Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông báo kết luận của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh sau khi làm việc với các sở, ngành về thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò, khu vực ven biển từ Điện Bàn đến TP. Hội An (Quảng Nam).
Theo ông Lê Trí Thanh, việc thực hiện quy hoạch, thiết kế đô thị cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ TX. Điện Bàn đến TP. Hội An nhằm khắc phục các hạn chế, hiệu chỉnh lại các bất cập, không đồng bộ khi thực hiện các dự án để khớp nối các hồ sơ quy hoạch chi tiết.
“Từ đó xác định các nhược điểm về kiến trúc, hạ tầng, cảnh quan, không gian công cộng,… để đề xuất các giải pháp đối với các dự án liên quan; tạo điểm nhấn không gian mang tầm quốc gia, khu vực để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch”, kết luận của ông Lê Trí Thanh nêu rõ.
Ông Lê Trí Thanh đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp để hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, thiết kế đô thị, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể, như đối với khu vực ven sông Cổ Cò cần nghiên cứu bố trí quỹ đất công cộng đủ lớn, hình thành 3 công viên trung tâm, xứng tầm tại các khu vực: Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ và du lịch Điện Dương; Khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại phường Điện Dương và một khu vực phù hợp tại TP. Hội An với khoảng cách phù hợp. Quy hoạch bố trí các bến thuyền du lịch chính gắn với các vị trí công viên lớn này.
Đối với cầu qua sông Cổ Cò, ông Lê Trí Thanh cũng thống nhất bố trí 8 cầu chính (cầu ô tô) qua sông theo quy hoạch đã duyệt; nghiên cứu bố trí một số cầu đi bộ tại vị trí phù hợp phục vụ phát triển du lịch, thương mại dịch vụ hai bên bờ sông. Đồng thời, thống nhất bổ sung ranh giới quản lý sông Cổ Cò vào hồ sơ thiết kế cảnh quan ven sông để xác định mốc giới quản lý hành lang sông Cổ Cò.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm việc với Sở GTVT TP. Đà Nẵng để thống nhất phương án khớp nối tuyến đường tàu điện kết nối từ TP. Đà Nẵng đến TP. Hội An.
“Trong trường hợp phía TP. Đà Nẵng không tổ chức tuyến này ven sông Cổ Cò thì cũng hủy quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, nghiên cứu bố trí các tuyến tramway hai bên bờ sông để phục vụ du lịch và thương mại dịch vụ”, ông Lê Trí Thanh yêu cầu và lưu ý: “Thiết kế hệ thống cây xanh cảnh quan hai bên bờ sông, xác định loại cây trồng chủ đạo để các địa phương và các dự án lân cận triển khai đầu tư đảm bảo tính thống nhất”.
Hàng trăm năm trước, sông Cổ Cò (còn có tên khác là Lộ Cảnh giang) là tuyến hàng hải quan trọng kết nối Đà Nẵng - Hội An, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất. Từ cuối thế kỷ 19, tuyến giao thông đường thủy này dần dà bị bỏ rơi, cùng với quá trình biến đổi khí hậu và tác động dữ dội của con người, dòng sông bị bồi lấp nhiều đoạn và được chính quyền hai địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng đắp các đập tạm ngăn mặn để lấy nước ngọt dùng cho tưới tiêu.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sông Cổ Cò dài 25km (trong đó đoạn chảy qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7km) hiện tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang xúc tiến thủ tục để khai thông dòng sông này. Sông Cổ Cò được nạo vét, khai thông không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Đó là sự tri ân đối với tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.