Aa

Quan ngại cho "vua tôn" Hoa Sen, chắc không thừa?

Thứ Ba, 08/08/2017 - 06:31

Giá cổ phiếu HSG trồi sụt mạnh từ quý II đến đầu quý III/2017; các chỉ tiêu tài chính không ổn định khiến cho xu hướng giảm chiếm phần chủ đạo, HSG rơi từ trên 32.000 đồng/CP xuống còn hơn 27.000 đồng/CP tính đến ngày 7/8/2017.

Lợi nhuận giảm mạnh

Theo công bố mới đây, doanh thu bán hàng trong quý III niên độ tài chính 2017 của Tập đoàn Hoa Sen – HSG (từ 01/4 đến 30/6/2017) tăng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận lại trượt giảm chóng mặt. Doanh thu thuần trong quý II/2017 (tương đương quý III theo niên độ tài chính của HSG) đạt mức 7.231 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tuy nhiên, nợ vay tăng tăng gần gấp đôi khiến chi phí tài chính đội lên hơn gấp 3 lần cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng hơn 50%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của HSG đạt 333 tỷ đồng, giảm 43% cùng kỳ. Lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 272 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm theo niên độ tài chính của HSG, tổng doanh thu 19.210 tỷ đồng, tăng 49% cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 1.386 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.127 tỷ đồng, không chênh nhiều so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của HSG đến thời điểm 30/6/2017 đạt mức 17.426 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng kể từ ngày 01/10/2016. Trong đó, phải thu khác hàng tăng lên 1.654 tỷ từ mức 513 tỷ đồng; tồn kho tăng 840 tỷ đồng lên mức 5.674 tỷ đồng.

HSG vay gần 20 ngân hàng để đầu tư dự án, nợ phải trả gấp 2,5 vốn chủ sở hữu

Điểm lo ngại nhất trong báo cáo tài chính gần đây của HSG là khoản nợ phải trả tăng 4.200 tỷ đồng. Từ đầu kỳ 1/10/2016 đến 30/6/2017, tổng nợ phải trả của Hoa Sen tăng từ 8.180 tỷ đồng lên 12.450 tỷ đồng.

Trong đó, 8.068 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, 2.760 nợ vay và thuê tài chính dài hạn, vay dài hạn từ ngân hàng đến hạn phải trả là 263,9 tỷ đồng và nợ dài hạn thuê tài chính đến hạn trả là hơn 58 tỷ đồng.

Hệ số nợ của Hoa Sen đang ở mức rất cao, khi nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu (4.975,8 tỷ đồng). Hiện, HSG nợ gần 20 ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng UOB, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TPCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN, Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ (VN), Ngân hàng TNHH MTV HSBC, Ngân hàng MTV Standard Chartered (VN), Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Bản Việt,…Trong đó các khoản vay lớn tại Vietcombank và Vietinbank,…

Liên quan đến việc đầu tư dự án, HSG cho biết đang đầu tư dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An có tổng công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 6/2016. Một số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2017 như: Dự án Nhà máy Hoa Sen Hà Nam với diện tích 20.4ha, mục tiêu đạt công suất 500 ngàn tấn/năm về ống thép mạ kẽm, 60 ngàn tấn/năm về ống nhựa uPVC, 18 ngàn tấn/năm về ống nhựa HDPE/PPR và 5 ngàn tấn/năm về phụ kiện nhựa; dự án Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định với tổng diện tích đạt 12.4ha, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2017; …Tăng vốn cho hoạt động đầu tư, lượng tiền mặt của HSG đã giảm từ mức 577 tỷ đồng xuống còn 242 tỷ đồng.

Quan ngại về một số yếu điểm của HSG, Công ty chứng khoán FPT cho biết, chi phí chính của HSG đến từ việc mua nguyên vậy liệu, thép HRC chiếm 80-85% trong cơ cấu doanh thu và được nhập từ 100% từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Với việc nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu đầu vào nên HSG sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi giá nguyên vật liệu biến đổi.

Đồng thời, biến động tử giá cũng là một yếu tố có thể sẽ ảnh hướng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng của HSG cao nhất ngành. So với chi phí bán hàng bình quân của ngành khoảng 1-2%, chi phí này của Hoa Sen lên đến 6% cơ cấu doanh thu trong những niên độ 2015-2016 do phải duy trì hệ thống bán lẻ đồ sộ.

Ngoài ra, FPTS cũng lo ngại khi Việt Nam mở cửa cá FTA sẽ khiến thép Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc có điều kiện vào thị trường Việt Nam tạo sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó khi các quốc gia đẩy mạnh chính sách chống bán phá giá sẽ tạo rào cạn cho HSG xuất khẩu. Ngay cả dự án thép Cà Ná nếu đầu tư cũng đòi hỏi vốn lớn và yêu cầu kinh nghiệp trong mảng thép dài, HSG chưa có kinh nghiệm này.

Thực tế, HSG là một trong số ít những ông vua đầu ngành không tăng trưởng lợi nhuận nhiều trong năm qua. HSG cũng nằm trong số ít cổ phiếu lớn mất giá khi thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top