Quảng Nam từ hiện tại đến tương lai

Quảng Nam từ hiện tại đến tương lai

Thứ Sáu, 23/10/2020 - 06:00

Lời tòa soạn

Khi đề cập đến cốt tính xứ Quảng trong cuốn sách “Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước”, tác giả Nguyễn Q.Thắng đã viết: “Ai cũng rõ, đã là “cửa ngõ”, tất nhiên người dân ở đây thấy trước mặt mình toàn là bộ hành chớ ít ai dừng lại để ngao du, quan sát, ngắm nhìn ngoại cảnh cũng như chính bản thân mình. Do vậy, con người xứ Quảng ít khi nào thấy tâm hồn mình có thể thảnh thơi. Sự ngừng nghỉ đối với dân Quảng Nam chỉ là việc ảo tưởng. Bên cạnh đó, phong tục, đất, nước, thổ ngơi... là những động cơ hối thúc con người trong xứ phải làm việc, suy nghĩ cho hợp với nội tâm cũng như ngoại giới mới có thể hòa đồng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển”. 

Trong giai đoạn hiện nay, những cốt tính căn bản đó của người dân xứ Quảng nói chung và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói riêng càng được hun đúc mạnh mẽ để tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, làm giàu cho địa phương và cho đất nước mình. Từ một tỉnh thuộc hàng nghèo khó nhất nhì cả nước khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1997, sau 23 năm, quyết tâm “đưa Quảng Nam thoát nghèo, vươn lên” của các cấp chính quyền nơi đây qua các thời kỳ đã phần nào được hiện thực hóa, trở thành tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương. Đó là minh chứng cho sự phát triển của Quảng Nam trong hơn 2 thập niên qua.

Và giờ đây, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh cũng mong muốn xứ Quảng vươn lên trên hành trình mới - trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Reatimes xin trân trọng giới thiệu với độc giả tầm nhìn quy hoạch, đầu tư và những mục tiêu đột phá về kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của ông Lê Trí Thanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định: “Phát triển phải hài hòa giữa nhanh và bền vững. Nếu phát triển nhanh mà không đảm bảo yếu tố bền vững thì Quảng Nam sẽ lựa chọn phát triển bền vững”.

***

“Nếu làm đúng hướng, quy hoạch bài bản và quyết tâm thì vùng Đông Nam sẽ là hạt nhân phát triển, là một trong những trung tâm phát triển nhanh nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”. 

Đó là điều ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặc biệt nhấn mạnh khi trao đổi với Reatimes về tầm nhìn quy hoạch, đầu tư, phát triển của địa phương này trong giai đoạn 5 năm tới (2020 - 2025) và những năm tiếp theo.

Khu kinh tế mở Chu Lai cùng đô thị Núi Thành và Tam Kỳ sẽ là hạt nhân phát triển trong thời gian tới ở Quảng Nam 

Theo ông Lê Trí Thanh, đến năm 2025, định hướng đến 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị và các bộ, ban, ngành Trung ương, cũng là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam.

“Để trở thành tỉnh phát triển khá trong giai đoạn 5 - 10 năm tới, Quảng Nam cần sự nỗ lực rất lớn, khi đây là một trong những địa phương dù nằm trong 4 vùng kinh tế của cả nước nhưng lại thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh và chịu nhiều bất lợi từ những tác động khác trên trường quốc tế…”.

Ông Thanh cho rằng, Quảng Nam phải đối diện với tất cả khó khăn, để nhận diện thách thức nào cần phải vượt qua, cơ hội nào cần phải nắm bắt, nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trên cơ sở lấy phát triển bền vững làm tinh thần xuyên suốt, phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Bền vững ở đây phải nói về sự hòa quyện của các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Kinh tế là chủ đạo song phải bảo vệ cho được các trụ cột khác. Về vấn đề xã hội phải giảm thiểu những tác động tiêu cực để mọi người dân, mọi cộng đồng đều được hưởng lợi từ sự phát triển ấy theo quan điểm không để ai ở lại phía sau. Song song đó, Quảng Nam sẽ không đánh đổi môi trường để phục vụ cho sự phát triển.

Các dự án đầu tư phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sẽ được Quảng Nam ưu tiên trong thời gian tới

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam là dù có phát triển thế nào cũng phải hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa và môi trường xã hội. Tất cả các lĩnh vực này phải được vận hành đồng bộ, ổn định để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Nam vẫn ưu tiên phát triển bền vững hơn!”.

Nhận định về lợi thế sẵn có của Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho rằng địa phương có điều kiện tương đối thuận lợi để kết nối những hạ tầng đã được đầu tư trong thời gian vừa qua, nhất là hệ thống giao thông đường bộ ở cả khu vực đồng bằng lẫn miền núi. 

Trong đó, Quốc lộ 1A qua Quảng Nam đã được mở rộng; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác; đường Đông Trường Sơn cũng đã được khánh thành; đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam và đường ven biển Võ Chí Công tạo thành các trục giao thông xuyên suốt trên địa bàn Quảng Nam, kết nối liên vùng với các tỉnh miền Trung. Các trục giao thông “xương sống Đông - Tây” (từ vùng biển kết nối vùng núi) lên các tỉnh Tây Nguyên, xuyên qua Lào, Thái Lan cũng được tập trung đầu tư, có thể kể đến như Quốc lộ 40B, Quốc lộ 14G, Quốc lộ 14E… 

Những tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội để giao thương, vận chuyển hàng hóa theo tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 nối với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào qua cặp cửa khẩu Đắk Tà Ốc - Nam Giang đến hệ thống cảng biển Chu Lai - Tam Hiệp. Đây là cơ hội để khai thông vùng kinh tế, phát triển vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu cho các doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu công nghiệp khác trong khu vực…

Quảng Nam thông xe đường Võ Chí Công kết nối Đà Nẵng - Hội An... với sân bay Chu Lai

Về giao thông đường thủy, theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện Quảng Nam đang khai thác cảng Chu Lai, đón tàu 20.000 DWT. Theo đó, tương lai sẽ phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai thành một trong những đầu mối về giao thông vận tải, giao thương trong nước và quốc tế của các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên; là cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan... Vì vậy cần mở rộng, nạo vét luồng tuyến để có thể đón tàu từ 30.000 DWT - 50.000 DWT trở lên ra vào thuận tiện. Bên cạnh đó, đầu tư các bến chuyên container, cảng hàng hóa, bến vận tải hành khách du lịch, dịch vụ cảng, logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng Kỳ Hà, Chu Lai và vùng Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Hòa… 

Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm: “Quy hoạch hệ thống cảng Kỳ Hà có khả năng sẽ được thông qua vào cuối năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch của Chính phủ, Quảng Nam sẽ đề ra chiến lược nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cảng biển. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Chu Lai - Tam Hiệp cũng có tiềm năng liên kết với cảng Dung Quất, cảng Đà Nẵng để hình thành cụm cảng nước sâu Trung Trung bộ, khai thác hàng container, hàng rời, đón tàu du lịch biển…”.

Núi Thành - với Khu kinh tế mở Chu Lai cùng hệ thống sân bay, cảng biển... hứa hẹn sẽ là đô thị mới bùng nổ trong tương lai. (Ảnh: Minh Hải)

Về hạ tầng hàng không, chính quyền Quảng Nam sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để nghiên cứu quy hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất đầu tư sân bay Chu Lai theo hình thức sử dụng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp để đầu tư vận hành, khai thác. Có thể sẽ làm giống như Càng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) do Sun Group đầu tư xây dựng và vận hành.

Tuy nhiên, sân bay Chu Lai có quy mô 2.300ha, rộng hơn so với sân bay Vân Đồn và được quy hoạch trở thành sân bay quốc tế đa chức năng, trong đó vận tải hành khách chỉ là một trong những chức năng cơ bản. Do đó, Quảng Nam mong muốn có thể thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, khai thác cả những dịch vụ hàng không khác, ví dụ như sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy bay hạng nặng; làm trung tâm tiếp nhận, trung chuyển, phân phối các hàng hóa cần chuyển phát nhanh; trung tâm sản xuất các linh, phụ kiện của ngành hàng không và một số dịch vụ khác.

Cũng theo ông Lê Trí Thanh, sân bay Chu Lai được hiểu như một trung tâm về công nghiệp dịch vụ hàng không cấp khu vực. Do đó, khả năng thúc đẩy phát triển sản xuất của sân bay này rất lớn, không chỉ là câu chuyện phục vụ vận chuyển hành khách đi lại, phục vụ giao lưu kinh tế, sinh hoạt trong khu vực, mà quan trọng hơn là sân bay Chu Lai phải trở thành một trung tâm về phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ ngành hàng không và cạnh tranh được với các nước trong khu vực. 

Hiện, Việt Nam chưa có trung tâm nào như vậy và lại rất cần có để cạnh tranh được với các quốc gia khác trong khu vực. Bởi thế, sức lan tỏa của sân bay Chu Lai được kỳ vọng sẽ rất lớn, kích thích Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

“Ít ai nghĩ rằng, năm 2015 sân bay Chu Lai mới có một hãng hàng không khai thác và chỉ đón 150.000 hành khách; nhưng đến năm 2019 đã đón 1 triệu lượt hành khách với 4 hãng hàng không cùng khai thác”, ông Lê Trí Thanh cho hay và dự báo, cảng hàng không này đủ diện tích, đủ quy mô và có bán kính thương mại 3.200km đến các nước trong và ngoài khu vực, nếu các loại hình dịch vụ thương mại mặt đất được đầu tư đồng bộ thì sẽ có khả năng thu hút các hãng hàng không ở châu Âu, châu Mỹ về sân bay Chu Lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với 3 đột phá trong nhiệm kỳ mới

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, với trách nhiệm được phân công làm Chủ tịch UBND tỉnh trong 5 năm tới, cùng với chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự đồng tâm từ tập thể UBND tỉnh, ông sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn để tạo đột phá cho Quảng Nam.

Trước hết là đột phá về con người, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, xử lý các bất cập trong quá trình vận hành và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành trong 5 năm tới. “Yếu tố con người quyết định thành bại của công việc. Nếu không có đột phá về yếu tố con người thì dù chúng ta đề ra bao nhiêu mục tiêu cao đẹp đi nữa vẫn vấp phải không ít khó khăn”, ông Lê Trí Thanh bộc bạch.

Đột phá thứ 2 là về xây dựng kết cấu hạ tầng vùng Đông. “Đột phá những hạ tầng then chốt ở vùng này kết nối với khu vực vùng Tây. Một khi hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ được tập trung đầu tư thì các nguồn lực về đất đai, nguồn tài nguyên rất tiềm năng ở khu vực này sẽ được kích hoạt, khai phá. Nếu hạ tầng không đồng bộ, có khập khiễng thì chắc chắn rất khó để phát triển vùng Đông”, ông Lê Trí Thanh khẳng định và cho hay, vùng Đông là khu vực tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam, giải quyết nhiều lao động việc làm. Để vùng này bứt phá trong 10 năm tới, cần thiết phải tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn, sớm đưa các dự án lớn vào hoạt động, kể cả các dự án về kết cấu hạ tầng, các dự án về đầu tư đô thị, du lịch, dịch vụ…

Đột thứ 3 là phát triển vùng Tây. Đây là khu vực đời sống của phần lớn đồng bào còn khó khăn về kinh tế. Theo ông Lê Trí Thanh, trong nhiệm kỳ này cần tiếp tục tổ chức sắp xếp, bố trí lại dân cư (đã có hơn 5.000 hộ được sắp xếp vào khu ở mới, còn 3.000 hộ tiếp tục triển khai) để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, giảm suất đầu tư hạ tầng, đưa dân về ở khu tập trung quần cư, có điều kiện để tương thân tương ái, tiếp cận văn minh, dịch vụ, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào miền núi.

Hình hài các đô thị xứ Quảng trong 5 năm tới đã được Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Trí Thanh phác họa trong bối cảnh kinh tế - xã hội Quảng Nam còn nhiều tiềm năng, lợi thế.

Trong đó, đô thị cổ Hội An hiện có mật độ dân cư đô thị cao nhất nước. Nhu cầu phát triển bền vững tại đây đòi hỏi cần mở rộng đô thị ra vùng ven của phố cổ. Hiện nay, việc quy hoạch, mở rộng đô thị Hội An đang được đầu tư hạ tầng nhằm phục vụ cho việc giãn dân ở khu vực trung tâm, bảo vệ sự bền vững của di sản.

Trung tâm phố cổ Hội An đã quá tải

“Hiện nay, Quảng Nam chỉ mới đô thị hóa 34% và còn tiềm năng rất lớn về phát triển đô thị”.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Đô thị Điện Bàn, nhất là Điện Nam - Điện Ngọc là đô thị mới được xem như đô thị mở rộng của TP. Đà Nẵng về phía Nam và mở rộng của TP. Hội An về phía Bắc. Tốc độ đô thị hóa của TP. Đà Nẵng và TP. Hội An cùng với sự tồn tại của đô thị Điện Bàn đã kích thích, thúc đẩy phát triển đô thị vùng Đông TX. Điện Bàn.

Hiện hồ sơ, thủ tục thành lập 5 phường dọc theo Quốc lộ 1A, gồm: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương đang được hoàn thiện. Trên thực tế, 5 xã này cũng đã đạt được các tiêu chí đánh giá và đủ điều kiện từ xã lên phường. Như vậy, TX. Điện Bàn sẽ được đầu tư để trở thành đô thị phát triển và đang được điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030.

Đô thị Điện Bàn đã được quy hoạch, đầu tư với những khu dân cư kiểu mẫu

Đô thị Tam Kỳ là đô thị trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam và nằm ở phía Bắc của Khu kinh tế mở Chu Lai. Sự hình thành và phát triển của đô thị này phải rất khác biệt, để kéo theo đó là sự bùng phát mạnh mẽ của Khu kinh tế mở Chu Lai. Vì thế, TP. Tam Kỳ cần tăng dân số lên và thu hút dân cư cơ học. 

“Hướng phát triển đô thị Tam Kỳ vẫn là đô thị xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua mở rộng về hướng Đông, sử dụng tất cả tài nguyên thiên nhiên như sông, hồ, biển để tạo nên vóc dáng đô thị Tam Kỳ hiện đại trong tương lai”, ông Lê Trí Thanh nhấn diện về tầm vóc của đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ.

Núi Thành là đô thị thứ 4 mà Quảng Nam đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây là trung tâm của Khu kinh tế mở Chu Lai. Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn Núi Thành đang phát triển rất tốt và tỉnh cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị này. Theo ông Lê Trí Thanh, sự phát triển của hệ thống cảng Chu Lai - Tam Hiệp (trung tâm dịch vụ cảng biển lớn nhất của miền Trung) cùng với sân bay Chu Lai, hệ thống Quốc lộ 1A, cao tốc, đường sắt… sẽ giúp quá trình đô thị hóa Núi Thành thêm nhanh chóng trong thời gian tới. 

“Tỉnh Quảng Nam nhận định khi các quy hoạch cảng biển, sân bay được thông qua, tiềm năng phát triển đô thị Núi Thành sẽ rất lớn. Như vậy, cả hai đô thị Tam Kỳ, đô thị Núi Thành sẽ trở thành trung tâm đô thị lớn của cả vùng, kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố phía Nam tỉnh Quảng Nam”.

Một đô thị khác rất có tiềm năng là đô thị Duy Xuyên với vùng Đông như Duy Hải, Duy Nghĩa, Nam Phước, được kết nối với các trục giao thông xương sống bao gồm những cây cầu vượt sông Thu Bồn, trở thành nguồn năng lượng dồi dào để phát triển chuỗi đô thị Duy Xuyên kéo dài từ biển lên đến vùng núi Mỹ Sơn và phía Nam cầu Giao Thủy.

“Hiện nay, định hướng quy hoạch đô thị Duy Xuyên đã được UBND tỉnh cho ý kiến. Theo đó, tại Duy Hải, Duy Nghĩa (bờ Nam sông Thu Bồn), quan điểm chỉ đạo là quy hoạch, phát triển đô thị hiện đại, sầm uất. Đối lập với bờ Bắc sông Thu Bồn, bờ Nam sẽ trở thành trung tâm vui chơi, giải trí, tạo động lực phát triển dịch vụ, du lịch ở phía Nam của tỉnh Quảng Nam".

Tại các huyện miền núi, Quảng Nam sẽ tập trung sắp xếp dân cư, phát triển đô thị bền vững, chung sống với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, khai thác, giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào vùng núi.

Bên cạnh đó là phát triển chuỗi du lịch ven sông, ven hồ, du lịch miền núi. Đã có nhiều doanh nghiệp khảo sát đầu tư vào du lịch miền núi và một số địa phương có tiềm năng để liên kết du lịch miền núi với vùng biển. Trong định hướng phát triển du lịch, Quảng Nam hướng đến phát triển du lịch phía Nam, tài nguyên du lịch biển, du lịch cảng biển, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề và du lịch gắn với TP. Tam Kỳ…Nói về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, ông Lê Trí Thanh cho rằng: "Lâu nay Quảng Nam chỉ mới quan tâm, tập trung khai thác du lịch di sản tại Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm. Sắp tới, Quảng Nam sẽ đầu tư phát triển du lịch biển, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá, vui chơi giải trí…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và PV Reatimes tại Khu vực Nam Trung bộ

Bức tranh toàn cảnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp Quảng Nam

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, tại Quảng Nam trong thời gian qua đã phát triển mạnh công nghiệp cơ khí ô tô, đầu tư thành trung tâm cơ khí đa dụng tại Khu công nghiệp Thaco - Trường Hải. Công nghiệp dệt may, da giày tiến tới thu hút doanh nghiệp có tự động hóa, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, quản trị. Phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống, dược liệu thiên nhiên, hóa mỹ phẩm, chế biến gỗ rừng trồng… “Trong tương lai, khi Khu công nghiệp khí điện Chu Lai đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu ngân sách lớn, tham gia chuyển dịch cơ cấu nguồn năng lượng quốc gia”, ông Lê Trí Thanh tâm sự và cho biết Quảng Nam đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để xúc tiến dự án khí điện tại Chu Lai.

Về khu công nghiệp, theo quy hoạch có 11 khu công nghiệp, diện tích 1.900ha, nhưng chỉ mới có 7 khu đi vào hoạt động, trong đó 5 khu đã đón nhận các dự án đầu tư. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư tài chính xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bởi Quảng Nam có lợi thế với trục giao thông xuyên suốt và hệ thống cảng biển, sân bay và kết nối Lào, Thái Lan. Việc đi lại của các chuyên gia tương đối thuận lợi, có thể đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước sang Quảng Nam.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. “Cần đẩy mạnh tích tụ, dồn điền đổi thửa và cũng thay đổi tư duy của đồng bào miền núi để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết nối nông dân - doanh nghiệp để chủ động cung cấp nguồn nguyên vật liệu, thu mua, phục vụ chế biến sâu, giảm chế biến thô”, ông Lê Trí Thanh hoạch định chiến lược dành cho ngành nông nghiệp.

Hữu Trà
Lê Quyên
23/10/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top