Second Home - “Túi ba gang” hứng tiền từ “xuất khẩu tại chỗ”

Second Home - “Túi ba gang” hứng tiền từ “xuất khẩu tại chỗ”

Thứ Năm, 30/04/2020 - 05:55

“Tương lai có rất nhiều tên: Với kẻ yếu, nó là Điều không thể đạt được. Đối với người hay sợ hãi, nó là Điều chưa biết. Với ai dũng cảm, nó là Cơ hội” (Victor Hugo). Trong câu chuyện Second Home ở Việt Nam, chúng ta không phải “kẻ yếu”, chúng ta không sợ hãi và chúng ta đang trên con đường khẳng định lòng dũng cảm!

Gặp chúng tôi sau những ngày Hà Nội thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự thận trọng khi đề cập đến những dự báo về thị trường bất động sản hậu đại dịch.

Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng khó đoán của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đều đang đứng trước nguy cơ suy giảm lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn và nguy cơ phá sản, trong đó có những doanh nghiệp bất động sản.

Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19 chính là du lịch và bất động sản du lịch. Nếu như năm 2019, du lịch Việt Nam có bước phát triển đột phá khi thu hút đến hơn 18 triệu lượt khách quốc tế thì năm 2020, con số này được dự báo là chỉ bằng 1/3 so với năm trước, tức khoảng 6 triệu lượt khách nếu “chúng ta gặp may”.

Nguồn: Tổng Cục Du Lịch Việt Nam

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tuy không thực sự lạc quan về thị trường bất động sản du lịch bởi chúng ta chưa thể làm chủ diễn biến dịch bệnh nhưng cũng không nên quá bi quan vì thực tế cho thấy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người… cho đến một nền kinh tế đang phát triển ổn định.

“Giai đoạn phục hồi có thể sẽ mất nhiều thời gian nhưng một khi đã chạm đến điểm phục hồi thì tốc độ để bất động sản du lịch trở lại như thời điểm trước khi có dịch sẽ rất nhanh chóng, nếu không muốn nói rằng đó có thể là ngành có khả năng hồi phục nhanh nhất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu mở đầu cuộc trò chuyện.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu

Câu chuyện làm thế nào để bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng có thể sớm hồi phục hậu đại dịch là cả một bài toán lớn mà cơ quan quản lý Nhà nước phải giải với nhiều biện pháp thúc đẩy toàn diện.

Trong đó, từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế đã có khoảng thời gian dài sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia, vấn đề thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm của ông, đặc biệt là mô hình đầu tư ngôi nhà thứ 2. Trong dài hạn, đây được đánh giá như là một trong những “liều thuốc” quan trọng giúp bất động sản du lịch hồi phục, tận dụng tối đa nền kinh tế mở để thu hút ngoại tệ, phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế của đất nước.

Dưới góc nhìn biện chứng, ông cho rằng, Việt Nam có đầy đủ lợi thế, tiềm năng để mô hình này phát triển nhưng bị kìm hãm bởi những hạn chế vẫn đang tồn tại trong chính sách và pháp luật hiện tại. Đã đến lúc chúng ta cần bàn sâu hơn đến câu chuyện làm thế nào để Việt Nam không bỏ lỡ một “mảnh đất màu mỡ” như vậy.

Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 140 thị trường du lịch được xếp hạng cạnh tranh, vị trí của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể từ hạng 67/136 vào năm 2017 lên hạng 63/140 vào năm 2019. Trong đó đặc biệt đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 29 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 35 về tài nguyên tự nhiên và thứ 22 về sức cạnh tranh về giá.

Việt Nam có kết nối đường bay nội địa và quốc tế ngày càng đa dạng, hạ tầng hoàn thiện nhanh chóng, đặc biệt sở hữu đường bờ biển dài với nhiều thắng cảnh xinh đẹp nổi tiếng, vùng duyên hải Nam Trung bộ có khí hậu ôn hòa quanh năm vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển.

Dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nước ta được các chuyên gia đánh giá là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác mô hình Second Home - ngôi nhà thứ 2.

Nguồn: Tổng Cục Du Lịch Việt Nam

Kết quả một cuộc khảo sát về mô hình ngôi nhà thứ 2 được báo VnExpress thực hiện cho thấy, có đến 74,8% số người bày tỏ ý muốn sở hữu Second Home có vị trí tại các vùng biển và gần 80% thích ngôi nhà nghỉ dưỡng của mình nằm trong các khu tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Ngoài ra, 60,5% người khảo sát sẵn sàng chi 3 tỷ đồng để sở hữu Second Home; 31,4% có thể chi 5 tỷ đồng; số còn lại có thể chi từ 8 đến 10 tỷ đồng.

Trên thế giới, mô hình này lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp từ những năm 1960, sau đó nhanh chóng lan rộng sang Mỹ và các quốc gia khác, được giới quý tộc và thượng lưu sở hữu với mục đích nghỉ dưỡng. Tại Việt Nam, mô hình này đã có những bước phát triển sôi động với đa dạng sản phẩm như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) hay nhà phố thương mại (shophouse)…, không chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước mà còn có sức hút không nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự quan tâm của khách quốc tế mua ngôi nhà thứ 2 tại Việt Nam đã được ghi nhận trong vài năm trở lại đây bởi thị trường nghỉ dưỡng tiềm năng và giá bất động sản cạnh tranh so với các nước phát triển.

Có thể hiểu, khái niệm ngôi nhà thứ 2 là để chỉ những sản phẩm bất động sản du lịch không phải là nơi lưu trú chính của chủ sở hữu mà chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi riêng của gia đình hoặc tạo ra nguồn thu nhập từ việc cho thuê.

Nếu như ở giai đoạn đầu, Second Home trong bất động sản du lịch được coi là dòng sản phẩm chỉ dành riêng cho giới nhà giàu sở hữu với mục đích nghỉ dưỡng thì giờ đây, mô hình này được phát triển đa dạng, tiếp cận nhiều nhóm khách hàng hơn với nhiều mức giá, không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, hưu trí của cá nhân, gia đình mà còn là hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Chúng tôi đã có những trao đổi sâu hơn với TS. Nguyễn Trí Hiếu về tiềm năng, cơ hội và cả những thách thức liên quan đến mô hình đầu tư mới mẻ này.

PV: Thưa ông, rất nhiều “liều thuốc” đã được đưa ra với hy vọng thị trường bất động sản Việt Nam hồi phục thật nhanh sau “cú knock-out” mà đại dịch Covid-19 mang lại. Những ngày này, câu chuyện thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch như là “ngôi nhà thứ 2” được đưa ra bàn luận. Suy nghĩ của ông về vấn đề này ra sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch của chúng ta bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nếu đến cuối tháng 6, thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế được số người nhiễm bệnh và số ca tử vong, triển vọng nghiên cứu được vắc xin và thuốc chữa bệnh le lói xuất hiện thì có hy vọng nền kinh tế bước đầu được hồi phục, trong đó có du lịch. Chính phủ các nước sẽ dần mở cửa và cho phép các hãng hàng không hoạt động vận chuyển khách trở lại. Có lẽ đó là bối cảnh khả quan nhất. Nhưng kể cả như vậy thì ngành du lịch dự đoán cũng chỉ có thể hồi phục được từ giữa năm 2021 trở đi mà thôi.

Để chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường bất động sản, chắc chắn sẽ có rất nhiều việc cần làm, trong đó triển khai những chương trình kích cầu du lịch, quảng bá thị trường, hấp dẫn du khách nước ngoài sẽ là rất cần thiết.

Trong khoảng một chục năm trở lại đây, theo quan sát của bản thân, tôi nhận thấy các nhà kinh doanh bất động sản nước ngoài rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Chúng ta có nhiều lợi thế như sự ưu đãi của thiên nhiên, dân số trẻ, an ninh xã hội, an ninh chính trị và là một trong số những quốc gia đang phát triển với nhiều cơ hội đầu tư.

Tôi trở về Việt Nam đến nay đã 25 năm và nhận thấy nước ta giờ đã thay đổi rất nhiều. Từ một quốc gia nghèo sau khi thoát khỏi chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ và không thua kém gì các quốc gia khác trong châu Á. Bộ mặt kinh tế của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn cho du khách nước ngoài nói chung và nhà đầu tư bất động sản nước ngoài nói riêng.

Trong khi đó, những thị trường truyền thống như Mỹ hay châu Âu đã có khoảng thời gian dài phát triển ổn định, không gian thiên nhiên ngày càng bị thay thế nhiều bởi cảnh trí nhân tạo, không còn nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên như ở Việt Nam nên không có nhiều cơ hội đầu tư được mở ra. Các nhà đầu tư gặp khó khăn hơn trong việc tìm những vị trí tốt và mới mẻ. Ngược lại, Việt Nam chúng ta lại có quá nhiều lợi thế để đáp ứng được điều đó. Ấy là còn chưa nói đến bản sắc văn hóa đa màu sắc và phong phú.

Vì thế, tôi tin tưởng rằng Việt Nam trong những năm tới, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở thành điểm sáng rất quan trọng cho nền kinh tế Quốc gia. Từ đó mà vấn đề phát triển một chương trình thu hút đầu tư ngôi nhà thứ 2 tại Việt Nam là rất tiềm năng.

PV: Mô hình Second Home - Ngôi nhà thứ 2 hẳn sẽ tựa như một “chiếc túi ba gang” thu hút nguồn tiền cho thị trường bất động sản Việt Nam nếu chúng ta có thể bắt đúng nhịp?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, mô hình ngôi nhà thứ 2 có thể giúp Việt Nam bổ sung thêm được nguồn ngoại tệ, vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nguồn vốn có tính ổn định và bền vững hơn vì nhà đầu tư nước ngoài thường trường vốn và có mục tiêu đầu tư dài hạn, mua xong họ sẽ sử dụng, khai thác chứ không mua đi bán lại.

Trong bất động sản, với khoảng thời gian ngắn 3 tháng, 6 tháng, giá có thể chênh vênh, lên xuống tùy vào sự biến động của thị trường. Nhưng về lâu về dài, ít nhất từ 3 năm trở lên thì giá bất động sản là tài sản lớn luôn có xu hướng đi lên.

Ngược lại, tư duy tìm kiếm lợi nhuận của một bộ phận nhà đầu tư trong nước còn tương đối ngắn hạn, muốn làm ăn sinh lời thật nhanh để trả lãi cho ngân hàng vì tiền đầu tư phải đi vay một phần lớn, đồng thời kiếm lợi cho bản thân. Vì tư duy đó mà nhà đầu tư Việt Nam rất dễ nhảy vào những thương vụ chóng vánh, dễ chao đảo.

Thứ hai, khi mời gọi người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đồng nghĩa với việc chúng ta cung cấp những dịch vụ, sản phẩm nội địa cho họ và thu về được nguồn ngoại tệ “xuất khẩu tại chỗ”. Việc này đóng góp rất lớn cho các chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt ở chỗ, thay vì Việt Nam phải tìm cách hội nhập với nền kinh tế quốc tế thì sẽ là lúc nền kinh tế toàn cầu phải “đổ bộ” vào Việt Nam, kéo Việt Nam vào sự vận hành chung của thế giới.

Thứ ba, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, sinh sống, trong đó có giới chuyên gia sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và hỗ trợ cho kinh tế nội địa. Vì thế có thể nói rằng, thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch Việt Nam hỗ trợ được cả hai mặt quốc nội và đối ngoại cho nền kinh tế.

PV: Có quan điểm cho rằng, thu hút người nước ngoài đầu tư ngôi nhà thứ 2 tại Việt Nam sẽ tạo ra một môi trường thúc đẩy tính cạnh tranh cao, điều đó có đúng không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính xác hơn phải là sự bổ sung thay vì cạnh tranh. Mấu chốt nhất là giá trị đất đai sẽ được khai thác tốt hơn nhờ sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta đều hiểu rằng, ở thời điểm khó khăn như hiện tại, nguồn tiền đầu tư vào bất động sản trong nước đang cạn kiệt. Các nhà kinh doanh bất động sản đang lao đao “sống dở chết dở”. Bất động sản bán ra không được nên dòng tiền nội địa hiện tại hỗ trợ cho bất động sản đang bị suy giảm rất trầm trọng. Vì thế, nếu có dòng tiền từ nước ngoài vào bổ sung cho nguồn tiền trong nước thì sẽ rất tốt và tạo động lực thúc đẩy thị trường.

Người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch tại nước ta, khi làm ăn sinh lời sẽ không chỉ giúp giá trị đất đai được khai thác tốt mà còn đem lại nguồn lợi về thuế cho Quốc gia. Họ tạo ra nguồn thu nhập ở Việt Nam, đương nhiên họ sẽ phải đóng các loại thuế cho Chính phủ Việt Nam như thuế bất động sản, tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có doanh nghiệp), thuế thu nhập cá nhân… Đó sẽ là nguồn thu nhập rất cần thiết cho Ngân sách Quốc gia. Hơn nữa, họ là những người có khả năng tài chính cao để có thể làm tăng chỉ số tiêu dùng cho GDP của Việt Nam. Nhìn chung là chúng ta sẽ có lợi nhiều mặt.

PV: Như vậy thì hình như chúng ta có phần đang... chậm rãi quá trước một cơ hội lớn? Trong khi những “anh em láng giềng” là Malaysia, Singapore đã đi trước khá xa?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có một số những trở ngại đang là rào cản trong việc thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản du lịch nói riêng mà phải kể đến đầu tiên chính là vấn đề pháp lý. Chúng ta còn có rất nhiều ràng buộc để thực sự “mở cửa” cho người nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam. Trong khi, thực tế là chỉ đến khi nào họ có thể vào sinh sống, làm việc, kinh doanh ở đất nước của chúng ta một cách dễ dàng và thuận lợi hơn thì bấy giờ họ mới nghĩ đến đầu tư Second Home.

Người nước ngoài sẽ không đến một vùng đất mới để đầu tư ngôi nhà thứ 2 rồi lại giao nó cho một người khác quản lý hay giao dịch hộ mình. Vì thế, thời gian họ được quyền sở hữu ngôi nhà thứ hai của mình phải tương ứng với thời gian họ được cho phép sống và làm việc tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014 đã có những điều khoản quy định về việc người nước ngoài, Việt kiều có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam, nhưng lại không có giới hạn nào liên quan đến visa cư trú cả. Đặt giả thuyết nếu người nước ngoài đã đầu tư bất động sản tại Việt Nam nhưng lại gặp trục trặc trong vấn đề gia hạn cư trú thì phần tài sản lớn này của họ sẽ không biết tính sao. Việc đầu tư không tạo ra sự an tâm cho người nước ngoài.

Hơn nữa, mỗi lần xin gia hạn cư trú thường rất phức tạp và mất thời gian với thủ tục hành chính rườm rà gây nên nhiều hạn chế. Theo tôi, điều đó thật sự cần được xem xét cải thiện, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các cơ quan có thể trao đổi thông tin với nhau để làm sao giảm bớt tối đa thủ tục hành chính.

Nếu những hạn chế về vấn đề nhập cảnh, lưu trú tại Việt Nam không được tháo gỡ với phương án rộng mở hơn cho người nước ngoài thì đây sẽ là một trở ngại vô cùng lớn để có thể thúc đẩy phát triển mô hình ngôi nhà thứ 2.

Trong khu vực, một số quốc gia như Malaysia hay Singapore cho phép người nước ngoài có thời hạn cư trú bằng với thời gian họ sở hữu tài sản bất động sản vì vậy có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề thứ hai cần được nói đến là câu chuyện quản lý rủi ro khi đầu tư bất động sản.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có bảo hiểm bất động sản. Tức là hãng bảo hiểm đứng ra bảo lãnh cho khách hàng về các rủi ro liên quan đến tài sản bất động sản của họ khi xảy ra kiện tụng, tranh chấp.

Không chỉ thế, vì hãng bảo hiểm đã thực hiện điều tra thông tin liên quan đến bất động sản rất rõ ràng như ai là chủ sở hữu trước đây, người đó có nợ thuế chính phủ không, có nợ tiền ngân hàng không… và đứng ra bảo lãnh cho người mua nhà nên sẽ rất dễ dàng cho họ nếu muốn vay tiền ở ngân hàng, chỉ cần người mua nhà giải quyết sáng tỏ và trong sạch hết các vấn đề còn tồn tại với chủ cũ. Chính bởi vậy mà người mua bất động sản rất yên tâm khi đầu tư.

Ngược lại ở Việt Nam, vì không có những loại bảo hiểm bảo lãnh như vậy nên nhà đầu tư đi mua nhà có khả năng phải chịu những rủi ro rất lớn. Nếu dự án bị thế chấp, chủ đầu tư không trả tiền cho ngân hàng thì dự án cũng sẽ không được giải chấp, trong khi người mua nhà đã trả hết tiền cho chủ đầu tư rồi. Tài sản bị thế chấp sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có chương nói về bảo lãnh của ngân hàng để đảm bảo cho người mua nhà được giao nhà đúng tiến độ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra hướng dẫn về việc thực hiện nó như thế nào. Nhưng tất cả dường như vẫn đang nằm trên văn bản khi cho đến giờ vẫn chưa có con số thống kê cụ thể bao nhiêu chủ đầu tư đã có bảo lãnh của ngân hàng.

Theo tôi, nếu thực hiện bảo lãnh, ngân hàng phải bảo lãnh cho từng người mua nhà chứ không thể chỉ bảo lãnh chung chung được. Trong hợp đồng bảo lãnh cần có quy định cụ thể thời gian giao nhà và nếu căn nhà này không được giao đúng tiến độ thì người mua sẽ được ngân hàng bồi thường số tiền đã đóng cho chủ đầu tư.

Thực tế cho thấy, nhiều người Việt Nam cũng khó có thể xác thực tính pháp lý của một dự án nên rất dễ dẫn đến “tiền mất tật mang”, huống chi là người nước ngoài. Chính vì thế, sự vắng mặt của một loại bảo hiểm hoặc công cụ quản lý những rủi ro về tài sản bất động sản chính là điều tạo ra tâm lý bất an, khiến người nước ngoài còn e dè khi đầu tư vào lĩnh vực này ở nước ta.

Dựa trên khuôn khổ pháp lý hiện tại, chúng ta cần phải có những điều chỉnh hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho người nước ngoài đầu tư bất động sản du lịch ở Việt Nam. Đồng thời, các quy định về nhập cảnh và lưu trú cũng cần được điều chỉnh sao cho tương đồng với quyền lợi về đất đai của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài những vấn đề về pháp lý thì còn cần thiết phải bàn đến vấn đề trật tự xã hội, dân sinh. Làm sao tạo được sự bình an, an toàn cho người nước ngoài trong sinh hoạt của họ là rất quan trọng. Nhiều người nước ngoài cho rằng về Việt Nam tuy rất an ninh, nhưng lại ko an toàn. An ninh là vấn đề quốc gia, không có bạo động, khủng bố…, còn an toàn lại là câu chuyện của đời sống hàng ngày (dân sinh xã hội, an toàn giao thông…)

PV: Ở một khía cạnh phản biện, theo ông, có những rủi ro hay thách thức nào đặt ra khi chúng ta mở rộng cửa cho người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tất nhiên, mở rộng cửa cho người nước ngoài cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro và bất trắc. Địa chính trị là vấn đề không thể không nhắc tới và cần bàn bạc cẩn trọng, bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh Quốc gia. Chúng ta phải có biện pháp quản lý, kiểm soát các hoạt động của người nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động tội phạm như ma túy, cờ bạc, mại dâm hay thậm chí cả hoạt động gián điệp… Trong thời kỳ dịch bệnh như thế này, vấn đề quản lý y tế cũng trở nên vô cùng quan trọng.

Tuy không dễ dàng nhưng không thể chỉ vì thấy khó mà không dám làm. Bởi cơ hội rõ ràng là lớn hơn nhiều so với thách thức. Lạc quan trong sự thận trọng là điều mà chúng ta cần làm.

PV: Vậy chúng ta có thể làm gì để quản trị những rủi ro đó?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ở đây cần phát huy vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước. Theo tôi, có lẽ chúng ta cần giao quyền nhiều hơn cho các chính quyền địa phương để họ quản lý người nước ngoài sinh sống trên địa bàn của mình. Hiện tại, các quy định cho người nước ngoài vẫn tập trung phần lớn ở Trung ương. Còn chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm về vấn đề cư trú, an ninh trong địa phương họ.

Nên có một chương trình Quốc gia để giao quyền cho các địa phương, có nghĩa là các địa phương cần có chính sách với người nước ngoài nhập cư, cư trú. Một mặt, xây dựng những ưu đãi thu hút người đầu tư vào bất động sản. Mặt khác phải có quy định kiểm soát được hoạt động của họ một cách chặt chẽ.

Ở đây là sự kiểm soát theo hướng mà chúng ta có thể theo dõi và quản lý được, nhưng không khống chế tự do, vì đối với người nước ngoài, đặc biệt là người đến từ các nước châu Âu thì vấn đề nhân quyền đối với họ rất quan trọng.


Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, nếu như năm 1994, Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, thì năm 2019, con số này đã lên đến hơn 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng bình quân từ 12 - 14%/năm). Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, nỗ lực đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng bình quân từ 8 - 10%/năm).

Chiến lược đã được vạch rõ, mục tiêu và kỳ vọng là vô cùng lớn, dự báo sức hấp thụ của thị trường du lịch với hệ thống hạ tầng trong tương lai sẽ chỉ nằm trong xu hướng đi lên. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, hạ tầng du lịch có “làm thế hay làm nữa” thì cũng vẫn thiếu.

Để tạo được nền tảng hạ tầng phục vụ cho Chiến lược phát triển này, bất động sản du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng như một trong những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của các nhóm ngành liên quan, đặc biệt trong đó có du lịch. Điều này đòi hỏi chúng ta cần đẩy mạnh và nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng du lịch lưu trú. Đồng nghĩa với việc nhiều cơ hội và dư địa phát triển sẽ mở rộng cho các nhà đầu tư.

PV: Năm 2030, du lịch Việt Nam kỳ vọng đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông nghĩ như thế nào về mục tiêu này trong bối cảnh hiện tại?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ 10 năm là khoảng thời gian dài đủ để thực hiện những mục tiêu đề ra. Và cũng không nên quá 10 năm vì đối với sự phát triển của một con người thì đó là quãng thời gian dài nhưng với sự phát triển xã hội thì là rất ngắn, rất nhanh.

Nếu chậm hơn, chắc chắn là chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn. Vì nhìn trong bối cảnh hiện tại, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới một cách toàn diện trong cung cách làm việc, di chuyển, tư duy… Trong khó khăn, điều này cũng mang lại cả những cơ hội cho thị trường bất động sản.

Chúng ta không cần phải đến tận nơi để xem một ngôi nhà như thế nào mà nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, ta có thể xem thoải mái dưới dạng hình ảnh đa chiều online. Vấn đề giao dịch bất động sản trở nên nhanh nhẹn hơn hơn bao giờ hết với sự kết nối toàn cầu.

Bên cạnh đó, chính phủ các quốc gia đang “đổ ra” những dòng tiền rất lớn để “cứu” nền kinh tế và dòng tiền đó ít nhiều sẽ chảy vào bất động sản. Đó là cơ hội ngàn vàng cho bất động sản du lịch Việt Nam nếu có thể bắt kịp. Bởi nếu dịch bệnh được kiểm soát thì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tỏa đi tìm kiếm những cơ hội bên ngoài vì ngay chính nền kinh tế của họ cũng đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ Covid-19. Việt Nam hoàn toàn có thể đón đầu những “làn sóng” đầu tư đó. Việc thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch vừa là câu chuyện chiến lược, vừa là sách lược nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top