Aa

Đà bứt tốc của bất động sản phía Tây Hà Nội

Di Anh
Di Anh
Thứ Tư, 14/02/2024 - 06:04

Một thập kỷ trở lại đây, khu vực phía Tây Hà Nội đã và đang "thay da đổi thịt" với sự lột xác về hạ tầng giao thông, hàng loạt công trình bất động sản hiện diện, nhiều "ông lớn" tích cực triển khai dự án. Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, giá căn hộ khu Tây đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Liên tục thiết lập mặt bằng giá mới 

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trang Thủ đô Hà Nội, khu vực phía Tây thành phố đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ với những đại đô thị được quy hoạch bài bản, hệ thống dịch vụ và hạ tầng đồng bộ.

Xét về hạ tầng giao thông, khu vực này có sự hiện diện của loạt công trình lớn như Đại lộ Thăng Long (giúp kết nối với trung tâm thành phố), các Quốc lộ 21, 32, 6…

Sự hình thành của các tuyến đường như Tố Hữu - Lê Văn Lương, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3.5, Vành đai 4, Đại lộ Thăng Long, các dự án đường sắt đô thị số 2A, số 3 tại khu vực này đã tạo động lực cho việc phát triển các dự án bất động sản.

Minh chứng là nhiều dự án quy mô của những "ông lớn" đã phát triển dọc theo các tuyến đường này ở khu vực phía Tây Hà Nội. Có thể kể đến The Manor Central Park (Tập đoàn Bitexco), Vinhomes Green Bay (Tập đoàn Vingroup), Vinhomes Thăng Long (Tập đoàn Vingroup), Mailand Ha Noi City…

Năm 2023, khi cập nhật về diễn biến thị trường Thủ đô trong quý III, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao chi nhánh Hà Nội của CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung căn hộ mở bán mới ghi nhận khoảng 3.000 căn từ 9 dự án; tăng hơn 1,5 lần so với quý II.‏ Trong đó, hơn 90% căn hộ mới ở Hà Nội thuộc phân khúc cao cấp, chủ yếu nằm trong các khu đô thị lớn ở Nam Từ Liêm và Gia Lâm.

Phía Tây Hà Nội tiếp tục là khu vực thống trị số căn hộ mở bán mới khi chiếm gần 62% tổng nguồn cung trong quý III năm ngoái. Thời điểm đó, CBRE đã dự báo trong quý IV/2023, nguồn cung căn hộ mới ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng với hơn 4.500 căn mở bán, nâng tổng nguồn cung mới trong cả năm 2023 đạt khoảng 11.400 căn.

Phía Tây là 1 trong 3 khu vực dự kiến tập trung lượng căn hộ mới của Hà Nội trong quý cuối năm ngoái, đến từ một số dự án lần đầu mở bán hoặc mở bán giai đoạn tiếp theo (cùng với phía Đông và phía Bắc).

Bài trực tết 5: "Sải chân bứt tốc" của bất động sản phía Tây Hà Nội- Ảnh 1.

Khu vực phía Tây TP. Hà Nọi đã ghi nhận sức phát triển mạnh mẽ với những đại đô thị. Nguồn ảnh: Vneconomy.

Đến tháng 12/2023, thông tin từ Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường nhà ở phía Tây Thủ đô đã thiết lập mặt bằng giá mới, dao động 80 - 100 triệu/m2.

"Thị trường khu Tây Hà Nội tăng nhiệt khi nhiều chủ đầu tư lớn trong nước và quốc tế rục rịch ra mắt sản phẩm mới, thiết lập những kỷ lục về giá bán.

Mẫu số chung của các dự án căn hộ mới tại khu Tây là đều thuộc phân khúc hạng sang với mức giá trung bình 80 - 100 triệu/m2, ngang ngửa giá chung cư cao cấp tại "đất vàng" Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy…", đơn vị này nhận định.

Điểm qua một vài dự án tại quận Hoài Đức, Anlac Group có dự án Moonlight 1 với quy mô gần 500 căn hộ. Vietracimex có dự án The Wisteria gồm 3 tòa nhà 25 tầng (840 căn hộ); dự kiến bàn giao quý IV/2025; Địa ốc Phú Long cùng chủ đầu tư ngoại Keppel Land (Singapore) có dự án Mailand Hanoi City gồm 4 tòa chung cư; vị trí tiếp giáp đại lộ Thăng Long và Vành đai 3.5.

Tại quận Nam Từ Liêm, một số chủ đầu tư lớn hiện diện tại khu vực này có thể kể đến Masterise Homes với dự án Lumière Evergreen, gồm 3 tòa tháp 39 tầng với quy mô 2.000 căn hộ, dự kiến bàn giao cuối năm 2025.

Vinhomes với dự án The Canopy, gồm 3 tòa 38 tầng với, quy mô 1.758 căn hộ, dự kiến bàn giao tháng 7/2025. CapitaLand (Singapore) với dự án Lumi Hanoi có quy mô 9 tòa tháp từ 29 - 35 tầng gồm 4.000 căn hộ; vị trí giáp đại lộ Thăng Long, Vành đai 3.5 và tuyến metro số 7.

Năm 2024, đội ngũ chuyên gia của CBRE dự báo nguồn cung mới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại ở. Thị trường Hà Nội dự kiến ghi nhận gần 16.000 căn hộ chung cư và hơn 6.000 căn nhà ở thấp tầng mở bán mới, phần lớn đến từ các dự án đại đô thị ở phía Tây và phía Đông thành phố.

"Bên bồi" của dòng sông Hồng

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm (đa cực) theo xu hướng chung của các thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, khu Tây được định hướng trở thành trung tâm hành chính - kinh tế mới hiện đại, hội nhập.

Hưởng lợi từ quy hoạch, sự hiện diện của các công trình hạ tầng, dự án, khu đô thị đã giúp nâng cao đáng kể đời sống người dân, tạo ra làn sóng chuyển dịch từ lõi đô thị về khu vực này.

Bà Hồng Khanh (55 tuổi, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ với PV: "Nhớ lại những năm 2000, tôi về khu vực Mỹ Đình, Hoài Đức chỉ thấy toàn là ruộng đồng mênh mông, dân cư thưa thớt, ít ai nghĩ đến giờ ở đây lại có thể hình thành nhiều khu đô thị, nhà cao ốc sầm uất uất như thế này.

Nội đô ngày càng eo hẹp quỹ đất, không gian chật chội, tôi thấy ngày càng nhiều người chuyển về sinh sống ở các khu vực ngoại thành. Bây giờ đường sá đi lại thuận tiện, di chuyển xa gần không còn là vấn đề, chất lượng cuộc sống mới là điều thực sự quan trọng".

Bài trực tết 5: "Sải chân bứt tốc" của bất động sản phía Tây Hà Nội- Ảnh 2.

Bất động sản phía Tây Hà Nội tăng tốc nhờ đòn bẩy hạ tầng và quy hoạch giao thông. Nguồn ảnh: Vneconomy.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), xu hướng dịch chuyển từ các khu vực nội đô sang vùng ven đã ngày càng trở nên rõ nét trong vài năm gần đây.

Nhiều nhà phát triển bất động sản đã tiên phong triển khai các dự án đại đô thị như Vinhomes, Ecopark,... Giá bán tốt hơn, sản phẩm, không gian sinh hoạt và tiện ích đa dạng dành cho cư dân đã thu hút lượng lớn khách hàng chuyển đến đến sinh sống và làm việc. Bất động sản ở những khu vực này cũng nằm trong xu hướng tăng trưởng giá.

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, nguồn cung căn hộ trong năm 2024 sẽ tăng trở lại nhờ đà phục hồi của thị trường và nỗ lực gỡ vướng pháp lý cho các dự án của cơ quan quản lý Nhà nước.

Các dự án mới có xu hướng lan rộng ra ở các khu vực xa hơn, theo các định hướng quy hoạch cơ sở hạ tầng. Đây cũng là chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư trong tình hình quỹ đất tại các khu trung tâm thành phố ngày càng hạn chế, đồng thời phù hợp với đặc trưng lối sống của thế hệ Millennials-Z (18 - 38 tuổi) - đang chiếm tới 47% dân số cả nước (khoảng 45 triệu người) khi chú trọng hơn vào môi trường, hệ thống tiện ích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Yếu tố khoảng cách không còn là sự lựa chọn hàng đầu đối với nhóm khách hàng này khi thuê, mua nhà ở. Họ chấp nhận đi xa hơn một chút để được sống tại nơi có không gian trong lành, tiện ích tích hợp tối đa. Hơn nữa, trước nỗi ám ảnh về tắc đường nội đô, giờ đây, người mua nhà đang thay đổi khái niệm mới, từ đi bao xa đến mất bao lâu.

Nếu hạ tầng giao thông thông thoáng và kết nối vùng tốt, khoảng cách không còn là vấn đề cần cân nhắc thì xu hướng dịch chuyển ra các dự án ở vùng ven nội đô là tất yếu.

Đội ngũ chuyên gia VARS nhận định: "Xu hướng tích cực này không chỉ góp phần quan trọng làm giảm áp lực về hạ tầng cho vùng lõi đô thị mà còn giúp dự án có giá bán tốt hơn nhờ ưu thế về quỹ đất để phát triển các dự án quy mô lớn. Thông qua đó kéo, giảm mặt bằng giá bất động sản".

Nói về tiềm năng khu Tây Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh từng ví von: "Dòng nước chảy đến khúc sông cong bao giờ cũng thúc vào bờ. Ngoài làm lở đất và chảy cuộn lại mang lượng đất đỏ bồi đắp cho phía bên kia sông còn giúp hình thành "bên bồi", "bên lở". Cụ thể ở đây, bờ sông Hồng phía Đông chính là bên lở và bờ phía Tây chính là bên bồi"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top