Aa

Quý II/2020: Giá thuê các phân khúc bất động sản TP.HCM duy trì mức tăng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 09/07/2020 - 17:00

Quý II/2020, thị trường bất động sản vẫn chưa có được sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, giao dịch cho thuê, mua bán vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Song điểm sáng nổi bật là giá thuê nhiều phân khúc vẫn duy trì mức tăng.

Báo cáo của JLL cho hay, quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê tại miền Nam đang dần trở nên khan hiếm. Trong khi đó, giá đất trong quý II/2020 đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ghi nhận tổng diện tích đất cho thuê của miền Nam (gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) đạt mức 25.045ha vào quý II. Một vài quỹ đất cho thuê còn lại ở một số khu công nghiệp hiện hữu tại TP.HCM vẫn bị đình trệ do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và gần đây là tác động của đại dịch Covid-19, khiến nguồn cung này không thể ra mắt.

Bên cạnh vấn đề quỹ đất mới bị trì hoãn, việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng.

Theo JLL, dù nổi bật bởi nền tảng phát triển công nghiệp và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư lẫn nhà sản xuất trong nửa đầu năm 2020 nhưng các giao dịch thành công về bất động sản trong quý II/2020 vẫn khá khiêm tốn.

Các giao dịch thành công chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước hoặc đã được thực hiện trước dịch. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng ở mức tương đối, khoảng 84 điểm phần trăm so với quý I/2020 và đạt 84% tính đến cuối quý II/2020.

Quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại miền Nam đang dần trở nên khan hiếm. 

Về giá đất, mặc dù Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp, tuy nhiên với chiến lược đầu tư dài hạn, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn rất thu hút nhà đầu tư.

Trong quý II vừa qua, JLL ghi nhận được sự tự tin của chủ đầu tư trong việc nâng giá đất với trung bình 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 3,5 - 5 USD/m2/tháng, do hợp đồng chỉ ngắn hạn 3 - 5 năm và khách thuê cũng dễ chịu tác động của đại dịch.

Đánh giá về triển vọng thị trường này, JLL cho rằng, khi đại dịch vẫn còn là mối đe dọa, việc đàm phán cho thuê và các yêu cầu mới sẽ còn tiếp tục đình trệ cho đến hết năm 2020. Thị trường dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục ngay sau khi tình hình được kiểm soát. Sự thành công của công tác phòng chống dịch Covid-19, nền tảng phát triển công nghiệp mạnh cùng với xu hướng tìm nguồn cung ứng đa dạng đang diễn ra hứa hẹn sẽ giúp đưa Việt Nam lên một tầm cao mới để cạnh tranh với các nước khác.

Đối với thị trường văn phòng, JLL ghi nhận các văn phòng hạng A và B ở TP.HCM bắt đầu cảm thấy áp lực với diện tích hấp thụ ròng lần đầu tiên bị âm sau một thập kỷ, tại mức -3.619m2 trong quý II. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là nguồn khách thuê chính ở văn phòng hạng B, đã giảm quy mô và sớm chấm dứt hợp đồng do tác động của dịch Covid-19.

Giá thuê văn phòng hạng A và B vẫn tiếp tục tăng, đạt 30,9 USD/m2/tháng

Thị trường văn phòng hạng A, mặc dù khả năng chịu đựng tốt hơn nhờ khách thuê là các công ty có tiềm lực tài chính tốt, cũng đang chịu áp lực. Điều này được chứng minh bởi dấu hiệu chững lại từ nhu cầu mở rộng và thành lập mới của doanh nghiệp trong thời gian xảy ra đại dịch.

Mặc dù tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài, giá thuê văn phòng hạng A và B vẫn tiếp tục tăng, đạt 30,9 USD/m2/tháng. Giá thuê tăng trung bình 3,1% theo quý và 8,5% theo năm vì phần lớn chủ nhà vẫn khá tự tin trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung trong hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 làm suy yếu nhu cầu thuê, các chính sách hỗ trợ khách hàng từ phía chủ nhà đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn trong quý này, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ giá thuê hoặc linh hoạt hóa hơn trong các điều khoản đàm phán.

JLL dự báo đến cuối năm 2020, thị trường sẽ chào đón hơn 100.000m2 văn phòng hạng B, chủ yếu đến từ khu vực ngoài trung tâm, nâng tổng nguồn cung văn phòng hạng A và B lên 1,5 triệu m2.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top