Tín dụng tiêu dùng là “động lực” để người dân hạn chế tín dụng đen
Thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh, nhất là trong khoảng 20 năm vừa qua. Độ sâu tài chính được thể hiện qua quy mô của tín dụng được cung ứng bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến 7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 131% GDP tính đến cuối năm 2018.
Trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt…
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng tiêu dùng tăng nhanh do tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong trung hạn, tín dụng tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ thu nhập tăng lên.
Tín dụng tiêu dùng mang lại cho người dân cơ hội được tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau, giúp tối đa hóa việc sử dụng dòng tiền/thu nhập của mình theo thời gian.
Tín dụng tiêu dùng không chỉ là tiêu sản, mà còn là tài sản giúp mang lại cơ hội kinh doanh, sản xuất hàng hóa cho người dân và hộ gia đình.
Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng cho mục tiêu mua và sửa chữa, mở rộng nhà ở cũng là để tăng tài sản cố định cho các hộ sản xuất kinh doanh qua đó giúp phát triển khu vực kinh tế quan trọng này.
Hiện nay, các khoản vay để mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng (khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng), sau đó đến các khoản vay mua đồ gia dụng, hàng hóa lâu bền, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (khoảng 15-20%).
Điều này cho thấy tín dụng tiêu dùng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ mua sắm các tài sản lưỡng dụng của hộ gia đình, cá thể tự doanh.
Ông Tú Anh khẳng định, hiện tín dụng tiêu dùng vẫn còn dư địa lớn, là động lực giảm bớt việc người dân tiếp cận vốn qua tín dụng đen, đẩy lùi tín dụng đen dù tín dụng đen sẽ luôn luôn tồn tại.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, tài chính tiêu dùng nên được hiểu là một phần của tín dụng tiêu dùng. Theo đó, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 1990, khi lĩnh vực cho vay này được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng.
Do đó, có thể thấy kênh tín dụng tiêu dùng góp phần rất lớn để giảm bớt tín dụng đen, góp phần làm thị trường tài chính phong phú hơn. Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát huy tối đa sức mạnh của mình thì song hành cùng đó là cần có những chính sách đủ mạnh hỗ trợ, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Giáo dục nhận thức cho người dân là vấn đề “tiên quyết”
Nêu các giải pháp để thúc đẩy mảng tín dụng tiêu dùng phát triển hơn nữa, TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất 5 vấn đề.
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Thứ hai, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.
Thứ ba, giáo dục nhận thức cho người dân. Thực tế hiện nay, nhiều khách hàng cho vay tiêu dùng không ý thức được đầy đủ rủi ro nên không trả nợ và lãi đúng kỳ hạn, dẫn tới nợ xấu.
Thứ tư, giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng. Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan, việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào bất động sản và chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riên.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.