Aa

Siết tín dụng, công ty tài chính khó tiếp cận khách hàng mới

Thứ Ba, 09/04/2019 - 06:01

Đánh giá tác động của việc hạn chế giải ngân trực tiếp của các công ty tài chính, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng: “Chắc chắn là khả năng tiếp cận khách hàng mới của các công ty tài chính sẽ bị hạn chế”.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Một trong những nội dung mà dự thảo đưa ra đang gây tranh cãi đó là việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các công ty tài chính.

Theo đó, dự thảo quy định dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Các công ty tài chính cũng chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Vì sao lại siết tín dụng tiêu dùng?

Theo các chuyên gia, động thái quyết định siết chặt tín dụng tiêu dùng, mà đặc biệt là hạn chế nguồn tiền mặt là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.

Về mục đích dự thảo Thông tư mới, giới chuyên gia đánh giá đây một động thái tích cực của NHNN khi quan tâm và sát sao trong việc quản lý chặt chẽ các hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính.

Mặc dù động thái tích cực này được đưa ra nhằm định hướng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển theo hướng bền vững cũng như giảm rủi ro, song, theo TS. Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính), dự thảo chính sách mà NHNN đưa ra khó giải quyết được hoàn toàn bài toán rủi ro trong tín dụng tiêu dùng.

Với cơ cấu dân số vàng, hơn 90 triệu dân, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng” còn bỏ ngỏ.

Với cơ cấu dân số vàng, hơn 90 triệu dân, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng” còn bỏ ngỏ.

“Theo tôi, về cơ bản, các kiến nghị được đưa ra sẽ góp phần nào đó hạn chế được những rủi ro liên quan đến tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính. Tuy nhiên, các quy định, dù chặt chẽ, cũng sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được hết các rủi ro vì khả năng trả nợ của khách hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, chẳng hạn như vấn đề thông tin bất đối xứng hay các biến cố ngoài mong muốn...

Những người có mục đích vay lành mạnh, có lịch sử trả nợ tốt vẫn có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong trường hợp xảy ra các sự kiện bất khả kháng, chẳng hạn như bị mất việc làm do nền kinh tế rơi vào suy thoái”, TS. Nguyễn Đức Độ cho hay.

Ở khía cạnh khác, TS. Phan Minh Ngọc, Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore), cho rằng: Nếu NHNN siết việc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thì chủ trương chống tín dụng đen của NHNN sẽ càng khó thành hiện thực, vì NHNN đã tự hạn chế sự phát triển của một công cụ có thể nói là chủ yếu để chống tín dụng đen trong khi chỉ còn công cụ đáng kể khác là tín dụng ngân hàng.

Đồng quan điểm, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu "tín dụng đen", thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Nếu người đi vay có điều kiện cần một số tiền để tổ chức một bữa tiệc liên hoan hoặc trả tiền bệnh phí… trong khi tổ chức tín dụng, công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy tệp khách hàng này vào trường hợp đi vay "tín dụng đen" để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết "tín dụng đen" nếu chúng ta có trần khống chế 30%.

“Như vậy, chúng ta đang nói tới bài toán làm sao giải quyết "tín dụng đen" nhưng nếu bây giờ, chúng ta chỉ vì nền kinh tế phi tiền mặt mà hạn chế giải ngân tiền mặt thì vấn đề "tín dụng đen" sẽ không được giải quyết. Do vậy, về mặt này dự thảo cũng cho thấy không hợp lý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Công ty tài chính khó tiếp cận với khách hàng mới

Với cơ cấu dân số vàng, hơn 90 triệu dân, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng” còn bỏ ngỏ. Con số tăng trưởng hàng năm 55 - 65% và dư nợ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế cho thấy thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thị trường này phát triển thì mức độ đóng góp của lĩnh vực vào này vào nền kinh tế là rất lớn.

Tuy nhiên, trước động thái siết chặt tín dụng của NHNN mà điển hình như quy định hạn chế giải ngân trực tiếp, một số ý kiến cho rằng, các công ty tài chính sẽ gặp khó khăn hơn trong hoạt động cũng như khả năng sụt giảm của thị trường cho vay tiêu dùng.

Bởi hiện tại, trong điều kiện hoạt động cho vay trả góp đang dần trở nên bão hòa với sự góp mặt một số công ty chiếm giữ thị phần rất lớn… thì các công ty tài chính mới ra đời muốn có thị phần cho vay tiêu dùng, buộc phải đẩy mạnh cho vay tiền mặt. Chưa kể, các gói cho vay tiền mặt của các công ty tài chính đang là một trong những công cụ đắc lực để tạo ra tệp khách hàng mới cũng như đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Đánh giá về tác động của quy định mới đến công ty tài chính, TS. Nguyễn Đức Độ khẳng định: “Chắc chắn là khả năng tiếp cận khách hàng mới của các công ty tài chính sẽ bị hạn chế”.

Và nếu dự thảo sửa đổi Thông tư chính thức có hiệu lực thì rõ ràng thị phần của các công ty tài chính trở nên co cụm cũng như hạn chế sự xuất hiện của những công ty tài chính mới ra đời. Tất yếu, điều này có thể khiến thị trường cho vay tiêu dùng khó tiếp tục phát triển mạnh mẽ như ở thời điểm trước. Và nếu chiếc bánh thị phần chỉ chia cho những công ty lớn thì sự cạnh tranh sẽ giảm, khách hàng có thể khó được hưởng lợi từ việc lãi suất giảm.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng: “Khi tiếp cận các khách hàng mới, các công ty tài chính có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, nếu thiếu các thông tin cần thiết về mục đích sử dụng, khả năng trả nợ... của khách hàng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, một người đến vay công ty tài chính, dù họ vay để chi trả tiền bệnh phí, tiền đi du lịch hay là chuyển tiền cho con đi học, mua một cái xe máy, điện thoại… thì trong bất cứ trường hợp nào, các công ty tài chính cũng đã xét đến chuyện người đó có khả năng trả nợ hay không.

Như vậy, các công ty tài chính đã xét khả năng trả nợ, đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Khi công ty tài chính thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy rằng người này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì tại sao phải khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của mình không thể quá 30% cho giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt.

Trên cơ sở đó, “điều quan trọng là NHNN và Chính phủ nên khuyến khích các công ty tài chính như mở rộng đối tượng cho vay, mở rộng quy trình vay, xét đơn một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ quản trị rủi ro của các doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Mặt khác, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh: “Thị trường tín dụng nói riêng và thị trường tài chính nói chung có độ nhạy cảm rất lớn với những rủi ro và tác động rất mạnh đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế xã hội. Bởi vậy, bên cạnh cơ chế thị trường vẫn cần có sự điều tiết của nhà nước. Thực tế giai đoạn trước cho thấy, khi thị trường tín dụng không được điều tiết phù hợp, nợ xấu đã gia tăng nhanh chóng và kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng không thể hoạch định chính sách theo kiểu “không quản được thì cấm”, mà phải liên tục nâng cao năng lực quản lý, hướng tới mục tiêu kép, đó là một mặt tạo điều kiện cho cơ chế thị trường vận hành nhưng mặt khác vẫn đảm bảo được lợi ích tổng thể của các đối tượng khác nhau trong nền kinh tế”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top