Aa

Quy hoạch đô thị tác động đến cảm xúc và sức khoẻ của người dân như thế nào?

Chủ Nhật, 27/08/2017 - 06:00

Một báo cáo mới đây chỉ ra cách mà cơ sở hạ tầng của Tokyo tác động đến cảm xúc và sức khỏe tinh thần của cư dân. Đây chính là bài học quý báu cho việc quy hoạch siêu đô thị của những thành phố khác trên thế giới, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.

Vấn đề tâm lý của cư dân Tokyo

Nhà tâm lý học người Tokyo Layla McCay cho rằng nhiều người đang lảng tránh thực trạng chung của Nhật Bản, đó là tình trạng bệnh tâm thần ở quốc gia này đang trở nên ngày càng “phổ biến”. Thậm chí, nếu so sánh với số lượng người mắc bệnh về thần kinh ở Nhật Bản với các quốc gia phương Tây thì có lẽ con số này còn lớn hơn nhiều.

Trong 5 người ở Nhật thì chỉ có một người tìm được sự giúp đỡ về mặt tinh thần khi gặp phải vấn đề. Thế nhưng ở Mỹ, chẳng hạn như vậy, trong 2 người gặp vấn đề về tâm lý thì lại có 1 người tìm được sự trợ giúp. Mặc dù, Nhật Bản có thể không tranh luận về vấn đề sức khỏe tinh thần của cư dân giống như ở phương tây nhưng các nhà chức trách vẫn quan tâm đến nó.

“Những người làm chính sách quy hoạch đô thị ở Nhật Bản thường trao đổi về vấn đề áp lực và làm như thế nào để giải tỏa nó”, McCay cho biết. Một ví dụ là karoshi, một thuật ngữ ám chỉ việc người ta “chết vì quá tải công việc”, có thể bao gồm cả đột quỵ, đau tim hoặc là tự tử, có sự liên quan trực tiếp đến áp lực. (Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản cao thứ 5 thế giới). Và hikkikomori là thuật ngữ chỉ những người trẻ tự tách mình khỏi xã hội và không rời khỏi nhà trong 6 tháng hoặc có thể hơn – điều khiến họ trở nên lo lắng nhiều hơn về áp lực công việc và học tập.

Giải pháp liên kết quy hoạch và trị liệu tâm lý

Do đó, năm 2015, McCay thành lập Trung tâm Thiết kế đô thị và Sức khỏe tinh thần để khuyến cáo thành phố kết hợp 4 quy tắc vào quá trình thiết kế, quy hoạch đô thị: không gian xanh, không gian hoạt động, không gian xã hội và không gian an toàn.

Năm 2016, McCay đã nghiên cứu về cách quy hoạch đô thị của Tokyo ảnh hưởng như thế nào đối với tâm lý con người bằng cách phỏng vấn những học viên, chuyên gia sức khỏe cộng đồng, chuyên gia tâm lý, nhà quy hoạch, nhà phát triển, KTS. Từ kết quả nghiên cứu, cô nhận ra rằng có một số yếu tố giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà Nhật Bản đã áp dụng có thể cũng sẽ giúp các đô thị khác trên thế giới giải quyết vấn đề tương tự.

Một phụ nữ đang đọc sách trên vườn gác mái ở Tokyo

Một phụ nữ đang đọc sách trên vườn gác mái ở Tokyo

Chính quyền Nhật Bản và những nhà quy hoạch hướng việc quy hoạch đến với sự cải thiện sức khỏe thể chất hơn là sức khỏe tinh thần của cư dân, McCay nói. Nhưng cô cho rằng việc làm này kết hợp cùng các giải pháp giảm áp lực như tạo ra không gian công cộng (công viên, khu vực đi bộ) cũng giúp “nạp lại” đáng kể tinh thần cho cư dân.

“Nhờ có việc tập trung vào phát triển không gian xanh, không gian đi bộ, quang cảnh và nhiêu không gian khác giúp nâng cao sức khỏe tinh thần của người dân thì các vấn đề về tâm lý như là lo âu, trầm cảm đang tiến triển theo hướng tích cực”, cô nhận định.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng cho người dân cơ hội tự tạo ra những không gian xanh nhỏ trong khắp thành phố, dạy người dân cách xây dựng các mái nhà xanh, bờ tường xây, vỉa hè xanh, bãi đậu xe xanh… và hỗ trợ thuế cho những hoạt động này.

Thêm vào đó, Pháp lệnh về Phát triển sự sáng tạo trong quy hoạch thị trấn 2003 cũng tạo ra một chương trình, nơi mà người dân Tokyo có thể làm việc với những chuyên gia quy hoạch để trồng cây và phủ xanh đất đai xung quanh nhà của họ.

Hơn nữa, những con đường nhỏ ít giao thông cũng được cho phép phủ xanh và chuyển hóa thành “phố đi bộ” theo đúng nghĩa. McCay cho rằng Tokyo đang quản lý để ô tô và xe buýt chỉ được phép hoạt động trên những con phố chính để các khối nhà ở cách đó 1 khối nhà được yên tĩnh và con người đi bộ nhiều hơn, chạy việc vặt trong các cửa hàng nhỏ và tương tác xã hội cũng dễ dàng hơn. Mô hình này tương tự như quy hoạch ô bàn cờ ở Barcelona.

Chính phủ cũng khuyến khích cư dân đô thị tham gia vào shinrin yoku, nghĩa là tận hưởng không khí thiên nhiên trong các khu rừng ngoài thành phố.

Một trong rất nhiều phố đi bộ ở Nhật Bản, phố Takeshita, Tokyo

Một trong rất nhiều phố đi bộ ở Nhật Bản, phố Takeshita, Tokyo

Ngoài ra, việc cải thiện sức khỏe tinh thần trong những căn phòng cũng rất quan trọng. Bởi cư dân Tokyo dành rất nhiều thời gian trong nhà hoặc công sở nhưng cũng thường đi mua sắm. Do đó, việc thiết kế và quy hoạch vị trí của các khu mua sắm cũng được cân nhắc rất kỹ ở Tokyo.

Ở Việt Nam, các đô thị đang ngày một phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Hai đô thị này trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành các siêu đô thị, hai cực kinh tế của đất nước. Vì vậy, vấn đề sức khỏe tinh thần của cư dân và bài toán quy hoạch siêu đô thị của Tokyo có lẽ sẽ là bài học quý giá cho hướng đi sau này của Hà Nội và TP.HCM.

Bài viết có sử dụng thông tin từ Citylab.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top