằng, TP.HCM phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội tương ứng với 2,5 triệu mét vuông sàn. Trong đó, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn với tổng mức đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng, tương đương 1,15 triệu mét vuông sàn.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ông Trần Hoàng Quân cho biết, Sở đang tham mưu với UBND Thành phố ban hành quy trình, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật. Thành phố cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung mới cho thị trường…

Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 5.

Một góc chung cư Lê Thành - An Lạc - khu nhà ở giá rẻ cho công nhân tại quận Bình Tân, TP.HCM

TP.HCM sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương có ý kiến hướng dẫn cụ thể liên quan đến các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Thành phố kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Cùng với đó là bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội…

Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, TP.HCM đã làm tốt mục tiêu chặn đà suy giảm, theo đó, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,81%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,8%; tổng doanh thu du lịch tăng 22% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Thành phố tăng 44,3%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10%.

TP.HCM đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong hoạt động của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác hoặc khởi công. Nhiều dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành sớm so với kế hoạch.

TP.HCM cũng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về chỉ số chuyển đổi số… Trong 21 chỉ tiêu thành phần kinh tế - xã hội chủ yếu của năm, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, nổi lên là việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội chuyển biến chưa mạnh, nhiều chỉ tiêu quan trọng chưa đạt kế hoạch. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã tập trung giải quyết nhưng có những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra…

Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 6.
Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 7.
Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 8.
Bất động sản TP.HCM: Đi qua vùng đáy- Ảnh 9.

Bước sang năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực, TP.HCM sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; đồng thời nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số.

Liên quan đến việc thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, TP.HCM sẽ tham mưu để Trung ương sớm ban hành các văn bản, nghị định hướng dẫn. Đồng thời, Thành phố tập trung thực hiện thật tốt các nghị quyết mà HĐND TP.HCM đã ban hành; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của TP.HCM; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đột phá, vượt trội từ tinh thần của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Trong đó, TP.HCM tập trung vào phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD); kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược; đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị và các vấn đề có liên quan đến thị trường tín chỉ carbon. Một trong những nội dung khác là TP.HCM cũng tập trung phối hợp cơ quan Trung ương đẩy nhanh các công tác chuẩn bị liên quan đến đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ; dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Năm 2024, TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5 - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng, khách quốc tế đến thành phố đạt khoảng 6 triệu lượt.

Thành phố cũng phấn đấu tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,44 km/km2; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới là 8 triệu mét vuông…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top