Huyện đảo Lý Sơn có dân số hơn 22.000 người, trong đó có khoảng 55% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Huyện đảo này hiện có khoảng 335ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng hành, tỏi.
Tỏi Lý Sơn được ví là "vàng trắng" bởi lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân. Nhiều năm qua, những thửa đất trồng hành, tỏi mang về cho người nông dân nguồn thu nhập khá cao mỗi năm. Nhưng bây giờ, việc trồng "vàng trắng" không còn hấp dẫn bằng bán đất. Bởi, đất nông nghiệp ở Lý Sơn đang được "thổi giá" quá cao.
Hơn 2 tháng trước, nhiều cò đất lân la hỏi mua mảnh đất nông nghiệp của gia đình bà Trần Thị Hòa. Sau nhiều lần thương thảo, bà Hòa đồng ý bán 700m2 đất với giá 1,4 tỷ đồng.
Đất trồng hành, tỏi mỗi năm mang về nguồn thu nhập khá nhưng cũng chỉ đạt vài chục triệu đồng. Mặt khác, theo quy định hiện hành, mỗi m2 đất nông nghiệp ở Lý Sơn chỉ có giá 60.000 đồng. Vì vậy, khi được trả mức giá 1,4 tỷ đồng cho 700m2 đất bà Hòa đã đồng ý bán.
"Đất đó mấy năm nay trồng hành, tỏi cũng không đạt lắm nên họ trả giá cao là tôi bán. Bán đất lấy tiền đầu tư vào việc khác", bà Hòa nói.
Giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn đang được "thổi" gấp 20 - 30 lần so với giá quy định của nhà nước. Tùy vị trí mà đất đang được mua với giá từ 1 - 2 triệu đồng/m2. Những thửa đất có mặt tiền hướng biển, gần trung tâm huyện có thể được mua với giá cao hơn.
Mảnh đất rộng 1.400m2 ven biển của ông Trần Hòe được chào giá trên 2 triệu đồng/m2. Mức giá quá cao nên ông Hòe quyết định bán 900m2, diện tích còn lại ông Hòe giữ để trồng hành tỏi.
"Tôi bán 900m2 được 2 tỷ. Thấy giá cao thì mình bán chứ trồng hành tỏi bao nhiêu năm mới được số tiền đó", ông Hòe cho biết.
Đi dọc những cánh đồng hành, tỏi không hề nhìn thấy người dân treo biển mua bán đất. Nhưng trên thực tế, cơn "sóng ngầm" chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn đang diễn biến phức tạp.
Quỹ đất ở của huyện đảo đang khan hiếm, ngành dịch vụ cũng đang phát triển "nóng". Do đó rất dễ nhận ra mục đích của việc mua đất nông nghiệp. Sau khi mua đất, chủ sở hữu mới tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm thu lời.
Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hoạt động chuyển nhượng đất được thực hiện tại các phòng công chứng mà không thông qua chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến cái khó trong công tác quản lý của chính quyền huyện đảo.
"Đất nông nghiệp đang được chuyển nhượng với giá quá cao gây nhiều khó khăn cho địa phương. Một số dự án đang triển khai bị vướng công tác giải phóng mặt bằng do người dân đòi bồi thường với giá thị trường", bà Hương thông tin.
Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cũng cho biết, huyện Lý Sơn đã siết chặt công tác quản lý đất đai, đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Huyện sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định.