Aa

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cụ thể hóa vị thế Thủ đô Hà Nội

Thứ Hai, 30/01/2023 - 11:34

Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu bật 2 nhiệm vụ của Hà Nội là cần phải thực hiện tốt việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng...

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai khóa XV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được coi là bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả quốc gia. Với riêng thành phố Hà Nội, quy hoạch này nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng, cụ thể hóa và khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò, vị thế của Thủ đô.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu bật hai nhiệm vụ của Hà Nội là cần phải thực hiện tốt việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vai trò dẫn dắt đặc biệt

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây có tới 3.650 quy hoạch, sau khi giảm tới 97%, hiện chỉ còn 111 quy hoạch. Đó là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch của 6 vùng kinh tế, quy hoạch của các tỉnh, thành phố và quy hoạch ngành. Từ con số này, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò “dẫn dắt” của quy hoạch tổng thể quốc gia với các cấp quy hoạch tiếp sau.

“Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được thông qua có ý nghĩa đặc biệt, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phê duyệt, triển khai quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và nhiều loại hình quy hoạch khác. Trong 6 quy hoạch vùng, Chính phủ mới phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 63 tỉnh, thành cũng mới chỉ có 2 quy hoạch tỉnh được duyệt. Do đó, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tác động, thúc đẩy việc triển khai các quy hoạch khác”, ông Trần Ngọc Chính nêu.

Một trong những nội dung đáng chú ý của quy hoạch tổng thể quốc gia là định hướng phân bổ các vùng đô thị lớn, gồm: Vùng đô thị Hà Nội, vùng TP.HCM, vùng đô thị Đà Nẵng, vùng đô thị Cần Thơ. Trong đó, hệ thống đô thị vùng Hà Nội gồm: Thủ đô Hà Nội và các đô thị vệ tinh thuộc các tỉnh xung quanh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nhấn mạnh việc phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo.

Khẳng định mạnh mẽ hơn vị thế Thủ đô

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nhấn mạnh việc phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế…

Gần nhất, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định vai trò của Thủ đô với vùng và cả nước. “Với những định hướng về phát triển vùng đô thị Hà Nội, quy hoạch tổng thể quốc gia khẳng định hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như giải pháp cụ thể hóa định hướng phát triển mà Bộ Chính trị đã đặt ra với Hà Nội”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu.

Còn theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, với những nội dung được định hướng tại quy hoạch tổng thể quốc gia, Hà Nội được xác định là Thủ đô của một đất nước hơn 100 triệu dân đang trên đà phát triển, có lịch sử văn hóa lâu đời. Đặc biệt, Hà Nội không chỉ phát triển trong phạm vi diện tích 3.344km2 mà phải nghiên cứu rộng ra các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, trung du, miền núi phía Bắc và tính đến cả liên kết với vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có Quảng Ninh và Hải Phòng.

Quy hoạch tổng thể quốc gia với những định hướng phát triển Thủ đô bài bản, tạo một trong những cực tăng trưởng cho cả nước là vùng Thủ đô. Trong đó, Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong vùng và ngược lại, vùng tác động đến Hà Nội để phát triển kinh tế đa dạng. Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, trong bối cảnh quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thông qua, cần sớm xem xét sửa đổi, hoàn thiện Luật Thủ đô, nhằm tạo bộ khung pháp lý hoàn chỉnh và có những giải pháp đồng bộ thực hiện vai trò mà cả nước giao cho Hà Nội.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu bật hai nhiệm vụ của Hà Nội là cần phải thực hiện tốt việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đây là những nhiệm vụ rất lớn và đặt ra nhiều khó khăn cho Hà Nội vì hai quy hoạch cùng ranh giới hành chính, việc triển khai bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Mỗi quy hoạch phải phát huy bản sắc, có “chất” riêng, hướng đến mục tiêu tạo sức bật cho Thủ đô phát triển bền vững. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt để các đơn vị, sở, ngành thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Sự vào cuộc của các chuyên gia, tư vấn hàng đầu cũng được kỳ vọng giúp hai quy hoạch sớm được duyệt, tạo cơ sở triển khai các dự án phát triển Hà Nội trong tương lai đúng với vị thế mà quy hoạch tổng thể quốc gia định ra cho Thủ đô”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính kỳ vọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top