Aa

Quy hoạch “bền vững” – nền tảng nâng tầm đô thị Việt trong khu vực

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 24/04/2022 - 06:08

Thước đo của quy hoạch đô thị hiện đại, bền vững là lấy con người làm trung tâm, đảm bảo chất lượng đời sống của cư dân trong khu đô thị và chất lượng môi trường, tự nhiên xung quanh.

Tất yếu phải làm quy hoạch xanh

Quá trình đô thị hóa làm cho mật độ xây dựng ở các thành phố trở dày đặc hơn và nhu cầu về tài nguyên đất đai cao hơn, điều này đã tạo ra áp lực lên việc hình thành và gìn giữ những khoảng không gian công cộng tại các thành phố. Không gian công cộng sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi hoàn toàn nếu chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc tận dụng tối đa quỹ đất để xây dựng dự án mà không thực sự quan tâm đến việc tạo không gian sống xanh kết nối giữa các tòa nhà và các tiện ích công cộng khác.

Những năm gần đây, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… đã đạt được những bước tiến đáng kể về đô thị hóa, tuy nhiên mật độ xây dựng dày đặc của các dự án tòa nhà văn phòng, bán lẻ cũng như chung cư cao tầng đang chen chúc trên quỹ đất ngày càng co hẹp. Hiện tượng này cũng làm tăng mật độ dân số tập trung ở một khu vực, dẫn đến tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ mảng xanh so với đầu người giảm xuống rất thấp.

Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2020 cho biết, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người dân TP.HCM chỉ đạt 0,55 m2/người. Theo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống.

Theo báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu, người mua đang và sẽ càng ngày chú trọng đến việc được an cư trong không gian xanh với chất lượng không khí tốt kèm theo kết nối tiện ích công cộng xung quanh. Do đó, trước khi bắt tay vào việc xây dựng các chủ đầu tư cần xác định thận trọng mục đích quy hoạch, giảm mật độ xây dựng, ưu tiên một phần quỹ đất dành cho trường học, khu vui chơi, cây xanh, chợ, bệnh viện..., từ đó giảm áp lực cho cho hạ tầng xung quanh, tránh tình trạng thiếu hụt không gian sinh hoạt cộng đồng và yếu tố xanh.

Tương tự như thị trường nhà ở, bất động sản công nghiệp cũng rất cần những quy chuẩn “xanh”. Vốn là lĩnh vực có tác động lớn về môi trường, nhà đầu tư công nghiệp càng phải chú trọng đến việc quy hoạch khu công nghiệp để có thể giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường làm việc tốt cho chuyên gia và công nhân, gìn giữ môi trường sống cho cư dân địa phương xung quanh.

Trước khi bắt tay vào việc xây dựng các chủ đầu tư cần xác định thận trọng mục đích quy hoạch.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “Bất động sản đóng góp mỹ quan cực kỳ lớn cho đô thị và kiến trúc thành phố. Trước khi cấp quyền sử dụng đất công, bên cạnh việc đánh giá năng lực chủ đầu tư,  cần đánh giá thêm về năng lực đóng góp mỹ quan, kiến trúc của đô thị cho thành phố. Tiềm năng thị trường bất động sản hiện nay rất to lớn và việc quy hoạch đúng đắn sẽ là nền tảng tốt để nước ta vươn lên tầm cao trong khu vực. Vì thế, rất cần có sự hỗ trợ và chính sách quy định tăng không gian xanh từ phía Chính phủ lên các dự án”.

Một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch “xanh” hiệu quả là chính là nước láng giềng Singapore. Chính phủ nước này từ năm 2008 đã đưa ra hệ thống đặt mục tiêu và chấm điểm “xanh” cho các dự án bất động sản, cũng như hỗ trợ chi phí cho các chủ đầu tư có sáng kiến giảm thiểu tác hại môi trường và kết hợp không gian xanh vào tòa nhà của họ. Chính những chính sách này đã mang đến vô vàn địa điểm mang tính sáng tạo nổi tiếng thế giới như vườn treo Garden by the Bay hay vườn nhiệt đới với thác nước hùng vĩ rộng hơn 6 ha giữa sân bay quốc tế Changi.

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, các khu đô thị không chỉ cần không gian xanh mà còn cần tập trung tạo ra những điểm đến như là công viên, khu đi bộ, quảng trường hay bờ sông. Các điểm đến này mang lại bản sắc riêng và giúp thu hút du khách, cư dân, nhà đầu tư và mô hình kinh doanh mới. Việt Nam đã có những bước đầu trong việc thực hiện các giải pháp đô thị tạo ra bản sắc như việc đưa phố đi bộ đầu tiên Nguyễn Huệ vào hoạt động tại TP.HCM vào tháng 4 năm 2015 và phố đi bộ thứ hai bao quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ tháng 9 năm 2016. Các con đường này đã thu hút một lượng lớn người tham quan và mua sắm ở các cửa hàng, trung tâm thương mại xung quanh. Gần đây nhất ở TP.HCM, công viên bến Bạch Đằng mở cửa, thu hút được nhiều người dân địa phương cũng như khách tham quan đến vui chơi và chụp ảnh.

"Thị trường bất động sản Việt Nam đang bức tốc để phục hồi sau đại dịch, và cả các doanh nghiệp và chính phủ đang nổ lực thay đổi cảnh quan đô thị bằng việc kết hợp công nghệ nhằm cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, việc hình thành những mảng xanh và địa điểm vui chơi công cộng chỉ mới bắt đầu, thành phố cần nhiều hơn sự tham gia từ người dân và nổ lực từ phía Chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những lợi ích này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự thay đổi đáng kể trong tương lai, tạo ra cảnh quan và giúp môi trường sống của người dân đô thị ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Đối với những dự án bất động sản trong tương lai, yếu tố bền vững và nhân văn sẽ không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố quan trọng phải có trong dự án", bà Trang Bùi nhận định.

Triển vọng phát triển đô thị xanh bền vững tại Việt Nam

Theo giới chuyên gia, so với đô thị tại Hà Lan, Nhật Bản, Singapore đã phát triển ở mức cao, quy hoạch đô thị Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành nên có điều kiện học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm các nước khác và áp dụng vào bối cảnh riêng biệt của mình. Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị bền vững. Trong đó bất động sản gắn với khu đô thị, nhà ở thương mại là ưu tiên trong quy hoạch đô thị để phục vụ đời sống con người.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam phân tích, ở Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, hệ thống đô thị ngày càng phát triển với hơn 860 đô thị các loại, tỷ lệ dân số sống trong đô thị đạt gần 40% dân số cả nước. Đô thị đã và đang là động lực phát triển kinh tế và hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự phát triển đô thị đã đem đến diện mạo kiến trúc mới cho đất nước theo hướng văn minh hiện đại. Đó là những thành tựu rất to lớn.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như cảnh báo của Hiến chương Rio De Janeiro Kiến trúc - Đô thị 21, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của chúng ta cũng còn nhiều bất cập rất cần được xem xét và đổi mới thận trọng, khoa học trong công tác lập quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển đô thị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch một cách chủ động, bền vững.

Đại dịch Covid-19 xảy ra ở nước ta qua bốn thời điểm từ tháng 2/2020 đến nay đã gây ra rất nhiều thiệt hại về người và cho nền kinh tế, nhất là ở các thành phố lớn.

Đã có nhiều ý kiến chuyên gia chỉ ra rằng, cấu trúc đô thị bất hợp lý hiện nay cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Với cấu trúc hạ tầng thiếu thốn, giao thông ngoằn ngoèo, chật hẹp, chỉ rộng từ 1,5 - 2m, lại tập trung đông dân cư với mật độ cư trú rất cao, phần lớn là những người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội, khả năng chống chịu trước dịch bệnh, thiên tai kém… nên không có gì ngạc nhiên khi số người bị tác động nặng nề do vi rút Covid-19 trong khu vực ngõ, hẻm cao hơn rất nhiều...

Trước những bất cập về quy hoạch đô thị và phát triển đô thị những năm qua, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị sẽ có rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

Theo ông Tùng,  trước hết, phải xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm về mô hình phát triển đô thị Việt Nam như thế nào để ít bị tổn thương nhất, ảnh hưởng thấp nhất đến cuộc sống, tính mạng của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, địa phương khi phải đối phó với đại dịch.

Đô thị lớn tập trung với mật độ cao như Hà Nội và TP.HCM, việc chạy đua xây dựng nhà cao tầng với khối tích lớn dày đặc trong vùng lõi đô thị đang chật cứng người liệu có đúng không? Các khu công nghiệp tập trung thiếu vắng nhà ở cho công nhân?Các đô thị vệ tinh trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 lẽ ra phải là nơi phát triển, thu hút dân cư thì đã 10 năm nay ít được quan tâm (trừ đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai)? Các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều với san sát chung cư cao tầng - nơi trú ngụ của hàng chục vạn người, liệu có phải là mô hình đáng sống? Các không gian công cộng, không gian xanh, mặt nước ngày càng bị thu hẹp và xuống cấp sẽ phát huy tác dụng thế nào khi đại dịch?

“Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung đã được duyệt từ 2011, đây là cơ hội để xem xét những bất cập tồn tại trong quá trình phát triển vừa qua, đề xuất quy hoạch phát triển Hà Nội bền vững trong thời kỳ mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19”, ông Tùng cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài các đô thị lớn và siêu đô thị như Hà Nội, TP.HCM thì nước ta còn hàng trăm đô thị vừa và nhỏ có dân số từ vài vạn đến vài chục vạn người. Đây là tiềm năng để hệ thống đô thị phát triển bền vững nếu được chính quyền quan tâm đầu tư, chăm sóc.

Để có thể tăng sức đề kháng và thích ứng cho hệ thống đô thị, đã đến lúc phải chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, thay vì bằng mọi cách để nâng cấp, mở rộng diện tích và quy mô đô thị. Các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông và đường cao tốc Bắc - Nam, sẽ là động lực phát triển kinh tế bền vững của địa phương, của vùng và cả nước.

Nếu được như thế, đô thị Việt Nam sẽ là nơi đáng sống, nơi cư trú an toàn bền vững cho nhân dân trước thiên tai và đại dịch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top