Aa

PVcomBank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng thành công CCCD gắn chip vào mở tài khoản bằng eKYC

Thứ Tư, 30/08/2023 - 16:37

Việc áp dụng phương thức eKYC mới này không làm thay đổi quy trình mở tài khoản trực tuyến của khách hàng tại PVcomBank.

Chỉ sau hơn 2 tháng, ngày 30/08/2023, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai thành công việc ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.

Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số tại PVcomBank, góp phần hoàn thành các mục tiêu tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

PVcomBank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng thành công CCCD gắn chip vào mở tài khoản bằng eKYC

Theo kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 thuộc lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho PVcomBank là 1 trong những tổ chức tín dụng phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, PVcomBank là ngân hàng đầu tiên triển khai thành công dịch vụ mở tài khoản thanh toán thông qua định danh CCCD gắn chip kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư trên môi trường thực chỉ sau hơn 2 tháng phối hợp triển khai với đối tác là Công ty cổ phần Dịch vụ và công nghệ số Quang Trung (QTS).

“Kết quả này là một bước tiến mới trong hoạt động ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư cho các dịch vụ của ngành tài chính ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và là dấu ấn nổi bật trên hành trình chuyển đổi số nói riêng tại PVcomBank. Đây còn là nền tảng quan trọng để PVcomBank đẩy nhanh tiến trình số hóa hoàn toàn sản phẩm, dịch vụ, mang lại thuận tiện cho khách hàng và người dân cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành của hệ thống với mục tiêu: Không giấy tờ, không tiền mặt, không chờ đợi trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số PVcomBank cho biết.

Việc áp dụng phương thức eKYC mới này không làm thay đổi quy trình mở tài khoản trực tuyến của khách hàng tại PVcomBank. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình eKYC sẽ được xác thực bằng cách kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thông qua thiết bị chip điện tử gắn tại mặt sau của CCCD. Theo đó, thay vì phải chụp hai mặt CCCD, đăng tải dưới định dạng ảnh như phương thức eKYC hiện tại, khách hàng chỉ cần đặt mặt có gắn chip lên thiết bị di động của mình để hệ thống đọc đồng thời thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng với các thông tin được lưu tại cơ sở dữ liệu. Điều này giúp quy trình xác thực của khách hàng được diễn ra nhanh chóng, an toàn và đảm bảo độ chính xác cao hơn. Để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, PVcomBank đã triển khai thành công giải pháp này ở cả 2 hệ điều hành iOS và Android có công nghệ đọc NFC trên các thiết bị điện thoại thông minh. Trải nghiệm với dịch vụ ngân hàng của người dân, khách hàng vì thế cũng trở nên thuận tiện và phù hợp với nhu cầu hơn. Còn đối với PVcomBank, khi có đầy đủ thông tin được xác thực, Ngân hàng có thể nghiên cứu thêm nhiều nghiệp vụ khác phục vụ hoạt động kinh doanh như chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư hay phát triển sản phẩm, dịch vụ, mở rộng các tính năng tiện ích cho khách hàng trên nền tảng số…

CCCD gắn chip có tính ứng dụng cao, có lợi thế mang tính đột phá về vấn đề bảo mật, đặc biệt phù hợp với các hoạt động của ngành ngân hàng - lĩnh vực được đánh giá là đặc thù với yêu cầu khắt khe về tính xác thực, mức độ an toàn nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố nhanh và tiện. Trong đó, chiếc thẻ chip trên CCCD lưu thông tin sinh trắc (khuôn mặt, vân tay) sẽ giúp cho việc đối sánh để xác thực chủ sở hữu một cách nhanh chóng. Không những thế, trước khi đến tay người dân, CCCD đã được khóa để chống can thiệp trái phép lên chip, đồng thời được ký số bởi Ban Cơ yếu Chính phủ bằng giải thuật mã khóa công khai, cho phép xác thực thẻ thật giả. Điều này góp phần quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng giấy tờ giả, gian lận, mạo danh. Ở kỳ vọng xa hơn, đó còn là mục tiêu góp phần minh bạch các giao dịch trên thị trường tài chính, hạn chế tình trạng tín dụng đen của PVcomBank và các ngân hàng trong hệ thống.

Ngành Ngân hàng được xem là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số bởi đây là lĩnh vực có tính sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, doanh nghiệp và cần được ưu tiên triển khai. Việc tham gia vào triển khai Đề án 06 không chỉ thể hiện quyết tâm chuyển đổi số tại PVcomBank mà còn khẳng định vai trò của một trong những tổ chức tiên phong cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên nền tảng Cơ sở dữ liệu về dân cư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top