Tái ông thất mã: Sàng lọc dự án nhỏ
Như câu chuyện “Tái ông thất mã”, trong rủi có may, Covid-19 đã khiến lượng dự án đăng ký mới và tăng thêm giảm đáng kể, nhưng đó lại hầu hết là các dự án nhỏ. Và như thế cũng có nghĩa, Việt Nam đang sàng lọc được các dự án quy mô nhỏ “li ti”, vốn lâu nay được các chuyên gia kinh tế khuyến cáo là không nên đón nhận.
Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tiếp tục tăng, tương ứng là 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% và 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ, góp phần duy trì ổn định tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước (đạt trên 15 tỷ USD, giảm nhẹ 2,6% - PV), song số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh giảm khá mạnh.
Trong khi số lượng dự án cấp mới giảm 43,3%, thì số lượng dự án tăng thêm giảm 12,5% so với cùng kỳ. Sự biến động này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, chủ yếu nằm ở nhóm dự án quy mô nhỏ.
“Việc giảm số lượng dự án cấp mới cũng như điều chỉnh vốn quy mô nhỏ, trong khi vốn đầu tư đăng ký tăng đã làm tăng quy mô bình quân của các dự án cấp mới và điều chỉnh vốn so với cùng kỳ. Quy mô vốn bình quân tăng từ gần 6 triệu USD/dự án mới trong 6 tháng năm 2020 lên 11,8 triệu USD/dự án mới trong 6 tháng năm 2021 và quy mô điều chỉnh vốn tăng từ 7,1 triệu USD/lượt dự án lên trên 8,9 triệu USD/lượt dự án”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, lâu nay, không ít chuyên gia kinh tế tỏ ra sốt ruột khi các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có quy mô nhỏ.
Cách đây ít tháng, khi công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này.
Theo ông Tuấn, Báo cáo PCI vài năm gần đây cũng đã cảnh báo về dấu hiệu quy mô doanh nghiệp FDI giảm dần theo thời gian. “Một số chuyên gia cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam với vai trò vệ tinh, cung ứng cho các dự án FDI lớn. Các doanh nghiệp này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Khi dự án FDI quy mô nhỏ được sàng lọc, dù là tự nhiên do Covid-19, thì ở một góc độ nào đó, cũng là điều đáng mừng.
Ngóng dự án “chất”
Cùng với sự sụt giảm mạnh số lượng dự án FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam, thì một tin tích cực cũng đã được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, đó là số lượng dự án đăng ký mới có quy mô trên 50 triệu USD tăng 73,3% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam đã “chất” hơn.
Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã thu hút được khá nhiều dự án quy mô lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Chẳng hạn, Dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD; Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam: 498 triệu USD; Dự án của Intel: 480 triệu USD; Dự án của Foxconn: 280 triệu USD...
Câu hỏi đặt ra là, làm sao để tới đây, Việt Nam sẽ đón được nhiều dự án lớn hơn và có chất lượng hơn nữa? Thông tin gần đây cho biết, đã có 2 dự án quy mô lớn “chạy” sang Indonesia và Malaysia, trong đó có dự án 1,7 tỷ euro của Tập đoàn AT&S (Áo) và một trong những nguyên nhân chính là vì Việt Nam thiếu hụt lao động chất lượng cao. Đây chính là một trong những điểm yếu mà Việt Nam vẫn đang nỗ lực để cải thiện.
Ở một góc độ khác, dù đúng là Covid-19 đã góp phần sàng lọc các dự án FDI nhỏ vào Việt Nam, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã từng thẳng thắn thừa nhận “tín hiệu về sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài giảm sút”.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhắc tới sự chậm lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo WB, mức cam kết đầu tư thấp hơn này có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện “sự thận trọng” của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình bùng phát dịch hiện nay.
Đó là một nguyên nhân. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khác mà Cục Đầu tư nước ngoài đã nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm.
Về khách quan, do FDI toàn cầu giảm; do Covid-19 tại các quốc gia và vũng lãnh thổ đối tác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển; cộng thêm chuyện nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu, thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh, nhưng trong một số trường hợp, Việt Nam đã không đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra.
Về chủ quan, còn có vấn đề liên quan đến rào cản về thủ tục đầu tư kinh doanh, chuyện hoạt động xúc tiến đầu tư thiếu chủ động…
Rõ ràng, muốn đón được nhiều dự án lớn, còn có rất nhiều điều cần tiếp tục cải cách./.
Trong 6 tháng đầu năm, số lượng dự án có quy mô dưới 1 triệu USD giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 54,2% so với cùng kỳ năm 2019; số lượng dự án mới có quy mô dưới 5 triệu USD giảm 48,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 56,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, số lượng dự án mới có quy mô từ 5 triệu USD đến dưới 50 triệu USD giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019. Còn số lượt dự án điều chỉnh vốn dưới 5 triệu USD giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2019.