Aa

Quy hoạch các tỉnh: Nhiều địa phương muốn trở thành trung tâm, “hạt nhân” của vùng, quốc gia

Thứ Ba, 30/05/2023 - 14:02

Hiện đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong. Nhiều địa phương mong muốn trở thành “cực tăng trưởng mới” để phát huy hết lợi thế của mình…

Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đang trong quá trình thẩm định quy hoạch của các địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm hoàn chỉnh và đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

quy hoạch
Ảnh minh hoạ.

Mô hình "đa trung tâm", "đa cực"

Hải Phòng: Sẽ là thành phố hàng đầu châu Á

Hải Phòng mong muốn trở thành cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, cửa ngõ hướng ra biển Đông trên vịnh Bắc Bộ, phát triển theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ phát triển theo không gian: Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó, hai vành đai kinh tế (gồm vành đai kinh tế ven biển; vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ); Ba hành lang cảnh quan (gồm hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc); Ba Trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh (gồm Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm Thương mại, Tài chính quốc tế (CBD); Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn...)

Ngoài ra, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải cũng sẽ được điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch không gian ngầm cho thành phố…

Thừa Thiên Huế: Đô thị thông minh gắn với di sản Cố đô Huế

Cùng với Hải Phòng, Thừa Thiên Huế cũng sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương và phát triển theo mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”.

Việc phát triển theo mô hình trên sẽ dựa trên nền tảng hệ thống di tích Cố đô Huế, các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, các thắng cảnh thiên nhiên sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang… được nêu tại thảo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo quy hoạch này, tỉnh cũng phân vùng đô thị theo hướng Tây – Nam – Bắc và Trung tâm. Cụ thể, khu vực cửa ngõ phía Bắc và phía Nam  phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất… Đô thị phía Tây, phát triển đô thị sinh thái, du lịch, kinh tế cửa khẩu… Đô thị trung tâm là đầu mối giao thông quan trọng với đủ các loại hình giao thông vận tải…

Ngoài ra, để nâng cấp đô thị loại I, Thừa Thiên Huế cũng phát triển các phường theo mô hình cấp tương ứng, cũng như chú trọng hình thành du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng…

Các địa phương nằm vị trí trọng yếu

Đà Nẵng: Cực tăng trưởng của vùng kinh tế miền Trung

Nằm ở trung tâm địa lý của Việt Nam, Đà Nẵng mong muốn trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế miền Trung, phát triển theo 3 trụ cột: du lịch - kinh tế tri thức - trung tâm dịch vụ chất lượng cao, theo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với mục tiêu trở thành trung tâm logistics, trong đó có ga hàng hóa đường sắt, cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế, thành phố sẽ quy hoạch các trục hành lang như: hàng lang ven biển; hành lang cao tốc; hành lang Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14G; Hàng lang kinh tế Đông - Tây nối cảng Tiên Sa đến cửa khẩu Lao Bảo… Thành phố cũng định hướng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trong đó có gắn kết du lịch với Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Tây Nguyên…

Đắk Lắk: “Hạt nhân” vùng Tây Nguyên

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam, Đắk Lắk phát triển dựa trên bản sắc văn hóa Tây Nguyên là trụ cột chính. Tỉnh cũng phát triển đô thị theo mô hình “Ba cực, đa trung tâm”, hình thành vành đai xanh.

Điểm nhấn là TP. Buôn Ma Thuột sẽ là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, bên cạnh quy hoạch thị xã Buôn Hồ là du lịch vùng phía Bắc và thị xã Ea Kar là đô thị động lực phát triển thứ ba của địa phương.

Cần Thơ: Thủ phủ miền Tây

Gắn liền với tên gọi Tây Đô - đô thị của miền Tây Nam Bộ, Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, giao điểm của hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị TP.HCM-Cần Thơ và nằm trong Tứ giác trung tâm vùng.

Với vị trí là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố thông minh; hướng tới trung tâm logisitics trọng điểm, có sức cạnh tranh nổi bật trong vùng và là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao… nhằm giữ vững và phát huy ngôi vị thủ phủ miền Tây.

Kiên Giang: Trung tâm kinh tế biển quốc gia

Kiên Giang có bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, có 2 cửa khẩu, 2 sân bay, do đó, địa phương được quy hoạch là trung tâm kinh tế biển của quốc gia vào năm 2030. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại; Hà Tiên là đô thị di sản

Để phát triển theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định 4 đột phá: hình thành khu kinh tế biển phía Tây; phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù; ứng dụng công nghệ cao; lấn biển với các địa phương lấn biển gồm: TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, và Kiên Hải.

Muốn thành "Cực phát triển vùng"

Bắc Ninh: Cực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Được biết đến là một trong các cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, Bắc Ninh muốn trở thành trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và Đông Nam Á.

Để thực hiện những nội dung trên, tại dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương định hướng 5 quan điểm phát triển. Đó là: trở thành một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương; trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm logistics của vùng; hạ tầng kết nối liên tỉnh; phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc… Trên cơ sở đó, Bắc Ninh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào 7 nhóm ngành: sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất công nghệ cao, du lịch, logistics, thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất dược phẩm.

Lâm Đồng: Động lực kinh tế Nam Tây Nguyên

Tỉnh Lâm Đồng mong muốn trở thành động lực phát triển kinh tế của vùng Nam Tây Nguyên và thành phố trực thuộc Trung ương, theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do đó, địa phương sẽ xây dựng hạ tầng đồng bộ, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn...

Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng 02 vùng động lực chính là: TP. Đà Lạt và cùng phụ cận; TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, cùng với mô hình 3 tiểu vùng kinh tế liên huyện, 5 hành lang kinh tế để làm các cực tăng trưởng. Việc xây dựng các hành lang kinh tế để kết nối các vùng động lực, đặc biệt là hành lang Đông - Tây dọc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Đà Lạt, Nha Trang gắn với Quốc lộ 20, mở rộng Quốc lộ 20… cũng sẽ được thực hiện.

Khánh Hòa đặt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương

Nổi tiếng với thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà đặt mục tiêu là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030.

Theo đó, trong quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ hình thành các hành lang kinh tế để tham gia vào các hành lang kinh tế quan trọng của quốc gia. Đưa Khu kinh tế Vân Phong, đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người ở Khánh Hòa đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, và là nơi chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Đặc biệt, vào năm 2050 là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam...

Tại Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 (ngày 20/4/2023), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong.

Cụ thể, 18 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 8 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện; 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 01 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top