Chiều ngày 17/1/2021, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình đã diễn ra tại Sun Spa Resort (TP. Đồng Hới). Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, như: Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Y tế… cùng các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà kinh tế; các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Cam kết làm hết sức mình với nhà đầu tư
Theo ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Quảng Bình là địa phương nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có hệ thống giao thông khá đồng bộ với đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông và Tây, Quốc lộ 12A qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo; có sân bay Đồng Hới, có cảng biển Hòn La. Được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Bình có rừng, có biển và có nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh thắng đẹp. Với bờ biển dài 116km, Quảng Bình được Guinness công nhận là tỉnh có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam với nhiều bãi tắm đẹp; có suối nước nóng Bang với nhiệt độ tại lỗ phun 1050C, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh…
Đặc biệt, có Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích hơn 123.000ha, bạt ngàn rừng nguyên sinh, 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, là nơi được mệnh danh “Vương quốc hang động” với nhiều tiêu chí nhất thế giới. Quảng Bình có đủ điều kiện để trở thành “làn gió Đại Phong” của du lịch Việt Nam và khu vực như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Về cơ sở hạ tầng, Quảng Bình hiện có 2 khu kinh tế (KKT) và 8 khu công nghiệp (KCN). Hệ thống các KKT, KCN có vị trí địa lý thuận lợi, thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh. Trong đó, KKT Hòn La và KKT cửa khẩu Cha Lo được đánh giá là tiềm năng bậc nhất bởi vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các nhà máy, cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ có sức lan tỏa ra cả khu vực.
Quảng Bình cũng nổi tiếng là mảnh đất đầy nắng, gió và cát, với khoảng 1.800 giờ nắng mỗi năm, cường độ bức xạ trên 4kWh/m2/ngày, có vận tốc gió bình quân 6,0 m/s là tiềm năng để phát triển năng lượng Pin mặt trời và điện gió, Quảng Bình được quy hoạch là trung tâm phát triển năng lượng lớn của cả nước.
Cùng với dịch vụ, du lịch, công nghiệp, năng lượng tái tạo, với diện tích trên 8.000km2, dân số gần 90 vạn người, có 627.000ha rừng và đất rừng, hơn 20.000km2 thềm lục địa, Quảng Bình có đầy đủ tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, trong đó đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và nuôi trồng thủy hải sản ở vùng nước sâu.
Tỉnh Quảng Bình đã cơ bản định hướng phát triển khá rõ với những đột phá chiến lược: du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Quảng Bình đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư... xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Quảng Bình.
Đến nay, nhiều nhà đầu tư, nhiều thương hiệu lớn đã có mặt tại Quảng Bình như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Hà Nội Tourist, Sài Gòn Tourist, Tập đoàn SCG (Thái Lan), Tập đoàn CP (Thái Lan), Tập đoàn Linfox (Úc), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện gió B&T... đầu tư trên các lĩnh vực: trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, bất động sản, sân golf, nông nghiệp, vật liệu xây dựng, nhiệt điện, năng lượng, logistics…
“Với phương châm hợp tác cùng phát triển, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cam kết làm hết sức mình, đồng hành, tạo môi trường an toàn, thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, cùng nhà đầu tư để biến ý tưởng thành hiện thực, xem sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp có phát triển thì Quảng Bình mới giàu và đẹp”, ông Trần Thắng cam kết.
Quảng Bình phải là trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á
Tại hội nghị, một số phát biểu của nhà đầu tư trong và ngoài nước, cơ quan ngoại giao cho thấy họ đều đánh giá cao tiềm năng, lợi thế ở Quảng Bình. Đặc biệt là gần đây Quảng Bình đã có những bước đi, những chính sách và cải tiến phù hợp tạo hành lang pháp lý, cơ hội và nhiều sự thuận lợi để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Quảng Bình vẫn là địa phương còn yếu về thực lực, trình độ nhân lực. Quảng Bình chưa có trung tâm phát triển đúng nghĩa. Hạ tầng kết nối chưa kết nối, chưa mạnh. Thiếu động lực mạnh để lan tỏa là những điều cần được khắc phục để phát triển
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình 2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Quảng Bình phải thực hiện tốt một số công việc trọng tâm như phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch của Quảng Bình (Phong Nha Kẻ Bàng, du lịch biển, thám hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng…). Phát triển các khu du lịch gắn với phát triển đô thị biển. Mục tiêu là phát triển để Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Bình lần thứ XVII đã đề ra.
Để làm được việc này, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Xây dựng… tạo điều kiện, phối hợp với tỉnh để hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch, và thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị khắc phục những hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa thật sự rõ nét; năng suất lao động còn thấp; thu ngân sách còn nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn thu chưa hợp lý; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang ở thứ hạng thấp; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu hàng hóa phát triển chưa mạnh; còn thiếu những sản phẩm nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao; công nghiệp phát triển chưa mạnh mẽ, chưa có các dự án công nghiệp có quy mô lớn, mang tính động lực của nền kinh tế; thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp còn hạn chế.
Cùng với đó Quảng Bình còn thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao; hệ thống kết cấu hạ tầng Giao thông đô thị, nội thị và các vùng trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chậm hoàn thiện; đặc biệt còn thiếu các khu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động khu công nghiệp… Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao.
Đặc biệt, tỉnh chưa đề ra được một chương trình phát triển kinh tế biển bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp du lịch biển với các loại hình - sản phẩm du lịch khác (như hang động, khám phá, lịch sử, tâm linh…) để khai thác tối đa một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Quảng Bình.
“Với sự hiện diện đông đủ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín trong nước và quốc tế tại sự kiện hôm nay, tôi tin rằng, những dự án được trao quyết định đầu tư hay những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hôm nay sẽ tiếp tục khơi dòng đầu tư vào Quảng Bình trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.