Quận Long Biên: Kỳ vọng về một chính quyền sẽ dốc sức vì dân

Quận Long Biên: Kỳ vọng về một chính quyền sẽ dốc sức vì dân

Thứ Hai, 28/09/2020 - 11:20

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Đại hội Đại biểu quận Long Biên khóa IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong 3 ngày từ 4 - 6/8/2020 với chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, truyền thống đoàn kết, sáng tạo; xây dựng quận Long Biên phát triển bền vững, văn minh, hiện đại”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ quận khóa IV gồm 39 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ quận khóa IV đã bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Quận ủy. Ông Đường Hoài Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy khóa III, được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Quận ủy khóa IV với tỷ lệ số phiếu đạt 96,58%. Các ông Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Mạnh Điềm được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy khóa IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thay mặt BCH Đảng bộ quận Long Biên khóa IV, Bí thư Quận ủy Long Biên, ông Đường Hoài Nam khẳng định, tập thể BCH Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ cùng với toàn Đảng bộ tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu, tăng cường đoàn kết, nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp, lề lối làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ quận. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Bí thư Quận ủy được nhận xét là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, có bề dày kinh nghiệm công tác tại quận Long Biên. Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Mạnh Hà luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là cán bộ được quy hoạch chức danh Phó Bí thư phụ trách công tác xây dựng chính quyền của quận Long Biên.

Sau một năm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND Nguyễn Mạnh Hà, quận Long Biên đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế, đời sống an sinh xã hội. Tuy nhiên, những thực trạng về xây dựng, đô thị, quy hoạch, “nói mãi vẫn đâu vào đấy” đang mong đợi một cú hích lớn để quận Long Biên thật sự thay da đổi thịt.

Trong nhiệm kỳ mới, với sự tín nhiệm đặc biệt dành cho ông Nguyễn Mạnh Hà Chủ tịch UBND quận Long Biên, Phó Bí thư Quận ủy khóa IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, người dân kỳ vọng rất nhiều điều. Đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế đô thị.

“Long Biên phải nói là quận được quy hoạch rất sớm, một trong những quận được xây dựng quy củ. Sinh ra và lớn lên ở đây bao thế hệ tôi được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Công bằng mà nói, cuộc sống người dân được quan tâm hơn nhưng thực tế việc quản lý xử lý vi phạm vẫn còn buông lỏng, tồn tại nhiều bất cập. Khu vực ven đê trên địa bàn Ngọc Thụy, Ngọc Lâm nhiều nhà xây dựng trên đất nông nghiệp cũng bị lấn chiếm. Dân phản ánh rất nhiều, nhưng xử lý thế nào dân không biết. Kỳ vọng đồng chí Chủ tịch sẽ có chỉ đạo quyết liệt hơn trong năm nay” là chia sẻ của một người dân trên địa bàn quận Long Biên.

Một ý kiến khác cho rằng: “Làm công tác Nhà nước thì việc lắng nghe quần chúng rất quan trọng. Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra. Điều mà người dân hy vọng là một môi trường sống xanh sạch đẹp như những gì mà kỳ đại hội vừa qua hướng đến. Tôi hay nhân dân trên địa bàn quận Long Biên mong rằng đồng chí Chủ tịch quận và lãnh đạo các cấp dám nhìn vào thực tế, đánh giá đúng thực trạng, sai phải sửa, phải xử lý. Người dân không thể làm sai, xây dựng sai, dự án không thể chậm nếu các cấp sát sao, tận tâm, vì lợi ích chung, vì nhân dân".

Tôi cũng như nhiều người dân đang kỳ vọng vào vị Chủ tịch quận sẽ mang đến sự đổi mới, bộ mặt đô thị mới, không lặp lại những điều mà dư luận bức xúc thời gian qua. Thực tế hiện tại trên địa bàn quận vẫn tồn tại nhiều vấn đề, hy vọng vị Chủ tịch này sẽ có cách quản lý tốt hơn, quan tâm đến đời sống người dân hơn những lãnh đạo tiền nhiệm”, chị Hương Ly - cư dân KĐT Việt Hưng (Long Biên) chia sẻ.

Đồng quan điểm này, đại diện một số hộ dân thuộc phường Sài Đồng (Long Biên) cho biết, những tồn tại của Hà Nội mà người dân và dư luận quan tâm tập trung vào những vấn đề: Lấn chiếm, sai phạm xây dựng, quy hoạch, ô nhiễm môi trường… “Tôi mong rằng, với kinh nghiệm quản lý và sự am hiểu về quận, Chủ tịch sẽ làm tốt công việc trên cương vị được bầu”.

Được biết, ngày 06/09/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7463-QĐ/TU, chuẩn y kết quả bầu cử Phó Bí thư Quận ủy Long Biên đối với ông Nguyễn Mạnh Hà, sinh năm 1971, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên để phân công giữ chức Phó Bí thư Quận ủy phụ trách chính quyền và giới thiệu HĐND quận bầu chức danh Chủ tịch UBND quận Long Biên.

Đến ngày 13/9/2019, HĐND quận Long Biên tổ chức kỳ họp bất thường - HĐND quận khoá III, nhiệm kỳ 2016 - 2021 để xem xét, kiện toàn nhân sự của HĐND, UBND quận và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND quận. Tại kỳ họp, các vị đại biểu HĐND quận đã thống nhất, bầu ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Bí thư Quận uỷ, Phó Chủ tịch UBND quận giữ chức vụ Chủ tịch UBND quận nhiệm kỳ 2016 - 2021 (kết quả bầu cử: 32/34 phiếu đạt 94,1%).

Theo đại bộ phận nhân dân, trên địa bàn có 02 vấn đề lớn được quan tâm gồm: Quản lý đô thị - vấn nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường; quản lý trật tự xây dựng đô thị - thực trạng vi phạm xây dựng phá vỡ quy hoạch. Có rất nhiều sai phạm đã tồn tại từ năm này qua năm khác mà không được xử lý hoặc xử lý hời hợt, kém hiệu quả.

Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội (TN&MT) vừa công bố Kết luận thanh tra số 316 về việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND quận Long Biên và UBND các phường trên địa bàn quận.

Kết luận thanh tra cho thấy đã có 304 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp với tổng diện tích đất là 13,7ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp, diện tích 13,3ha và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp, diện tích 0,17ha; tự san lấp đất trên đất nông nghiệp là 3 trường hợp tại phường Việt Hưng với diện tích 0,15ha.

Nổi bật là phường Long Biên với số trường hợp vi phạm nhiều nhất. Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, phường này còn 92 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với tổng diện tích 15.009m2. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra vi phạm từ trước năm 2014 trở về trước, đến thời điểm thanh tra, UBND phường Long Biên chưa lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Cũng theo kết luận thanh tra, đối với quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công và xử lý vi phạm tại quận Long Biên, phần lớn diện tích đất nông nghiệp công ích đều đã cho các hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng không sử dụng vào mục đích nông nghiệp; việc cho thuê đất công ích không thực hiện thông qua đấu giá để giao thầu sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.

Các trường hợp vi phạm xây dựng nhà trên đất nông nghiệp tại địa bàn phường Thượng Thanh, Bồ Đề, Giang Biên, Long Biên, Việt Hưng, Cự Khối, Đức Giang.

Nhiều trường hợp ngay sau khi được thuê đã tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sinh thái nhưng không được UBND các phường lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể là các trường hợp vi phạm trên địa bàn phường Thượng Thanh, Bồ Đề, Giang Biên, Long Biên, Việt Hưng, Cự Khối, Đức Giang…

Có đến 32 trường hợp đất công ích bị vi phạm, xây dựng nhà ở, nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trái phép với tổng diện tích đất vi phạm là 3,31ha. Đất công bị vi phạm để xây dựng nhà ở, nhà kho, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, bến bãi trái quy định là 254 trường hợp với diện tích vi phạm đến 8,32ha.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, đến thời điểm thanh tra, các vi phạm chưa được UBND các phường và UBND quận Long Biên xử lý theo quy định của pháp luật là buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng các quy định tại Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội.

Đối với việc sử dụng đất nông nghiệp, đất công vào mục đích kinh tế trang trại, kết quả thanh tra cho thấy, phần lớn các phương án sử dụng đất được UBND quận Long Biên phê duyệt không xác định loại đất sử dụng trong phương án; không làm rõ căn cứ pháp luật khi cho phép chủ đầu tư được xây dựng công trình trên đất, không phù hợp với chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, quá trình chủ đầu tư thực hiện phương án sử dụng đất không được các cơ quan chức năng của quận và các phường tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm phát sinh.

Về kết quả xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, UBND quận Long Biên báo cáo đã xử lý được 163 trường hợp vi phạm trên tổng số 304 trường hợp vi phạm. Tổng diện tích đất nông nghiệp được khắc phục triệt để khoảng 2,8ha trên tổng diện tích bị vi phạm là 13,7ha. Diện tích vi phạm còn phải xử lý khoảng 20ha gồm 141 trường hợp, không bao gồm các trường hợp vi phạm nằm trong các dự án đã có thông báo thu hồi đất, UBND các phường đang tiến hành thủ tục kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định.

Theo Đoàn thanh tra Sở TN&MT, từ năm 2014 đến nay, UBND quận Long Biên đã tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất công tại 14 phường và có 18 kết luận thanh tra từ năm 2014. Tuy nhiên, các kết luận thanh tra không chỉ rõ các vi phạm. Mặt khác, đến nay UBND quận Long Biên chưa làm rõ việc xử lý, khắc phục sau thanh tra theo quy định.

Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại phường Thạch Bàn biến thành nhà xưởng, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi đỗ xe, nhà xưởng. 

Đối với công tác báo cáo định kỳ theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và đôn đốc, hướng dẫn của Sở TN&MT, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/01/2014 của UBND TP Hà Nội, UBND quận Long Biên đã có 04 báo cáo kết quả thực hiện, kết quả báo cáo chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung cần báo cáo, chưa làm rõ các kết quả xử lý và các vi phạm còn phải xử lý qua từng năm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện.

Hàng loạt dự án vi phạm xây dựng tại phường Bồ Đề bị người dân phản ánh như thay đổi thiết kế, vượt giới hạn chiều cao, phá vỡ quy hoạch đô thị.

So sánh, đối chiếu kết quả thực hiện Chỉ thị số 04 tại Báo cáo số 286/BC-UBND ngày 31/10/2016 và Báo cáo số 212/BC-UBND ngày 3/8/2017 của UBND quận Long Biên cho thấy, số liệu vi phạm đối với đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64 thời điểm trước năm 2014 khác biệt về số trường hợp và diện tích đất vi phạm.

Cụ thể, báo cáo năm 2017 có số vi phạm tăng hơn so với báo cáo năm 2016 đến 53 trường hợp mà không có sự giải thích làm rõ. Tại thời điểm thanh tra, số vi phạm được xác định là 299 trường hợp, tăng so với năm 2017 là 132 trường hợp, tăng so với năm 2016 là 187 trường hợp. Điều này cho thấy việc tổng hợp số liệu các vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất công chưa phản ánh đúng thực tế quản lý đất đai và xử lý vi phạm trên địa bàn.

Với các sai phạm nêu trên, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP Hà Nội giao UBND quận Long Biên tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các phường trên địa bàn quận và các cá nhân liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị 04 của thành phố.

Tổ chức kiểm tra, rà soát đối với toàn bộ phương án sử dụng đất, các hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp, đất công trên các địa bàn xã, thị trấn và có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm.

Tổ chức giám sát việc xử lý, khắc phục các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với Chủ tịch UBND các phường và xử lý trách nhiệm đối với công chức địa chính, công chức quản lý trật tự xây dựng tại các phường Ngọc Thuỵ, Phúc Lợi, Phúc Đồng để xảy ra các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công từ năm 2014 đến nay nhưng không được xử lý dứt điểm.

Đề cập đến kết quả trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, trận tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho hay, năm 2019, quận phê duyệt 28 tổng mặt bằng quy hoạch 1/500; Phối hợp với sở ngành thành phố đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị N10.

Quận Long Biên đã cấp 3.560 giấy phép xây dựng; duy trì kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình nhà ở riêng lẻ, kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Kết quả đã xử phạt 2 trường hợp xây dựng không phép, 2 chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Liên quan đến việc khắc phục, xử lý các trường hợp vi phạm về sử dụng đất theo Kết luận thanh tra số 316/KL-STNMT-TTr của Sở TN&MT, quận Long Biên đã xây dựng kế hoạch thực hiện tập trung vào 02 nội dung: Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm và xử lý, khắc phục vi phạm.

Kết quả, về kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, UBND quận đã chỉ đạo phòng Nội vụ hướng dẫn các phòng ban liên quan, UBND các phường xác định 141 cá nhân thuộc 13 tập thể phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, báo cáo chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.

Về khắc phục, xử lý vi phạm, UBND quận đã chỉ đạo xử lý 31 trường hợp với tổng diện tích vi phạm là 9.328m2. 

Trong đó, xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 10 trường hợp (Bồ Đề: 9, Giang Biên: 1); xử lý tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm 16 trường hợp (Bồ Đề: 8, Ngọc Thuỵ: 2, Thượng Thanh: 2, Đức Giang: 3, Cự Khối: 1); xử lý thu dọn hoàn trả mặt bằng, bến bãi, ao: 6 trường hợp (Phúc Lợi: 4, Thạch Bàn: 2); thiết lập hồ sơ quản lý đối với các vị trí đề nghị giữ nguyên theo hiện trạng đang sử dụng (là các công trình công cộng): 9 trường hợp…

Tuy nhiên, sai phạm chưa dừng lại ở đó, khi người dân liên tục tố cáo, chỉ điểm các sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại quận Long Biên. Mặt khác, báo chí cũng phản ánh rất nhiều thực trạng các dự án "đắp chiếu" nằm trên địa bàn quận Long Biên. 

Ngày 14/12/2018, Thanh tra Thành phố Hà Nội có Kết luận số 6059/KL-TTTP-P3 về việc thanh tra toàn diện dự án tại khu đất 12ha nêu trên. Kết luận ghi rõ: Khu đất 12ha thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng B, phường Thạch Bàn, quận Long Biên được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Điện tử Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Hanel) theo Quyết định số 193/TTg ngày 24/4/1993 với thời hạn thuê 50 năm để liên doanh với nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất đèn hình Orion – Hanel. Công ty TNHH Đèn hình Orion – Hanel là Công ty liên doanh giữa Công ty Điện tử Hà Nội và Orion Electric Co.,Ltd - Hàn Quốc được thành lập để sản xuất đèn hình đơn sắc, đèn hình màu; bên Việt Nam góp 30% vốn pháp định, trong đó có tiền thuê khu đất 12ha trong 43 năm là 15.400.000 USD; thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày cấp phép đầu tư.

Các vấn đề pháp lý về đất tại khu đất 12ha này vẫn chưa được giải quyết, nhưng không hiểu vì lý do gì Bộ Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần Hateco Logistics vẫn tổ chức Lễ công bố Quyết định mở Cảng cạn Long Biên và kích hoạt Cảng đi vào hoạt động ngày 31/7/2020.

Ngày 12/03/2004, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 1334/QĐ-UB cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X112472 cho Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel được quyền sử dụng khu đất 12ha để xây dựng nhà máy sản xuất đèn hình Orion - Hanel với thời hạn sử dụng là 50 năm kể từ ngày 06/01/1993 đến ngày 06/01/2043.

Năm 2004, Công ty TNHH Đèn hình Orion – Hanel thế chấp tài sản bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đèn hình… vay tín dụng dài hạn 23.000.000 USD tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Hà Nội để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đèn hình số 2, mở rộng sản xuất, nhưng do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, lỗ kéo dài, đến tháng 06/2008 số lỗ lũy kế là 47.762.000 USD, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ và phải ngừng hoạt động.

Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Hà Nội căn cứ theo quy định tại Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; Điều 365 Bộ Luật Dân sự năm 2015 và Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/07/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng và các hợp đồng tín dụng, tiến hành các thủ tục để xử lý nợ của Công ty TNHH Đèn hình Orion – Hanel theo phương thức mua, bán nợ thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ.

Ngày 30/3/2017, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Hà Nội ký Hợp đồng số 16/HĐMBN bán toàn bộ các khoản nợ của Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel cho Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội với giá 530.000.000.000 đồng.

Ngày 25/9/2017, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Hà Nội với Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel ký thỏa thuận chuyển giao tài sản bảo đảm và giấy tờ liên quan tới tài sản bảo đảm, có sự tham gia chứng kiến của UBND phường Thạch Bàn, Công an phường Thạch Bàn, Công an phường Sài Đồng (quận Long Biên).

Ngày 19/12/2017, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội ký Hợp đồng số 1239/2017/HĐCN chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với khu đất 12ha cho Công ty Cổ phần Hateco Logistics với giá 206.289.000.000 đồng.

Kết luận Thanh tra cũng đã nêu rõ các tồn tại, sai phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 12ha cho Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel; đăng ký cho Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel thế chấp quyền sử dụng khu đất 12ha để vay tín dụng tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Hà Nội; việc quản lý vốn góp của Nhà nước với tỷ lệ 30% vốn pháp định tại Công trình TNHH Đèn hình Orion - Hanel…

Liên quan đến việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến các sai phạm, ngày 29/6/2020, Thanh tra Thành phố Hà Nội tổng kết: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm điểm xong, Công ty Cổ phần Hanel đã tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát, Phòng Kế toán tài vụ, Phòng Tài chính đầu tư, Tổ công tác Orion - Hanel nhưng chưa tổ chức kiểm điểm cá nhân đối với cán bộ nguyên là lãnh đạo Công ty tại giai đoạn năm 2004 - 2007 nay đã nghỉ hưu…

Được biết, ngày 20/4/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 711/QĐ-BGTVT Công bố mở Cảng cạn Long Biên. Tuy nhiên, trong điểm 2, khoản 1, Điều 2 Quyết định này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề cập đến chuyện “nhắc nhở” Công ty Cổ phần Hateco Logistics: “Hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bổ sung mục đích sử dụng đất và nghiệm thu tổng thể về phòng cháy chữa cháy công trình cảng cạn trước khi đưa vào khai thác chính thức”.

Trong khi đó các vấn đề pháp lý về đất tại khu đất 12ha này vẫn chưa được giải quyết, nhưng không hiểu vì lý do gì Bộ Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần Hateco Logistics vẫn tổ chức Lễ công bố Quyết định mở Cảng cạn Long Biên và kích hoạt Cảng đi vào hoạt động ngày 31/7/2020.

Cụ thể: Ngày 19/08/2020, trong Văn bản thông báo số 304/TB-VP nêu kết luận của ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND Hà Nội tại cuộc họp kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo, xử lý sau Thanh tra toàn diện dự án tại khu đất 12ha thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, ông Nguyễn Quốc Hùng vẫn chỉ ra hàng loạt vấn đề cần phải xử lý tại khu đất này.

Ngày 31/7, Công ty Cổ phần Hateco Logistics tổ chức lễ công bố Quyết định mở Cảng cạn Long Biên, giới thiệu quy mô hoạt động và kích hoạt cảng đi hoạt động. 

Tuy nhiên, ít ai biết Cảng cạn Long Biên này nằm trên diện tích đất 12ha thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội) đang tồn tại vô số sai phạm chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu: “Các Sở, đơn vị khẩn trương thực hiện dứt điểm nội dung xử lý, khắc phục sau Thanh tra toàn diện dự án tại khu đất 12ha thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng B, thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Thanh tra thành phố tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện (làm rõ những nội dung đã hoàn thành, chưa hoàn thành, trách nhiệm cụ thể của các đơn vị, đề xuất xử lý) báo cáo UBND thành phố trước ngày 5/9/2020.

Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp nghiên cứu, tổng hợp quá trình xử lý khoản nợ tiền vay, xử lý tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm tiền vay của Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel, việc mua bán nợ giữa Ngân hàng BIDV với Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội, tham mưu, dự thảo văn bản của UBND thành phố gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin ý kiến về việc: Ngân hàng BIDV bán khoản nợ là tài sản và quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel tại khu đất 12ha thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng B, phường Long Biên, quận Long Biên (theo Hợp đồng mua bán nợ số 16/HĐMB ngày 30/3/2017) cho Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội. Sau đó Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội đã xử lý tài sản đảm bảo (chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần Hateco Logistics) trong khi bên nợ là Công ty TNHH Đèn hình Orion – Hanel chưa làm thủ tục phá sản theo quy định thì những phát sinh liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp (nếu có) của bên nợ (Công ty TNHH Đèn hình Orion - Hanel) tổ chức, cơ quan nào chịu trách nhiệm kế thừa thực hiện, giải quyết; gửi về UBND thành phố trước ngày 30/8/2020”.

Việc hoạt động kinh doanh trên khu đất còn rất nhiều các sai phạm chưa được giải quyết, liệu có tuân thủ đúng các điều khoản Luật? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những vấn đề phát sinh liên quan đến luật pháp? Những câu hỏi này rất cần được các cơ quan chức năng trả lời.

Sau hàng loạt các dự án bị thanh tra thì sai phạm về sử dụng quỹ đất sai mục đích tại Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe trên địa phường Long Biên vẫn “điềm tĩnh" hoạt động.

Dưới danh nghĩa là Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) nhưng nhiều năm trôi qua, khu đất “vàng” này tại quận Long Biên vẫn bị bỏ hoang và được quây tôn kín mít. Việc để khu đất rộng lớn hoang hóa tại Thủ đô Hà Nội nhiều năm không sử dụng, khiến nhiều người không khỏi xót xa lãng phí.

Ngày 6/11/2012, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 8839/UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên đối với Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy (Công ty Thiên Hà Thủy).

Hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ ra vào gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của học sinh trường THCS Long Biên.

Sau đó dự án lại được đề xuất điều chỉnh bổ sung chức năng nhà ở, tại Văn bản số 1623/QHKT-P3 ngày 3/6/2013 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị và đề xuất UBND thành phố Hà Nội: “Cho phép bổ sung chức năng nhà ở vào tên dự án thành “Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở” (trường hợp giữ nguyên tên dự án và chức năng sử dụng là Khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe thì Chủ đầu tư phải triển khai điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng ô đất nhà ở ký hiệu C2-4/LX1 (khoảng 470m2) sang chức năng đất cây xanh vườn hoa hoặc chức năng bãi đỗ xe, làm cơ sở triển khai nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị không thuộc diện cấp Giấy phép quy hoạch)”.

Đến ngày 18/2/2014, UBND thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thiên Hà Thủy đối với Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở, tiến độ thực hiện dự án được nới từ quý I/2014/ đến quý I/2016. 

Tại văn bản số 3935/UBND ngày 1/7/2016 của UBND TP Hà Nội lại một lần nữa “nới” chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2016 đến quý IV/2018.

Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy được thành lập ngày 18/1/2005 có trụ sở chính tại số 36 ngõ 203, đường Trường Chinh, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do 02 thành viên Đặng Nhật Thành nắm 66,7% giá trị vốn góp và Nguyễn Anh Tuấn nắm 33,3% giá trị vốn góp; vốn điều lệ 900 triệu đồng.

Đến ngày 25/2/2014, Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy tiếp tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên và chuyển trụ sở về số 19 phố Tư Đình, phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội). Tại bản thay đổi đăng ký doanh nghiệp này có thêm tên thành viên Nguyễn Thị Lành, nơi đăng ký HKTT số 18B Quán Thánh, phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) với tỷ lệ góp vốn 57,500% tương đương 6,9 tỷ đồng. Các thành viên còn lại gồm Nguyễn Văn Thế nắm 37,500%, Tạ Ngọc Xuân nắm 5% giá trị vốn góp Công ty.

Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở - Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy. Hiện tại dự án vẫn nằm im lìm chưa triển khai nhưng đa được hô biến thành điểm trông giữ xe

Ngoài ra, đối với dự án này ban đầu được phê duyệt làm bãi đỗ xe nhưng chỉ bằng công văn thỏa thuận của UBND thành phố Hà Nội, dự án đã có thêm chức năng nhà ở. Trong khi đó, cái mà gọi là nhà ở này thực chất chỉ là “hai nhà vườn song lập cao 3 tầng" với diện tích sàn công trình khoảng 273m2.

Mặc dù đã để hoang nhiều năm nhưng dự án vẫn được “nới” tiến độ, mà không hề bị thu hồi theo quy định?

Tháng 9/2020, có mặt tại dự án phóng viên (PV) ghi nhận thực tế, khu đất này mà Công ty Thiên Hà Thủy làm chủ đầu tư có địa chỉ tại số 19 phố Tư Đình (phường Long Biên) thực hiện dự án “Khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở”.

Theo người dân tại đây, từ khi có dự án, điều thay đổi duy nhất là khu đất này được quây tôn và mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ ra vào gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của học sinh trường THCS Long Biên. Đáng chú ý, dù những bãi xe này nằm sát khu dân cư nhưng công tác phòng cháy chữa cháy lại bị lãng quên một cách khó hiểu.

Theo ghi nhận của PV, tại bãi xe này rất khó để tìm thấy một vật dụng nào có thể phục vụ cho công tác chữa cháy tại chỗ. Nếu không may xảy ra hiện tượng cháy nổ thì hậu quả sẽ khôn lường. Không những thế, việc rửa xe gây ô nhiễm nặng nề, các loại hóa chất và dầu mỡ sẽ thải xuống hồ nước nằm giữa lô đất, gây ô nhiễm.

Từ trước tới nay, hồ nước tại khu vực này không chỉ tạo điểm nhấn về cảnh quan mà còn có tác dụng điều hòa, tạo bầu không khí thoáng mát cho học sinh, giáo viên Trường THCS Long Biên và người dân sống trên địa bàn. Không hiểu vì lý do gì mà phía Uỷ ban quận và phường Long Biên lại đồng ý phê duyệt dự án bãi trông xe gần sát trường học.

Hiện tại, trong khi dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở do Công ty Thiên Hà Thủy vẫn nằm im lìm chưa triển khai thì hằng ngày vẫn có hàng trăm xe ra vào tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường Long Biên nhưng vẫn chưa có phản hồi chính thức nào từ chính quyền địa phương. 

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4%. Qua đó, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%), giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018. UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp (đạt tỷ lệ 78%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp. Trong năm 2019, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng”. 

Mặc dù báo cáo kết quả là vậy, nhưng trên thực tế, quá trình thí điểm hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, việc xử lý vi phạm còn chậm. Nhiều công trình xây dựng vẫn ngang nhiên vi phạm mà không giải quyết, xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Trong năm 2019, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay TP còn 37 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc địa bàn 15 quận, huyện. Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các Đội này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật.

Đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng nhiều UBND các huyện còn chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm. Thậm chí, một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm, do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao, không dứt điểm, kịp thời.

Nhận thấy những vướng mắc còn tồn đọng của việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ban ngành phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Đồng thời, thành phố yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng... 

Mới đây nhất, ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.

Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và siết chặt các chính sách quản lý sử dụng đất đai bởi thực tế những năm qua cho thấy số vụ việc sử dụng đất sai mục đích ngày càng tăng, thậm chí có nhiều trường hợp ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp mà không bị phát hiện, xử lý.

Pháp luật đất đai quy định chế tài xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích chủ yếu là xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên, nếu không thực hiện có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là cưỡng chế, thu hồi đất.

Hiện nay việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Cũng tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP, quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đến 50.000.000 đồng thuộc Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điểm b khoản 3 Điều 67.

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện trên địa bàn Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, Dự án khu công viên cây xanh tại phường Long Biên (thuộc quận Long Biên) gần 10 năm vẫn nằm bất động trên giấy ung dung khoác một “tấm áo tôn” ngầm kinh doanh bãi trông giữ xe. 

Tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/07/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Đây là một hình tượng rất sống, rất hay và rất thực tế. Nó thể hiện sự kiên quyết không thể gì lay chuyển của Tổng Bí thư, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.

Ngày 3/10/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 99-/QĐ/TW hướng dẫn khung để cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, nêu rõ nội dung, hình thức công khai, để nhân dân biết và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng. Công khai kết luận kiểm tra, thanh tra, kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc của tổ chức và nhân dân.

Qua thực trạng nhiều dự án tại Hà Nội cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được chú trọng đúng mức. 

Việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch. Cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 26/05/2016, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Đây là chỉ thị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn của Thủ đô và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn phải thực hiện.

Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn.

Nếu các cấp chính quyền địa phương vẫn buông lỏng quản lý, bàng quan trước các sai phạm mà không có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt đưa ra các biện pháp xử lý các vi phạm đất đai thì sẽ gây ra hậu quả, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến quy hoạch chung của thành phố.

Để xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công, lãng phí đất vàng, dự án bỏ hoang, dự án trong diện thanh tra thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng "mặc" báo chí phản ánh, "kệ" người dân gửi đơn thư tố cáo". Chính vì vậy, UBND quận Long Biên cần nhanh chóng kiểm tra, chỉ đạo làm rõ những vi phạm tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách Nhà nước. 

Năm 2003, quận Long Biên được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NÐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ 10 xã, 03 thị trấn của huyện Gia Lâm. Trên cơ sở quy hoạch tỷ lệ 1/5000 của huyện Gia Lâm trước đó, quận Long Biên nhanh chóng xây dựng những quy hoạch cụ thể, quy hoạch mới phù hợp tình hình thực tế. Nhờ thế, quận Long Biên là đơn vị đầu tiên của Hà Nội được phân cấp quy hoạch, quận đã thông qua các quy hoạch 1/2000 về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị và các ô đất chức năng.

Quận Long Biên nằm ở vị trí "đắc địa", có thế mạnh về phát triển kinh tế.

Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải: “Cụ thể hóa Chương trình số 03 - CTr/TU của Thành ủy, trong nhiệm kỳ qua, quận ủy Long Biên đã chỉ đạo và ban hành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Qua đó, cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế của quận có sự thay đổi mạnh mẽ, đúng hướng. Một số tập đoàn kinh tế hoạt động trên địa bàn đã đóng góp nguồn thu lớn hàng năm cho ngân sách quận, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 của quận tăng bình quân hàng năm 33%”.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo đúng định hướng đã góp phần giúp thu ngân sách bình quân hàng năm của Long Biên đạt 7.468 tỷ đồng, tăng 95% so với nhiệm kỳ trước. Tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 26,57%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra 11,57%. Chi ngân sách bình quân hàng năm đạt 1.783 tỷ đồng, tăng 31% so với giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 49,1%. Tỷ lệ giải ngân bình quân hàng năm so với dự toán đạt 97,72%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra 2,72%.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để kinh tế của quận trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua tiếp tục tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng bình quân hàng năm về giá trị sản xuất đạt 27,5%.

Với những thành tựu nổi bật, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân quận Long Biên đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 03 năm liên tục, từ năm 2016 đến 2018, được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Đảng bộ Quận được Thành ủy khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 05 năm liền. Đặc biệt, năm 2018, quận Long Biên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top