Ranh giới và...

Ranh giới và...

Thứ Năm, 23/09/2021 - 06:00

Đến đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này thì TP.HCM trở thành một ổ dịch khổng lồ. Những gì ngoài đường phố, kể cả trong các nhà, mọi người đã thấy. Nhưng trong bệnh viện, đặc biệt là khu điều trị bệnh nhân nặng, chúng ta đều "nghe nói" một cách như "nghe hơi nồi chõ" chứ nào có tường. Cũng đúng thôi, lâu nay các bệnh viện Việt Nam khá dễ khi cho người nhà vào chăm và thăm bệnh, có khi một người bệnh vài ba người chăm, bốn năm người chăm, chứ về nguyên tắc, vào viện chỉ một mình. Mọi sự chăm sóc đã có điều dưỡng, y tá.

Nó bảo đảm sự vô trùng, không lây nhiễm, nó không quẩn chân y bác sĩ, nó không tăng sự quá tải của bệnh viện ở các khu vệ sinh, điện, nước, nhếch nhác nơi công cộng... Nhưng đến Covid này thì khác, bệnh viện được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ an toàn cho cả mấy phía, bệnh nhân đã đành, người cứu chữa bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân nữa.

Mỗi ngày cao điểm, trung bình ở Sài Gòn có 300 người đi thẳng từ bệnh viện ra... Bình Hưng Hòa. Trước đấy họ cũng một mình chiến đấu với Covid trong bệnh viện. Có gia đình 5 người cùng nằm viện, 2 người về nhà, 3 người ra Bình Hưng Hòa để rồi sau đấy một thời gian mới trở về nhà trong một cái hũ. Nhà văn đại tá Nguyễn Quốc Trung đi tiêm vắc-xin, thân nhiệt cao hơn bình thường, ông tự chạy xe máy từ chỗ tiêm tới bệnh viện 175 để kiểm tra lại. Tới nơi phát hiện dương tính và ông được nhập viện. Hai ngày đầu ông còn điện thoại, nhắn tin cho bạn bè, cơ quan và lãnh đạo hội Nhà văn, sau đấy thưa dần và bặt hẳn cho tới lúc một đại tá nhà văn khác, nhờ các mối quan hệ liên hệ được với bệnh viện thì mới biết ông đã mất, đã đưa ra Bình Hưng Hòa để hỏa táng, mấy hôm sau ông cũng về nhà bằng... hũ cốt.

Thì cứ xôn xao hết cả lên thế, đồn đoán, lo lắng, hoang mang... Thi thoảng có những clip từ trong bệnh viện tung lên mạng, không đầu không cuối rất bi quan, mà là mới ở các tầng dưới, tầng nhẹ.

Thế nên cái hôm nhà VTV chiếu cái phóng sự "ranh giới" nó như một cú nổ, gây bàng hoàng, gây sốc, khiến ngay lập tức được bàn thảo hết sức sôi nổi trên báo chí, trên mạng và giữa các KOLs.

Rất nhiều người đã chấn động và khóc khi xem chương trình VTV đặc biệt Ranh giới.

Trước đấy thấy cái công văn của bộ Y tế về sự bạc bẽo, sự vất vả nhưng bị đối xử như... tù của nhân viên y tế ở một số bệnh viện chữa Covid (nhân viên y tế ra ngoài mua đồ ăn thêm bị kiểm tra gắt gao, bị khám túi xách, bị tụt tiền ăn nếu trở thành bệnh nhân...).

Rồi cái công văn cũng của bộ Y tế về việc nhân viên ngành Y bỏ việc, tất nhiên là vì áp lực nặng nề quá, mà sự bù đắp thì chả thấy đâu, thấy trước mắt một số y bác sĩ trở thành bệnh nhân, cả hy sinh và "đang làm chế độ đề nghị công nhận liệt sĩ".

Rồi những đoạn chat đắng cay của những người trong cuộc ở các group với nhau về những chế độ họ được nhận. Họ vất vả quá rồi. Chúng ta cứ nghĩ họ mình đồng da sắt, họ làm xuyên ngày xuyên đêm không cần đãi ngộ...

Một ngày, mươi ngày, thậm chí mươi tháng thì được. Đằng này, đằng đẵng liên tục bao ngày bao đêm rồi? Dẫu rất nhiệt tình rất thương yêu bệnh nhân nhưng năng lượng đâu kịp tái tạo? Làm sao kịp tái tạo, mà xem cái phim kia thì thấy, họ hoạt động cường độ cao từng phút, chỉ một quyết định chậm, một hành động lơ là là một mạng người có thể ra đi...

Nên cái phim "Ranh giới" trở thành cú nổ là vì thế.

Bằng một kiểu làm phim phóng sự đậm đặc chi tiết, ngồn ngộn hình ảnh chân thực, không lời bình, những cú lia máy vội, những tiếng động hiện trường, những câu thoại của nhân vật với nhau gấp gáp, những y lệnh ngắn gọn và cả những cảm thán, những thở dài, những bất lực.

Rồi bệnh nhân, ranh giới sống và chết. Những hành động vô thức, những biểu cảm những cầu cứu những buông xuôi những bất lực những quyết tâm... tất cả dồn vào những hình ảnh hết sức ám ảnh.

Vâng, một bộ phim ám ảnh. Nó khiến ta phải nhìn lại nhiều điều, có những điều bình thường ta thấy nó hết sức bình thường, như... thở. Không thở được sẽ chết, ai cũng biết thế, nhưng ngày thường chúng ta đã ai hình dung ra đâu? Lâu lâu bị ngạt mũi một lúc là đã lăn qua lăn lại khổ lắm rồi, mà chúng ta có đủ thứ để hỗ trợ cho việc thông mũi. Mà mới là ngạt mũi, khó thở hơn bình thường một chút... Hoặc như oxy, mấy ai nghĩ sẽ đến lúc các bình oxy trở nên quý hiếm đến như thế và lâu nay ai cũng nghĩ phàm đã bệnh viện thì phải có oxy gắn ở tường, với tay là có, tới khi xem phim này, thấy người thay oxy chạy hùng hục như cửu vạn mà oxy vẫn thiếu, những tiếng kêu oxy vẫn vang lên...

Là người cũng làm báo, tôi rất nể ý tưởng của kíp làm phim này. Họ lên ý tưởng và thực hiện ngay, một kíp, xông ngay vào bệnh viện, cùng ăn cùng ở cùng sinh hoạt, quay quay và quay, làm nghề nhưng không được ảnh hưởng tới việc cấp cứu người bệnh, mà lại phải tự bảo vệ mình, không được lây nhiễm và lây nhiễm lại, mà vẫn phải làm việc như trạng thái bình thường.

Tất nhiên là họ phải được sự đồng ý của bệnh viện, của cả những người bệnh và người nhà của họ.

Phim ra, sau hàng loạt lời khen, cảm phục, thì vẫn có những phản biện, đấy là điều bình thường, nhất là trong thời đại "mỗi người dân là một nhà báo phây búc" như hiện nay.

Có mấy ý là, một, quyền nhân thân của người bệnh, nhất là người đã mất và hai, không ai được phép vào bệnh viện khi đang cấp cứu...

Đúng hết, nhưng ơ kìa, thế thì làm sao chúng ta biết được những gì đang xảy ra trong bệnh viện, trong phòng cấp cứu, như đã biết. Làm sao chúng ta biết cái con virus kia nó kinh khủng tới như thế nào. Và rõ ràng, sau cái chương trình VTV đặc biệt "Ranh giới" này, chúng ta nhìn về đại dịch đã khác, dẫu lâu nay đã "đánh giá rất cao" nó rồi. Chúng ta chia sẻ, chúng ta yêu thương, chúng ta thông cảm, chúng ta nhường nhịn, chúng ta vị tha, chúng ta đoàn kết..., sự nhân ái lan tỏa, lòng tốt lan tỏa, sự tử tế lan tỏa, chúng ta trân trọng từng giây phút sống và chúng ta biết ơn những người đang giành giật sự sống cho chúng ta, cho con người... Thì như thế là thành công rồi. Thậm chí là rất thành công.

Và cũng tất nhiên, chúng ta hiểu, không có sự thành công nào là hoàn hảo, không có sự thành công nào dành cho tất cả. Bởi mỗi người là một thế giới, một góc nhìn chỗ đứng khác nhau. Có một thực tế là, chúng ta đã nhìn khác, hiểu khác, về Covid, về những người đang từng phút một giành giật sự sống cho chúng ta và về chính chúng ta.

Báo chí đưa tin, cả Bí thư và Chủ tịch TP.HCM đã chia nhau đi thăm các y bác sĩ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lên tiếng về những người mà chúng ta hay gọi là chiến sĩ tuyến đầu này, yêu cầu quan tâm đến họ, nhất là các chế độ chính sách.

Hy vọng sẽ có những quyết sách mới cho họ, những y bác sĩ tuyến đầu ấy, để những người bệnh được chăm sóc tốt hơn, con số tử vong dừng lại... Những ngày này, theo dõi thông tin mỗi sáng, thấy số người tử vong vì Covid đang giảm từng ngày. Mừng quá. Các tỉnh, thành phố cũng đang rục rịch nới lỏng giãn cách. Lại càng mừng.../.

Nhà văn Văn Công Hùng
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top