Aa

Sắp diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế: “Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam“

Hà Lam
Hà Lam lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 01/11/2021 - 06:15

Hội thảo sẽ đưa ra góc nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển, các nút thắt cần tháo gỡ và cùng các chuyên gia tìm giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường BĐS du lịch Việt Nam.

Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo. 

Hội thảo được tổ chức tại Trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội dưới hình thức trực tiếp (100 đại biểu) và trực tuyến (200 - 300) đại biểu.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo về mục đích, nội dung và công tác chuẩn bị Hội thảo.

- Xin ông cho biết Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” được tổ chức trong bối cảnh ra sao và mục đích hướng tới của Hội thảo là gì?

Ông Đoàn Văn Bình: Những năm gần đây, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Các vướng mắc chủ yếu nằm ở chính sách và pháp lý là điểm nghẽn phát triển của thị trường. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới đã có chính sách và khung pháp luật hiện đại theo hướng mở, thông thoáng, giúp thị trường bất động sản du lịch tăng trưởng mạnh và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.

bất động sản du lịch
bất động sản du lịch

Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam có nhiều niềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng do có nhiều rào cản về chính sách, pháp luật

Mặt khác, tác động của dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua như cú đấm bồi mạnh, khiến các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch vốn đã khó khăn về pháp lý, thủ tục nay lại càng thêm khó, phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn, cần thời gian dài để ổn định và phục hồi. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị “ngộp thở”, đang cần những chính sách giảm sốc, như “bình ô xy” để có thể vực dậy, đồng thời tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp.

Hậu đại dịch, nhu cầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế có sự thay đổi lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải nhanh chóng thích ứng, tạo ra các dòng sản phẩm mới để đón đầu cơ hội. Trong bối cảnh các nước  trong khu vực và trên thế giới cũng đang tích cực mở cửa, tái khởi động các hoạt động du lịch, thu hút các dòng khách chất lượng cao thì Việt Nam càng cấp thiết cần có những giải pháp đồng bộ, hoàn thiện cơ chế chính sách để không tuột mất cơ hội phục hồi và bật dậy tăng trưởng nhanh chóng. Và cũng chỉ có hoàn thiện hành lang pháp lý, công khai, minh bạch thông tin thì mới có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển bất động sản du lịch. Cơ chế, chính sách thông thoáng cần sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch, lành mạnh, giúp khai thác tối đa lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nói chung và BĐS du lịch nói riêng, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội có sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về chính sách đất đai; tổng kết việc thi hành và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Hội thảo nhận được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp; Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện; Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông; Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.

Ban Tổ chức mong muốn tạo lập diễn đàn khoa học để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, các nhà tư vấn quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…, trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo.

- Đâu là những điểm nhấn quan trọng của Hội thảo, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; các đại biểu quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp Hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); Hiệp hội Bất động sản Singapore; Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham); Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Thái Lan; Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia…; cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế.

Hội thảo cũng có sự tham dự của "Big4" về kiểm toán như Deloitte, PwC, các công ty tư vấn, nghiên cứu bất động sản như Savills, JLL, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các địa phương có du lịch và thị trường bất động sản du lịch phát triển.

Điểm nhấn quan trọng của Hội thảo là các diễn giả sẽ tập trung chia sẻ và cùng bàn thảo về kinh nghiệm quốc tế cho việc phát triển thị trường bất động sản du lịch, với thảo luận mở trọng tâm như: Tầm quan trọng của việc phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế nói chung và chiến lược phát triển ngành du lịch tầm nhìn đến năm 2030; Kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật của một số nước có thị trường bất động sản du lịch phát triển trên thế giới và một số nước có điều kiện, trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mới, phát sinh, các xu hướng mới trên thị trường bất động sản du lịch; Mức độ tác động, điều chỉnh thị trường bất động sản du lịch thông qua các công cụ pháp luật của các nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam.

Hội thảo sẽ nhận diện những xu hướng phát triển và nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Vai trò quản lý và điều tiết thị trường bất động sản du lịch của Nhà nước; sự tham gia, vận động và phát triển thị trường của các chủ thể quốc tế và trong nước; Những cơ hội và thách thức về chính sách, pháp luật đối với các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam và cùng các chuyên gia đề xuất những giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

- Công tác chuẩn bị Hội thảo đã được Ban Tổ chức tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Đầu tháng 10/2021, Ban Tổ chức Hội thảo đã được thành lập, gồm lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội. Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã hoàn thành các thủ tục để tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế theo đúng quy định; triển khai công tác tổ chức nội dung và hậu cần; mời các chuyên gia, tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo và đặt bài tham luận của các nhà khoa học để hoàn thành kỷ yếu Hội thảo. Hiện tại, Ban Tổ chức đã nhận được trên 30 tham luận khoa học chuyên sâu và chất lượng của các nhà khoa học và sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều bài tham luận trong thời gian tới.

Công tác tổ chức Hội thảo được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp. Chúng tôi hy vọng nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, quý chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí - truyền thông để Hội thảo thành công tốt đẹp; góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top