Aa

Đà Nẵng: Kiên quyết xử lý cơ sở sản sản xuất đá móng bê tông gây ô nhiễm môi trường

Thứ Năm, 25/05/2023 - 15:05

Ông Đinh Thanh, Phó Chủ tịch UBND Quận Cẩm Lệ, khẳng định sẽ kiểm tra và sẽ kiên quyết cho dừng hoạt động nếu cơ sở sản xuất đá móng bê tông gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, trên địa bàn TP. Đà Nẵng xuất hiện tình trạng các khu vực sản xuất đá bê tông, đá móng tại các khu đất trống tiếp giáp khu dân cư hiện hữu không đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy.

Tại khu vực chân cầu Nguyễn Tri Phương, thuộc địa phận phường Hòa Xuân (Quận Cẩm Lệ), tồn tại cơ sở sản xuất đá móng bê tông khá quy mô, tuy nhiên quá trình sản xuất và cảnh quan tại khu vực này đã xuất hiện nhiều vấn đề lo ngại. Được biết, đây là cơ sở sản xuất đá móng bê tông do ông Hoàng Trọng Phi (sinh năm 1979, trú tại phường Hòa Xuân) làm chủ, đã đi vào hoạt động từ năm 2017.

Hàng ngày, nhiều lượt xe bơm bê tông ra vào cơ sở sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đá móng bê tông. (ẢNH: Nhân Nghĩa - Đông Duy)

Theo UBND phường Hòa Xuân, ông Hoàng Trọng Phi trước đó là hộ nông nghiệp thuộc diện giải tỏa, đền bù đất trên địa bàn phường. Sau khi giải tỏa, ông làm nghề nuôi cá lồng bè và đánh bắt thủy sản trên sông Cẩm Lệ. Đến năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương chấm dứt việc nuôi cá lòng bè trên các tuyến sông trên địa bàn thành phố.

Sau chấm dứt việc nuôi cá lồng bè, ông Hoàng Trọng Phi làm đơn xin mượn tạm đất tại vị trí chưa triển khai dự án (khu vực chân cầu Nguyễn Tri Phương) để làm cơ sở đúc đá móng, đá bê tông, tạo công ăn việc làm và cải thiện cuộc sống. UBND phường Hòa Xuân cho rằng vị trí đất mượn tạm trước đây là khu vực thấp trũng, cây cỏ dại mọc nhiều và vì là khu vực xa dân cư nên người dân thường hay lợi dụng để đổ các loại chất thải, xà bần trái phép gây mất mỹ quan đô thị.

Việc vệ sinh, xúc rửa các xe bơm bê tông ngay tại khu vực sản xuất tạo nên lượng nước thải lớn, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực ven sông. Ảnh: NN

Theo đó, ngày 8/8/2017, UBND phường Hòa Xuân cùng ông Hoàng Trọng Phi đã ký hợp đồng cho mượn mặt bằng để làm cơ sở sản xuất đá móng bê tông. Diện tích khu đất mà ông Phi được cho mượn có quy mô 2.000m2 tại khu vực đất dự trữ ven sông phía Bắc Khu E – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. UBND phường Hòa Xuân cũng yêu cầu ông Phi cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, có trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực mượn tạm; không làm ảnh hưởng đến các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng hiện có;…

Tuy nhiên, thời gian qua, người dân tại khu vực đã có nhiều phản ánh tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất của cơ sở do ông Hoàng Trọng Phi làm chủ. Theo ghi nhận của PV Reatimes, cơ sở trên thường xuyên có các xe bơm bê tông ra vào để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Những xe bơm bê tông này sau khi thực hiện tại các công trình trên địa bàn TP. Đà Nẵng thường đến khu sản xuất đá móng bê tông này để “xả” phần bê tông dư thừa, là nguồn nguyên liệu sản xuất đá bê tông. Đặc biệt, sau khi “xả” bê tông dư thừa, những xe này được các công nhân xúc rửa, vệ sinh ngay tại đây. Vậy là mọi bụi bẩn, nước thải không qua một hệ thống xử lý nào được trực tiếp thải ra khu vực.

Cao điểm, mỗi ngày có hàng chục lượt xe bơm bê tông ra vào, đặc biệt vào các khu giờ như cuối giờ chiều, giờ khuya, thời gian gần đây thì có thêm vào khu giờ sáng sớm (vào mùa nắng, nhiều công trình chọn đổ bê tông vào khung giờ sáng sớm hoặc giờ khuya). Ở khu vực sản xuất đá móng bê tông mà ông Hoàng Trọng Phi mượn từ UBND phường Hòa Xuân có thể dễ dàng nhận thấy những rảnh thoát nước được đào thủ công, tạo đường cho nước thải từ việc vệ sinh xe bơm bê tông chảy thẳng ra. Những rãnh nước thải này không đổ trực tiếp ra khu vực xử lý nước thải nào hết mà nước thải sẽ được thẩm thấu trực tiếp vào lòng đất, còn trên mặt đất thì dễ dàng nhận thấy những khối bê tông chết không thể thẩm thấu.

Cảnh quan đô thị ảnh hưởng xấu từ cơ sở sản xuất đá móng bê tông. Ảnh: DD

Đặc biệt, khu vực sản xuất đá móng bê tông này nằm ngay chân cầu Nguyễn Tri Phương, ngay ven sông Cầu Đỏ nên nguy cơ về ô nhiễm môi trường là rất lớn. Vào mùa mưa thì những chất thải trên chắc chắn sẽ theo dòng nước trôi ra sông, chưa kể phần nước thải sẽ thẩm thấu vào đất, tạo nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm,… Cùng với đó, khu sản xuất đá móng bê tông này nằm ngay trục đường chính của khu đô thị, hàng ngày lượng người đi lại rất lớn, những chất thải cùng quy trình sản xuất kém “thân thiện” với môi trường như trên sẽ “đập” ngay vào tầm mắt của người dân, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sự văn minh, sạch đẹp của một thành phố đáng sống, đặc biệt TP. Đà Nẵng hướng đến thành phố môi trường.

Tiếp nhận thông tin từ PV, ông Đinh Thanh, Phó Chủ tịch UBND Quận Cẩm Lệ khẳng định sẽ yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra và có những biện pháp chấn chỉnh. “Trước tiên thì cần đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, nếu không đảm bảo được vệ sinh môi trường thì nhất quyết cho dừng hoạt động”, ông Đinh Thanh khẳng định.

Trước đó, trên địa bàn phường Hòa Quý (Quận Ngũ Hành Sơn) cũng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất đá móng bê tông tồn tại những nguy cơ về môi trường như trên. Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Reatimes, UBND phường Hòa Quý đã ngay lập tức mời các chủ cơ sở lên làm việc, chấn chỉnh và yêu cầu ký cam kết bảo đảm môi trường. Ông Cao Xuân Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, sau khi các cơ sở ký cam kết, UBND phường sẽ thường xuyên cử lực lượng đi kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào tiếp tục vi phạm sẽ kiên quyết xử lý cho dừng hoạt động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top