Aa

Số hóa dữ liệu quốc gia về quy hoạch: Tăng tính công khai, minh bạch

Thứ Năm, 23/05/2019 - 02:06

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch là nội dung quan trọng.

Khắc phục những bất cập

Theo nội dung của Nghị định, thông tin, cơ sở dữ liệu được thu thập để xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch là cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt và được lưu trữ theo quy định tại Điều 44 của Luật Quy hoạch.

Các thông tin liên quan đến quy hoạch sẽ được xây dựng trên cơ sở dữ liệu được số hóa, liên kết, tích hợp với nhau, gắn với dữ liệu nền địa lý quốc gia, theo kiến trúc một cổng thông tin điện tử, phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch.

Các thông tin liên quan đến quy hoạch sẽ xây dựng trên cơ sở dữ liệu được số hóa. Ảnh: Zing.vn

Các thông tin liên quan đến quy hoạch sẽ xây dựng trên cơ sở dữ liệu được số hóa. Ảnh: Zing.vn

Theo TS. Đỗ Văn Trường, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trong thời gian qua, công tác quy hoạch đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn bộc lộ những hạn chế như đô thị hóa diễn ra quá nhanh vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội chưa theo kịp với tốc độ phát triển dẫn đến những áp lực về giao thông, môi trường, nhà ở. Ngoài ra, vấn đề sử dụng quỹ đất, đặc biệt là ở các đô thị vẫn đang còn bị vướng mắc theo những quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, các thông tin về quy hoạch vẫn còn thiếu tính minh bạch, chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến của cộng đồng. Chất lượng các đồ án quy hoạch chưa đồng đều, nhiều đồ án mang nặng tính hình thức. Một số đồ án đi vào hoạt động gặp phải sự phản đối của cộng đồng do có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, lãng phí tài nguyên đất... “Việc tra cứu thông tin quy hoạch theo phương án hồ sơ truyền thống mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch về thông tin. Việc tham gia góp ý của cộng đồng đối với công tác quy hoạch còn mang tính hình thức, đến khi triển khai thực hiện xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện...”, TS. Đỗ Văn Trường nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển hạ tầng cho biết việc số hóa các thông tin về quy hoạch sẽ góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính và giúp cho người dân có thể nắm bắt nhanh chóng, kịp thời các thông tin liên quan đến đồ án quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh... “Dựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu đã được số hóa, sẽ giúp cho các thông tin về quy hoạch được công khai, minh bạch. Qua đó, người dân cũng có thể đóng góp ý kiến của mình đối với những đồ án, thiết kế có tác động trực tiếp đến đời sống và lợi ích kinh tế của họ”, PGS.TS Lưu Đức Hải nhận định.

Cơ sở để phát triển kinh tế bền vững

Theo hệ thống văn bản Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia được chia thành 5 nội dung: Quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch ngành quốc gia); Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Bước vào thời kỳ Cách mạng Công nghệ 4.0, công tác số hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với quá trình hoạch định phát triển kinh tế - xã hội. Số hóa dữ liệu lưu trữ là biện pháp tối ưu, giải quyết việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ hay tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng, cắt giảm chi phí tối đa cho việc quản lý và không gian lưu trữ. Ngoài ra, số hóa dữ liệu có thể chỉnh sửa và tái sử dụng tài liệu, linh hoạt trong việc chuyển đổi sang các dạng tài liệu số khác nhau. Quan trọng hơn, số hóa thông tin giúp nâng cao hiệu quả công việc do được tập hợp các thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời.

TS.KTS Đỗ Văn Trường cho rằng, trong thời kỳ đô thị hóa phát triển nhanh chóng như hiện nay, yêu cầu công tác quy hoạch luôn phải đi trước một bước. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch phải bao gồm đầy đủ hồ sơ quy hoạch, các dữ liệu về tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và phải được cập nhật thường xuyên. “Những thông tin này giúp cho các cơ quan Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời là định hướng cho quá trình phát triển kinh tế bền vững”, TS.KTS Đỗ Văn Trường cho biết thêm.

Trước yêu cầu thực tiễn, công tác quy hoạch đã thể hiện rất nhiều yêu cầu đổi mới toàn diện, đặc biệt là việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Hướng đến phát triển bền vững, sản phẩm quy hoạch đô thị cần thể hiện tính chiến lược, tăng cường sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, trách nhiệm cộng đồng và đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện. Vì vậy, số hóa các thông tin, dữ liệu về quy hoạch là cần thiết trong giai đoạn phát triển mới hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) - TS.KTS Trần Thị Lan Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top