Aa

Những sáng kiến mở đường cho tương lai nhà ở bền vững tại Nhật Bản

Thứ Ba, 29/03/2022 - 06:12

Công nghệ tiên tiến kết hợp cùng chính sách thúc đẩy nhà ở không tiêu thụ năng lượng đang giúp cho Nhật Bản tiến gần đến tương lai phát triển bền vững và mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhật Bản được biết đến là một quốc gia có tuổi thọ của các công trình nhà ở tương đối thấp, chỉ vào khoảng 35 năm. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, tuổi đời trung bình của nhà gỗ là 27 - 30 năm, nhà bê tông là 37 năm. Con số này được đưa ra dựa trên thời điểm các công trình bị phá ở Nhật. Như vậy, tuổi thọ của các ngôi nhà ở đất nước này chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ (66,6 năm) hay ở Anh (80,6 năm).

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bắt nguồn từ đặc điểm chính trị, kinh tế và văn hóa của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản quy định “thời gian sử dụng hữu ích” của một ngôi nhà được xây bằng gỗ (cho đến nay là vật liệu xây dựng phổ biến nhất) là 22 năm. Sau khoảng thời gian này, ngôi nhà có thể không còn được coi là tài sản giá trị nữa. 

Bên cạnh đó, những ngôi nhà được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1950 - 1970 có chất lượng khá thấp nên bị thay thế bởi những công trình mới hơn. Người dân Nhật Bản cũng có xu hướng ưa thích sử dụng những ngôi nhà mới. Trong văn hóa và hệ tư tưởng dân tộc của người Nhật, nhà ở là sản phẩm tiêu dùng ngắn hạn. Giống như hoa anh đào chóng nở chóng tàn, một ngôi nhà thường gắn liền với cuộc đời chủ nhân của nó và sẽ hết hạn sử dụng, sau đó, nó sẽ được tái sinh trong hình hài kiến trúc khác. 

Đặc trưng này cũng đem đến những lợi ích như việc tạo ra một môi trường tuyệt vời để các kiến trúc sư trẻ thực hành, khai phá và sáng tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh xây dựng - kiến trúc chịu trách nhiệm cho 40% lượng phát thải carbon toàn cầu, cũng như việc Nhật Bản cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, đất nước này cần những phương pháp mới, chuyển trọng tâm sang chủ đề phát triển bền vững, bao gồm ứng dụng công nghệ để hướng tới không sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ. 

Tháng 4 năm 2014, Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách Ngôi nhà không năng lượng (Zero Energy Houses - ZEH) nhằm đưa tất cả các tòa nhà công cộng mới xây dựng trở thành công trình không sử dụng năng lượng vào năm 2020 và tất cả các ngôi nhà mới xây trở thành nhà ở không sử dụng năng lượng vào năm 2030. Những mục tiêu đầy tham vọng này được đưa ra sau thảm họa Fukushima 2011 và việc đóng cửa tất cả các lò phản ứng để kiểm tra vào tháng 09 năm 2013. 

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, mức tiêu thụ năng lượng trong các khu dân cư và thương mại của Nhật Bản chiếm hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở Nhật Bản. Nhóm tài sản này cũng đã tăng mức tiêu thụ điện lên 140% trong 30 năm qua. Do đó, ZEH là hành động cần thiết của Nhật Bản nhằm tăng cường hiệu quả năng lượng trong các tiêu chuẩn xây dựng. 

Sự ra đời của những chính sách, quy định mới về sử dụng năng lượng trong công trình xây dựng mới đã thúc đẩy các công ty kiến trúc, kiến trúc sư và nhà thiết kế cho ra đời những sản phẩm kiến trúc mới, được ứng dụng công nghệ tối tân để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế phát thải. 

Sekisui House, một trong những công ty xây dựng nhà lớn nhất Nhật Bản, cũng là công ty tiên phong trong phong trào hướng tới những ngôi nhà không sử dụng năng lượng. Sáng kiến ​​toàn cầu Green First Zero của công ty được triển khai nhằm mục đích tự cung cấp năng lượng cho căn nhà mà không cần phải hy sinh những thiết bị điện tiện nghi, vì chúng được thiết kế để tự bù đắp năng lượng, từ đó hạ mức tiêu thụ năng lượng của ngôi nhà về mức thấp nhất có thể. Vào năm 2015, tỷ lệ các ngôi nhà không tiêu thụ năng lượng so với tất cả các ngôi nhà biệt lập mới được Sekisui House xây dựng đã tăng lên 74%. Đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên đến 91%. 

Sekisui House còn đưa ra quy tắc trồng các loài cây trong vườn nhà của mỗi dự án xây dựng mà công ty thực hiện. Theo đó, nguyên tắc cốt lõi của công ty là “Gohon no ki” có nghĩa là “năm cây”, trong đó “ba cây cho chim và hai cây cho bướm”, gắn liền với việc trồng các loài cây bản địa có lợi cho sinh vật đặc trưng của địa phương. Công ty cũng nỗ lực truyền cho khách hàng thông điệp về niềm vui khi sống hòa mình với thiên nhiên để bảo vệ hệ sinh thái. 

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở
Khu vườn theo ý tưởng tạo cảnh “Gohon no ki” của Sekisui House. (Ảnh: Sekisui House) 

Cùng với Sekisui House, MUJI House cũng là một trong những công ty đi đầu trong phong trào ngôi nhà không năng lượng, thực hiện một bước đi táo bạo trong lĩnh vực kiến ​​trúc khi họ ra mắt dự án Vertical House đặt tại thành phố Tokyo, Nhật Bản. Ngôi nhà đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống cư dân trong một khu đất nhỏ. Được thiết kế thích ứng với mật độ dân số và công trình dày đặc của Tokyo, ngôi nhà được xây dựng theo phương pháp xây dựng tiền chế với 3 tầng, không có tường và cửa ra vào, kết hợp cùng cửa sổ lớn hướng Bắc để đón nhiều ánh sáng mặt trời vào trong nhà. Việc chia nhỏ tầng và thiết kế sàn mở khuyến khích sự kết nối và giúp thiết lập một dòng chuyển động hợp lý trong không gian của ngôi nhà. 

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở
Bên trong dự án Vertical House của MUJI. (Nguồn: MUJI House) 

Sau thành công của dự án Vertical House, MUJI đã cho ra mắt “bộ sưu tập” những tác phẩm kiến trúc dưới hình thức của những “túp lều” tối giản, đem đến không gian sống như rút lui khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của đời sống đô thị. Mỗi “túp lều” được xây dựng bằng một chất liệu khác nhau như “túp lều” bằng nhôm của kiến trúc sư Konstantin Grcic, “túp lều” bằng nút bần chai rượu của kiến trúc sư Jasper Morrison và “túp lều” bằng gỗ của kiến trúc sư Naoto Fukasawa đều hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế nguồn năng lượng phát thải. 

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở
Ngôi nhà “túp lều” của kiến trúc sư Jasper Morrison có mặt tiền được làm bằng nút bần. (Ảnh: MUJI House)

 Dự án Asagaya Light Eco House của KH Architects cũng là một ví dụ điển hình về nhà ở tiết kiệm năng lượng ở Tokyo, Nhật Bản. Những yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng ngôi nhà này là cần phải có độ kín khí cao, thông số kỹ thuật cách nhiệt cao để toàn bộ không gian ba tầng không phải chịu áp lực về chênh lệch nhiệt độ. Công nghệ sinh thái được ứng dụng đa dạng trong dự án như tấm nhựa cách nhiệt, lớp cách nhiệt bổ sung và hệ thống thông gió để trao đổi nhiệt tổng thể, đảm bảo tối ưu hiệu suất cách nhiệt. 

Những ngôi nhà được xây dựng ở các khu đô thị Nhật Bản thường gặp phải những hạn chế về tỷ lệ diện tích sàn, đường chéo và yêu cầu khắt khe về chống cháy nổ. Tuy nhiên, dự án của KH Architects thể hiện sự cân bằng đáng ngưỡng mộ giữa thiết kế và hiệu suất bằng cách sử dụng khoảng trống cho phép gió, ánh sáng và nhiệt lượng đi qua mà không phụ thuộc vào các thông số kỹ thuật của thiết bị, khắc phục điểm mâu thuẫn giữa yếu tố kỹ thuật và yếu tố thẩm mỹ, đem đến trải nghiệm sống kín đáo, ấm cúng. 

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở

nhật bản, nhà ở Nhật Bản, nhà ở bền vững, kiến trúc bền vững, xây dựng nhà ở
Bên trong và bên ngoài ngôi nhà sinh thái Asagaya của KH Architects. (Ảnh: Naoomi Kurozumi) 

Nhìn chung, đặc điểm của những ngôi nhà không năng lượng ở Nhật Bản bao gồm tăng cường tính cách nhiệt và khả năng tự điều hòa không khí thông qua thiết kế hoặc vật liệu bền vững, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn LED chiếu sáng và thay thế năng lượng thuần bằng năng lượng tự tái tạo không phát thải. Những đặc trưng này cũng đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong chương trình ZEH. 

Những sáng kiến về nhà ở không tiêu thụ năng lượng thuần cũng được chính quyền các tỉnh, thành phố ủng hộ và hỗ trợ bằng chính sách. Năm 2020, chính quyền tỉnh Tottori của Nhật Bản đã giới thiệu một chương trình 3 giai đoạn nhằm triển khai các khoản trợ cấp để thúc đẩy xây dựng nhà ở tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn của chương trình ZEH. Chính quyền tỉnh Nagano cũng đã đưa ra một chương trình với khoản trợ cấp lên đến 1 triệu yên cho những ngôi nhà được chứng nhận là cách nhiệt tốt hơn so với tiêu chuẩn quốc gia.

Có thể thấy, kiến trúc kết hợp cùng công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Nhật Bản cũng như những quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bằng trí tuệ của mình, con người hoàn toàn có thể sống thoải mái mà không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, từ đó cân bằng lợi ích kinh tế - cộng đồng - môi trường và hướng tới tương lai phát triển bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top