Tính ổn định trong công tác lập quy hoạch
Quy hoạch vốn được coi là bản lề xương sống không thể thiếu của một đô thị. Theo Luật Xây dựng năm 2014, “Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Còn theo Luật Quy hoạch đô thị 2009, “quy hoạch” được định nghĩa là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững”.
Có thể nói, vai trò của quy hoạch là rất lớn, là bức tranh cơ bản đầu tiên phác họa rõ ràng về hình thái trong tương lai của một đô thị. Tất yếu, quy hoạch có mục đích cuối cùng là hướng tới phát triển con người thông qua việc tạo lập một môi trường thích hợp. Và ở đó, con người có điều kiện để sống, được hoàn thiện mình, đặt trong một bối cảnh xã hội chung. Điều đó đồng nghĩa, quy hoạch phải tuân theo tiêu chí về tính ổn định tương đối.
Hẳn nhiên, sự thay đổi của xã hội là từng ngày nhưng tính ổn định trong lập quy hoạch cần phải xác định rõ ràng. Bởi có như vậy mới đảm bảo tạo ra môi trường sống thích hợp cho người dân. Điều này cũng đặt ra yêu cầu quy hoạch phải tính đến yếu tố tương lai trong “bản vẽ” của mình.
Điều chỉnh, điều chỉnh và điều chỉnh!
Có một điều lạ ở Việt Nam, những quy hoạch được lập ra… liên tục được điều chỉnh. Việc điều chỉnh một quy hoạch là điều tất yếu nếu như bản phác họa về đô thị trong tương lai đã không còn phù hợp với hiện tại. Song, điều chỉnh quy hoạch vẫn phải thực hiện dựa trên nguyên tắc, phục vụ lợi ích cho người dân, đảm bảo hướng tới phát triển kinh tế - xã hội. Nghĩa là, nguyên tắc tính ổn định cần giữ vững.
Nhưng thực tế nhìn nhận rằng, đã không ít những quy hoạch điều chỉnh lại biến tính ổn định thành bất ổn định. Môi trường sống của những cư dân thay đổi đến chóng mặt.
Điển hình nhất, có nhìn thấy ở KĐT Linh Đàm, từ một khu đô thị kiểu mẫu nức tiếng đã trở thành một KĐT lộn xộn và nhếch nhác với mật độ xây dựng lớn, chỉ bởi điều chỉnh quy hoạch đã “nhét” thêm những tòa nhà chung cư cao tầng san sát, chen chúc.
Hay gần đây nhất là vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu đô thị Ngoại giao đoàn tại Hà Nội, khi biến những ô đất vốn trước đó dành cho khu vực công cộng trở thành những tòa chung cư mới.
Cần nhớ rằng, trong các bản quy hoạch, một trong những nguyên tắc thường được nêu ra, đó là hạn chế xây dựng ở khu trung tâm, kéo giãn đô thị ra ngoại vi để đảm bảo mật độ xây dựng phù hợp, không tạo ra áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông.
Nhưng thực tế, những KĐT được quảng cáo là xanh, đẹp kể từ thời điểm nằm trên giấy, xây dựng nền móng thì chỉ sau một thời gian 5 – 10 năm lại tiếp tục điệp khúc điều chỉnh quy hoạch, tiến tới nhồi nhét những công trình lớn. Các mảnh đất trống luôn được những nhà đầu tư nhắm đến mà… chưa bao giờ bị bỏ sót.
Mục đích cuối cùng của những điều chỉnh quy hoạch vẫn là mang đến lợi nhuận cho chủ đầu tư, bỏ qua nguyên tắc căn bản là tạo môi trường sống ổn định cho người dân. Việc điều chỉnh còn bất chấp sự phá bỏ những cam kết mà chủ đầu tư từng đưa ra lời quảng cáo cho dự án của mình. Bởi lẽ, khi bỏ tiền ra mua một căn hộ trong khu đô thị, những khách hàng đã mua cả không gian sống xanh.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã từng cho rằng, cần phải phân biệt sự khác nhau hoàn toàn giữa một quy hoạch đô thị với quy hoạch dự án địa ốc. “Phát triển địa ốc chỉ hướng đến việc có lợi cho nhà đầu tư địa ốc, còn phát triển đô thị thì sẽ làm lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt làm lợi cho người dân tại chỗ và cuối cùng là nhà đầu tư”.
Sự điều chỉnh của quy hoạch với tốc độ “quá nhanh” dẫn tới thực tế, quy hoạch chồng quy hoạch hay quy hoạch mà không như quy hoạch. Thực trạng phá vỡ quy hoạch ở dự án bất động sản đã khiến người ta phải tự hỏi: “Quy hoạch để làm gì khi trong thực tế người ta không xài đến quy hoạch?”./.