Aa

Startup Việt: Đi qua bĩ cực ắt tới hồi thái lai

Thứ Ba, 11/07/2023 - 09:31

Bà Phương Trần, Giám đốc đầu tư Wavemar cho rằng, thời kỳ khó khăn sẽ không kéo dài và startup có thể coi giai đoạn này như một thử thách để củng cố lại nền tảng của công ty cũng như quản lý tài chính tốt hơn.

Suýt "chết" vì thiếu vốn

Những năm gần đây, Việt Nam trở thành quốc gia có mật độ công ty khởi nghiệp thuộc top đầu khu vực châu Á. Tuy vậy, các thống kê cho thấy, tỷ lệ thất bại chiếm trên 95%. Đặc biệt, trong giai đoạn “tiền rẻ” đã kết thúc và những bất ổn vĩ mô diễn biến phức tạp như nay, các startup sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 cho thấy, vốn đầu tư mạo hiểm năm 2022 vào startup ở Việt Nam giảm đến 56% so với năm trước, chỉ đạt 634 triệu USD, thông qua 134 thương vụ. Trong đó, đáng chú ý là các thương vụ từ 50 triệu USD giảm mạnh và năm 2023 xu hướng này vẫn chưa dừng lại.

Dòng vốn rót vào các startup bắt đầu hạn chế

Trước những biến động vĩ mô, nhiều startup gặp khó khăn về dòng tiền phải dừng hoạt động, những startup giai đoạn cuối phải dừng hoặc thậm chí huỷ bỏ các kế hoạch IPO.

CEO Coolmate Phạm Chí Nhu – người có màn gọi vốn khá ấn tượng tại chương trình Shark Tank Việt Nam “tiết lộ” rằng, “nếu không nhận được đầu tư thời điểm 2019, Coolmate có lẽ đã chết”.

Chia sẻ thêm về chuyện này, ông Phạm Chí Nhu kể vào khoảng tháng 3.2019, Coolmate đi vào sản xuất và cung ứng hàng ra thị trường từ nguồn vốn góp 2 tỉ đồng.Tuy nhiên, mới chỉ 6 tháng Coolmate đã tiêu hết số tiền này và phải góp thêm 1 tỉ đồng.

Để có tiền duy trì hoạt động của công ty, ông Phạm Chí Nhu từng phải cầm sổ đỏ để lấy 800 triệu đồng. Ngoài ra, việc gọi vốn ở thời điểm đó cũng không thuận lợi, trong khi các cộng sự có bao nhiêu tiền thì đã đổ hết vào công ty, nên doanh nghiệp lúc đó khá khó khăn. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Coolmate khi tiếp cận được quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam.

"Nếu không được đầu tư vốn vào thời điểm đó, Coolmate có lẽ đã chết lâu rồi.”, ông Nhu cho biết.

Sau những gian nan ban đầu, khi gọi vốn tại chương trình Shark Tank, ông Phạm Chí Nhu và Coolmate được chú ý nhiều hơn và có những bước tăng trưởng khá ấn tượng.

CEO Coolmate Phạm Chí Nhu - Ảnh: NVCC

Một trường hợp khác, ông Hồ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Phú Thành từng chia sẻ rất cảm động rằng, khi việc kinh doanh lâm vào bước đường cùng, ông đã nghĩ ra một cách không ai nghĩ đến đó là… lên chùa vay tiền sư thầy.

“Tôi vốn không quen biết sư thầy, chỉ một lần thầy ghé qua cửa hàng ảnh của tôi để phóng ảnh hoa sen treo ở chùa. Lúc đó, thầy cũng cho biết sắp sửa xây chùa và nhiều phật tử công đức. Thời điểm đó, một người ở đáy vực thẳm như tôi đã tìm đến vay thầy tiền để vực lại doanh nghiệp”, ông Hải nói. Cũng theo vị này, phải có những thất bại thì mới chiêm nghiệm được những điều quý giá trong cuộc đời và có thất bại mới tìm được những “ân nhân” của mình.

Theo ông Hải, chặng đường dài khởi nghiệp, kinh doanh là chặng đường gian nan, vất vả, nhiều chông gai và nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được.

Tuy nhiên, không phải startup nào cũng vượt qua được khó khăn để bứt phá, nhiều dự án đã phải “đóng cửa”, thậm chí kéo theo nhiều tranh cãi mà dự án xe đạp Superstrata của Areco do vợ chồng doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang là ví dụ.

Chia sẻ với báo giới, bà Trang cho biết sau tết 2020 bắt đầu đầu tư vào Công ty Arevo - công ty công nghệ thuộc lĩnh vực in 3D với nguyên liệu là carbon fiber tại Thung lũng Silicon.

“Năm 2020, chúng tôi mở nhà máy tại TP.HCM với diện tích 5.500m2 và lắp đặt hệ thống máy in 3D bằng robot với giá trị đầu tư khoảng 20 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Arevo không thể mua được phụ tùng xe đạp theo đúng chuẩn đã thiết kế. Ngoài ra, khi công nghệ máy in 3D vừa lắp ráp xong để đi vào hoạt động thì TP.HCM áp dụng "ba tại chỗ" khiến chi phí tăng mạnh. Khi TP.HCM hết giãn cách thì hầu hết các đơn vị gia công đã đóng cửa vì đại dịch”, bà Trang nói.

Bà Lê Diệp Kiều Trang - Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo bà Trang, sản phẩm chưa kịp thương mại hóa thì thị trường tài chính thế giới bước vào “mùa đông”, nhiều dự án công nghệ bị gãy đổ giữa chừng vì thiếu nguồn vốn đầu tư. Với chỉ số kinh doanh kém khả quan, các nhà đầu tư quyết định không tiếp tục đầu tư và vợ chồng bà Trang cũng không nắm quyền điều hành tại dự án này.

Các quỹ đầu tư bắt đầu thận trọng hơn

Bà Phương Trần, Giám đốc đầu tư Wavemar cho rằng, thời kỳ khó khăn sẽ không kéo dài và startup có thể coi giai đoạn này như một thử thách để củng cố lại nền tảng của công ty cũng như quản lý tài chính nghiêm khắc hơn. Vị này cho rằng các nhà sáng lập nên kiên trì và lạc quan nhưng cũng cần phải thực tế và thận trọng.

"Startup nên xác định lại sứ mệnh doanh nghiệp, tìm cách tối đa hóa doanh thu, kiểm tra lại mô hình, cấu trúc lại chi phí và lên kế hoạch huy động vốn linh hoạt hơn, sẵn sàng đưa ra mức định giá khiêm tốn hơn so với giai đoạn trước đây", bà Phương Trần nói.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam cũng đồng tình rằng tình hình gọi vốn của startup trong thời gian này khó có thể lạc quan, bởi tình trạng thặt chặt tín dụng, lãi suất cao trên toàn cầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đổ vào các startup khi việc đầu tư có sự thận trọng và kỷ luật hơn.

“Khẩu vị rủi ro của các quỹ đã có sự thay đổi so với vài năm trước, dẫn đến việc họ phải thận trọng đầu tư hơn. Giờ đây, các quỹ muốn đầu tư vào các startup tập trung giải quyết bài toán nhu cầu thật lớn và rõ ràng tại thị trường. Theo đó, dịch vụ sản phẩm cung cấp phải là bắt buộc phải có, dù trong bối cảnh khó khăn thì khách hàng vẫn sẵn sàng trả tiền để sử dụng. Ví dụ là các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, ăn uống, nhà ở...

Đặc biệt, theo bà Dung, trong tình hình khó khăn kinh tế nói chung khiến các khách hàng từ cá nhân tới doanh nghiệp, đều gặp thách thức về dòng tiền. Do đó, các sản phẩm dịch vụ có thể hỗ trợ họ “tăng thu - giảm chi” bằng việc gia tăng thêm thu nhập, tối ưu hiệu suất giảm chi phí thì có thể được những khách hàng chào đón sử dụng.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam - Ảnh: NVCC

Bà Dung cũng chia sẻ muốn đầu tư vào đội ngũ sáng lập có năng lực và chiến lược rõ ràng để đạt được PMF (sản phẩm phù hợp với thị trường) cho tới vòng gọi vốn tiếp theo. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chỉ công ty có dấu hiệu đạt được PMF thì mới có thể thuyết phục được các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đã đạt được PMF sẽ có lợi thế rất lớn để thu hút các quỹ đầu tư cũng mở rộng chiếm lĩnh thị trường, trong khi các doanh nghiệp đối thủ đang gặp khó khăn.

“Tôi luôn muốn tìm kiếm những startup có thể phát triển nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày càng ra tăng của thị trường, mang sản phẩm tới khách hàng mục tiêu theo cấp số nhân với chi phí cận biên giảm dần. Ở đó, doanh thu liên tục gia tăng khi startup mở rộng hoạt động kinh doanh, mà không gia tăng thêm quá nhiều nguồn lực, do chi phí sản xuất và vận hành trên từng đơn vị sản phẩm liên tục được tối ưu. Điều này sẽ cho phép các công ty mở rộng quy mô nhanh hơn, hiệu quả hơn trong khi vẫn đảm bảo phát triển lợi nhuận bền vững cần có một công ty phát triển”, bà Dung nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top