Aa

Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam được các định chế tài chính lớn đánh giá cao

Thứ Năm, 23/06/2022 - 10:45

Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn đang được các định chế tài chính lớn đánh giá cao bởi tình hình chính trị ổn định, một Chính phủ nhất quán trong hành động.

Lạm phát tăng cao buộc nhiều ngân lớn như Mỹ, châu Âu, Anh, Hàn Quốc… phải thay đổi chính sách tiền tệ. Điều này có thể kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây đang là những nhận định được hầu hết các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... đưa ra. Vậy trước những sức ép lớn từ bức tranh kinh tế thế giới, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?

Theo các chuyên gia, khoảng 90% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, chỉ 10% là tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó, Việt Nam không tung ồ ạt các gói kích thích tăng trưởng như nhiều quốc gia. Các gói hỗ trợ được giải ngân theo các mức ưu tiên khác nhau như y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ từng nhóm doanh nghiệp. Những gói này nhằm giảm chi phí sản xuất, qua đó kiểm soát được mặt bằng giá cả.

"Có thể thấy kết quả rất tích cực từ những nỗ lực của chính phủ trong điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tối đa những tác động tăng giá đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thông qua các chính sách tài khoá, thay vì bơm tiền trực tiếp ra nền kinh tế", ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.

Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam được các định chế tài chính lớn đánh giá cao. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: "Chúng tôi dự báo Việt Nam có thể ghi nhận mức lạm phát khoảng 3,7% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức trần lạm phát 4% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Nhiều chính sách đòn bẩy, đặc biệt là hỗ trợ giá năng lượng đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, thách thức là không nhỏ khi giá cả vẫn tăng trên toàn cầu".

"Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, tác động từ lạm phát toàn cầu tới kinh tế Việt Nam sẽ chậm hơn các nền kinh tế và chỉ có thể cảm nhận rõ áp lực này sang năm sau 2023", bà Michele Wee - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết.

Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất cơ bản và dự báo tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm cũng đang gây áp lực với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Tỷ giá và lãi suất sẽ là những lĩnh vực chịu sức ép. Đồng USD đang ở mức cao nhất 20 năm sẽ gây tác động tới tỷ giá của nhiều loại tiền tệ, trong đấy có tiền đồng của Việt Nam.

Ông Patrick Lee - Tổng Giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: "Đồng USD mạnh sẽ tác động tới không chỉ tỷ giá mà còn khiến nghĩa vụ trả nợ bằng đồng bạc xanh tăng. Tuy nhiên với dự trữ dồi dào, vốn FDI cam kết lớn sẽ giúp tỷ giá tiền đồng không bị điều chỉnh quá lớn".

Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn đang được các định chế tài chính lớn đánh giá cao. Bởi tình hình chính trị ổn định, một Chính phủ nhất quán trong hành động; đồng tiền Việt Nam ổn định; lạm phát trong tầm kiểm soát; dự trữ ngoại hối cao kỷ lục. Đây sẽ là những tiền đề vững chắc giúp Việt Nam vượt qua những biến động toàn cầu hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top