Thống kê từ báo cáo tài chính Quý IV/2022 của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán cho thấy, chất lượng tài sản giữa các nhà băng có sự phân hóa khá mạnh. Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng tại đa số ngân hàng, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ 30/6/2022 và nền kinh tế có khá nhiều biến động trong năm vừa qua. Hiện chỉ còn 6 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%. Trong đó, một số nhà băng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu dưới mốc này trong nhiều năm liên tiếp.
Báo cáo tài chính của Techcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 của ngân hàng ở mức 0,9%. Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ trọng thấp nhất (khoảng 26%). Nợ xấu riêng lẻ trước CIC của Techcombank chỉ ở mức 0,6%.
Đáng chú ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp Techcombank duy trì tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%. Trước đó, nhiều thời điểm trong năm 2021-2022, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết. Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Techcombank ở mức lành mạnh, đạt 125%, tức cứ mỗi một đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dự phòng 1,25 đồng.
Các khoản vay cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 năm 2020-2021 diễn biến tích cực giúp ngân hàng được hoàn nhập một số khoản dự phòng đáng kể trong năm qua. Cụ thể, nợ tái cơ cấu theo chương trình này đến cuối năm 2022 chỉ ở mức 400 tỷ đồng, tương đương với 0,1% tổng dư nợ của ngân hàng, giảm mạnh so với mức 1.900 tỷ đồng (tỷ lệ 0,5%) ở thời điểm đầu năm. Đây cũng là một trong những lý do giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 của Techcombank giảm khoảng 27% so với năm 2021, xuống còn 1.936 tỷ đồng. Chi phí tín dụng ở mức 0,3%.
Lãnh đạo Techcombank cho biết, để đảm bảo ngân hàng có sức khỏe vượt qua các giai đoạn khó khăn, Techcombank luôn chuẩn bị nền tảng vốn, áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro chặt chẽ. Hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel của Techcombank lên tới 15,2%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Basel II (8%). Đây cũng là mức tỷ lệ an toàn vốn ở nhóm đầu ngành ngân hàng Việt Nam.
Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính khách hàng doanh nghiệp của Techcombank cho biết, có những khách hàng khó khăn tạm thời về dòng tiền và Techcombank đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn trả. Theo quy định của NHNN, khi tái cơ cấu lại mà không tăng gia hạn nợ thì sẽ có 3 tháng thử thách chuyển nợ nhóm 2.
“Với những gì chúng tôi nắm được về dòng tiền của khách hàng, chúng tôi tin rằng khách hàng sẽ đủ khả năng trả nợ theo lịch trả nợ mới và sẽ chuyển về nợ nhóm 1 trong năm 2023. Techcombank có thế mạnh về cho vay bất động sản, chúng tôi làm việc các nhà đầu tư tiềm lực mạnh và quản lý khách hàng từ đầu đến cuối, từ giai đoạn làm dự án, pháp lý, xây dựng cho đến khi giải ngân bán cho khách hàng. Do đó, chúng tôi nắm được dòng tiền, khi nào thì khách hàng có tiền về và số tiền bao nhiêu vì tiền chảy trong tài khoản tại Techcombank”, ông Hà cho hay.
Bên cạnh đó, bộ phận quản lý rủi ro của ngân hàng luôn có các đánh giá định kỳ gồm các kiểm tra căng thẳng (stress test), các kịch bản về nền kinh tế, bao gồm lãi suất, thanh khoản, ảnh hưởng của thế giới để đưa ra các phản ứng kịp thời. Theo đánh giá, ngân hàng có đầy đủ nguồn lực để vượt qua chu kỳ khó khăn của thị trường và sẽ không có ảnh hưởng lớn trong năm 2023 về nợ xấu cũng như dự phòng rủi ro.
Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Techcombank cũng nói thêm, xuyên suốt nhiều năm, khẩu vị rủi ro của Techcombank là thận trọng, chắc chắn, đề cao tăng trưởng bền vững.
Trong một báo cáo phân tích đầu năm 2023, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, trong giai đoạn nhiều biến động vừa qua, nhà đầu tư có phần “dè chừng” với những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp đều là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới. Và bởi vậy, một khi sóng gió qua đi, triển vọng trở nên tươi sáng hơn, những ngân hàng có bộ đệm vốn vững chắc như Techcombank sẽ được hưởng lợi.