Aa

Quảng Nam: Chính thức tổ chức nạo vét, khai thông sông Cổ Cò

Thứ Bảy, 05/12/2020 - 11:00

Sau cả trăm năm bị bỏ quên do bồi lấp, ngày 4/12 dòng Cổ Cò (hay còn gọi Lộ Cảnh giang) đã chính thức được khởi động khai thông với chiều dài hơn 14km từ TP. Hội An đến P. Điện Dương (TX. Điện Bàn).

Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An) là công trình giao thông cấp 2 với tổng vốn đầu tư được phê duyệt 850 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 273,84 tỷ đồng), do Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. 

Quảng Nam chính thức tiến hành nạo vét sông Cổ Cò vào sáng 4/12. (Ảnh: Hữu Trà)

Nguồn vốn nói trên thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo quyết định đã được phê duyệt, ngoài nạo vét luồng sông Cổ Cò đảm bảo kỹ thuật sông cấp 4 (Bề rộng đáy luồng 40m, bề mặt luồng từ 60 - 90m, độ sâu mực nước hơn 2,3m)… dự án còn đầu tư xây dựng 2 cây cầu và đường dẫn, gồm: cầu Nghĩa Tự và cầu Ông Điền, hệ thống giao thông, điện chiếu sáng… với vốn đầu tư 554,5 tỷ đồng.

Dự án nạo vét và đầu tư các công trình ah5 tầng khác trên dòng Cổ Cò được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho cả Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Hữu Trà)

Sông Cổ Cò có tổng chiều dài 28km đi qua TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi hoàn thành nạo vét và khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam (dài 19,7km) sẽ có 12 cây cầu được thiết kế khác biệt bắc qua sông này tạo nên sự đa dạng, phong phú về kiến trúc. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh,  cho rằng việc khai thông dòng sông Cổ Cò còn tạo động lực phát triển đô thị sông - biển vùng đông Điện Bàn - một đô thị mở rộng trong không gian liên kết với TP. Đà Nẵng và TP. Hội An. Phát triển du lịch đường sông kết nối TP. Đà Nẵng (đô thị hiện đại) với Hội An (đô thị cổ) trong cự ly chỉ 25km tính từ bến du thuyền Sông Hàn đến bến du thuyền Cửa Đại. Sông Cổ Cò rất lý tưởng cho tàu du lịch vì sông chảy êm quanh năm, lòng sông không quá rộng (bình quân 100m), cảnh quan hai bên sông rất đẹp và hữu tình, có nhiều vị trí cập bờ cho nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, vui chơi, đi bộ…

Trong khi đó, TP. Đà Nẵng cũng dự trù kinh phí gần 200 tỷ đồng để nạo vét sông Cổ Cò đoạn chảy qua TP. Đà Nẵng, đồng thời các dự án đầu tư xây dựng đô thị xanh, thông minh dọc hai bờ sông Cổ Cò cũng đã hình thành.

Ngoài lợi thế phát triển đô thị, khi dòng sông Cổ Cò được khai thông cũng là nhân tố quyết định giúp Quảng Nam và Đà Nẵng hoạch định chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ hai bên bờ sông cũng như đầu tư mạnh vào lĩnh vực du lịch sông nước, khám phá các làng quê ven sông hay các môn thể thao nước.

Phát triển du lịch làng nghề dọc theo bờ sông được chú trọng

Trong buổi làm việc mới đây (30/11) giữa Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, việc nạo vét và đầu tư đô thị dọc hai bên bờ sông Cổ Cò cũng đã được hai địa phương đề cập và thống nhất các phương án quy hoạch, đầu tư, xây dựng… để biến dòng Cổ Cò thành lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam lẫn TP. Đà Nẵng trong tương lai.

Dự kiến đến năm 2025 toàn bộ việc nạo vét, đầu tư hạ tầng 2 bên dòng Cổ Cò sẽ hoàn thành 

Cũng tại buổi làm việc này, chính quyền tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ tập trung nguồn lực cùng với TP. Đà Nẵng hoàn thành công trình nạo vét, khai thông sông Cổ Cò trong năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top