Sở hữu đất đai là vấn đề hệ trọng được các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học và Nhân dân đặc biệt quan tâm, đặc biệt trong thời điểm Luật Đất đai sẽ được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới công bằng xã hội, hóa giải tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Ngày 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã báo cáo trước Quốc hội kết quả thẩm tra Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, tăng cường cụ thể hóa những vấn đề liên quan đến quyền và cơ chế để người dân thực hiện quyền đối với đất đai.
Kể từ Điều 62 Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1980) với quy định: “Công dân có quyền có nhà ở: Nhà nước mở rộng việc xây dựng nhà ở, đồng thời khuyến khích, giúp đỡ tập thể và công dân xây dựng nhà ở theo quy hoạch chung, nhằm thực hiện từng bước quyền đó. Việc phân phối diện tích nhà ở do Nhà nước quản lý phải công bằng, hợp lý”, đến nay, Việt Nam vẫn có quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân và công dân có quyền có nhà ở dưới sự phân phối đất đai công bằng, hợp lý của Nhà nước. Nghị quyết 18 NĐ/TW ban hành ngày 16/6/2022 cũng bám sát quan điểm này.
Song trên thực tế, do pháp luật đất đai chưa hoàn thiện, những bất công trong việc phân bổ nguồn lực đất đai đang khiến một bộ phận "chủ đất" chưa chạm tay tới giấc mơ có đất, có nhà để ổn định đời sống. Do vậy, câu chuyện sửa luật không nên chỉ dừng lại ở vấn đề bồi thường, tái định cư sau khi thu hồi, mà các quy định về phân phối đất đai cũng cần công bằng để đất đai thực sự là nguồn lực chung của Quốc gia. Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu quản lý lĩnh vực này trong tình hình mới, dư luận cũng mong mỏi việc sửa Luật Đất đai lần này sẽ đảm bảo lợi ích công bằng cho người dân trong việc khai thác nguồn lực đất đai.
Đi sâu vào câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS.LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Sửa Luật để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
PV: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV. Trước hết, luật sư có đánh giá như nào về Luật này sau gần 10 năm triển khai thực hiện?
TS.LS. Đặng Văn Cường: Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 cho thấy công tác quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả tốt hơn trước. Trong những năm qua, đất đai thực sự đã trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt ở nhiều khu vực, nhiều địa phương, cùng với chính sách phù hợp đã góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội. Đất đai trở thành động lực, là nguồn lực để cho nhiều ngành kinh tế phát triển. Nhìn chung, Luật Đất đai 2013 đã trở thành cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh tế xã hội vận hành và phát triển.
Tuy nhiên, hiện nhiều nội dung trong Luật Đất đai 2013 không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trở thành rào cản cho việc phát triển kinh tế, gây khiếu kiện, bức xúc trong dư luận. Việc quy định về giá đất không hợp lý dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất, phát sinh những hệ lụy, tiêu cực trong xã hội. Khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn, có đến trên 70% các vụ việc dân sự, hành chính và có liên quan đến đất đai. Sai phạm trong công tác quản lý đất đai xảy ra ở nhiều địa phương khiến nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí có những cán bộ cấp cao bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước trước Nhân dân. Bởi vậy, sửa đổi bổ sung quy định của Luật Đất đai 2013 là nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ phía Nhà nước lẫn người dân trong giai đoạn hiện nay.
Vừa qua, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã đưa ra những nguyên tắc, định hướng cơ bản, làm cơ sở quan trọng để xây dựng Dự thảo tiến tới sửa đổi Luật Đất đai 2013 trong năm tới đây.
PV: Luật Đất đai được đánh giá là đạo luật quan trọng, phức tạp và có tác động đến mọi mặt trong đời sống và kinh tế - xã hội. Tuy vậy, đây cũng là đạo luật có tần suất sửa đổi khá nhiều. Theo Luật sư, vì sao tính ổn định của Luật Đất đai vẫn còn hạn chế như vậy?
TS.LS. Đặng Văn Cường: Về mặt lý luận thì pháp luật cũng là một trong những hình thái ý thức xã hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Bởi vậy, xã hội thế nào thì pháp luật thế đó. Mặc dù xét về mặt nào đó, pháp luật có tính định hướng phát triển xã hội, tuy nhiên về cơ bản pháp luật luôn lạc hậu hơn đối với tồn tại xã hội. Do đó, không riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều thực hiện việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Mức độ bổ sung nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ ổn định của xã hội hay các quan hệ xã hội. Ngoài ra còn phụ thuộc vào kĩ thuật lập pháp và một số yếu tố khác.
Về tư tưởng chung thì không Nhà nước nào muốn sửa đổi pháp luật, trừ trường hợp luật đó không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì cần sửa đổi để tạo hành lang pháp lý, làm công cụ để Nhà nước quản lý xã hội một cách hiệu quả hơn. Vòng đời của luật có tồn tại lâu dài hay không phụ thuộc vào chính sách có thay đổi hay không, pháp luật có phù hợp với chính sách hay không, có tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội hay không?
Ở Việt Nam, việc ban hành sửa đổi bổ sung các văn bản luật phải phù hợp với hiến pháp. Thực tiễn cho thấy cứ khoảng 10 năm, Việt Nam lại sửa đổi luật một lần. Nghị định, thông tư, các văn bản dưới luật thì khoảng 3 - 5 năm sửa đổi một lần. Điều này cho thấy xã hội Việt Nam đang có sự phát triển, chuyển biến mạnh mẽ các quan hệ xã hội. Điều kiện kinh tế - xã hội cũng có nhiều biến động dẫn đến đòi hỏi cần phải có những chính sách phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là nhu cầu, đòi hỏi có tính chất tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến khi nào xã hội phát triển đến một mức độ nhất định, các quan hệ xã hội ổn định, trình độ quản lý kinh tế, quản lý xã hội được nâng cao thì chính sách sẽ ít thay đổi hơn và các văn bản quy phạm pháp luật cũng sẽ ổn định hơn. Bởi vậy, việc sửa đổi luật vào thời điểm này là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của Nhà nước và nhân dân hiện nay.
PV: Như vậy, sửa Luật Đất đai không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước về đất đai, mà quan trọng hơn là đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong việc sử dụng hợp lý, công bằng nguồn lực từ đất đai. Liệu lần sửa đổi này có tạo ra bước đột phá trong việc giải quyết những bất công về đất đai thời gian qua, thưa Luật sư?
TS.LS. Đặng Văn Cường: Sửa Luật Đất đai cần nhìn nhận trên hai khía cạnh. Một là, vấn đề liên quan đến quản lý vĩ mô, quản lý đất đai với tư cách là công sản Quốc gia, là tài nguyên quý giá và hữu hạn, là chủ quyền lãnh thổ, là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Hai là, đất đai cũng là nguồn lực, tài sản chung để người dân và doanh nghiệp cùng sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường để đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất. Việc xác định giá đất vừa phải đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, đồng thời tăng thu thuế, phí và lệ phí từ đất cho Nhà nước.
Sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ cởi trói cho doanh nghiệp trong việc thuê đất, nhận sử dụng đất để triển khai các dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời rõ ràng minh bạch về thẩm quyền và trình tự thủ tục giao đất tránh những hệ lụy tiêu cực phát sinh khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Khi giá đất được quy định phù hợp với giá thị trường thì người có đất bị thu hồi sẽ vui vẻ, thoải mái, hợp tác với chính quyền trong việc bàn giao đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Nghị quyết 18 - NQ/TW như là "ngọn đuốc soi đường", làm căn cứ để Quốc hội thông qua, biến những tư tưởng của Nghị quyết trở thành các quy phạm pháp luật, làm hành lang pháp lý trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2023 sẽ là văn bản pháp lý quan trọng để đất đai không còn là vấn đề nóng bỏng, không còn là cơ hội để tham nhũng của một số cán bộ thoái hóa biến chất, không còn những con số thống kê về những vụ việc khiếu kiện hành chính. Mục tiêu cao nhất là để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, mang lại lợi ích công bằng cho chính chủ sở hữu đất đai là nhân dân.
Quan tâm đến lợi ích người dân ngay trong từng chính sách cụ thể
PV: Dư luận thực sự kỳ vọng lợi ích công bằng cho chính chủ sở hữu đất đai là Nhân dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng, chương II Dự thảo Luật quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân với đất đai dành tới 16 Điều để quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, nhưng chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân là rất ít, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
TS.LS. Đặng Văn Cường: Đúng là chương II, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có tới 16/18 điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý đất đai với tư cách là đại diện chủ sở hữu. Điều này cho thấy công tác quản lý đất đai được quan tâm nhiều hơn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý đất đai được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đây cũng là cơ chế đảm bảo quyền của người sử dụng đất, quyền của công dân trong mối quan hệ hành chính về đất đai.
Nội dung quy định ở chương này là cơ sở để Nhà nước đưa ra các chính sách về đất đai, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, quy định trách nhiệm trong việc phân cấp, phân quyền quản lý đất đai và các cơ chế để đảm bảo cho việc sử dụng đất hiệu quả là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy thiết kế số điều luật quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai là phù hợp.
Tuy nhiên, quyền lợi của người dân với tư cách là chủ sở hữu đất đai cần được cụ thể hóa hơn nữa. Đáng mừng là báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi đã đề cập đến chương II, đề nghị rà soát bảo đảm phân biệt rõ giữa quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai với quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý. Trong đó cần quan tâm đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quy định rõ hơn nội hàm các quyền và cơ chế để công dân thực hiện quyền đối với đất đai.
PV: Thực tế, quyền lợi về đất đai luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân và qua nhiều lần sửa luật, vẫn có nhiều kẽ hở gây thiệt hại cho người sử dụng đất cũng như chưa nổi bật được vai trò chủ sở hữu đất đai của người dân. Trong lần sửa đổi này, chính sách nào liên quan đến lợi ích người dân cần xem xét, thưa luật sư?
TS.LS. Đặng Văn Cường: Thứ nhất là vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng, đang quy định tại điều 62 Luật Đất đai 2013. Trong quá trình nghiên cứu pháp luật về đất đai cũng như thực tiễn hành nghề bảo vệ quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất thì chúng tôi thấy rằng, ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng lợi dụng Điều 62 Luật Đất đai 2013 để thu hồi đất vô tội vạ, sau đó giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền, gây ra bất bình đẳng trong việc sử dụng đất. Dư luận bức xúc, khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi dẫn đến mất an ninh trật tự, suy giảm niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Trước đây, Luật Đầu tư còn quy định hình thức BT dẫn đến nhiều địa phương lợi dụng quy định này “đổi đất lấy hạ tầng”. Theo đó doanh nghiệp có thể đầu tư để làm một đoạn đường hoặc một công trình công cộng phúc lợi nào đó rồi bàn giao cho địa phương. Đổi lại, chính quyền không có nguồn kinh phí để chi trả nên đã thu hồi đất của nhiều hộ dân để giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp phân lô bán nền với giá rất cao, trong khi đó đơn giá bồi thường thì quá thấp. Việc không quy định rõ ràng thế nào là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng dẫn đến tình trạng nhiều địa phương lợi dụng quy định này để lấy đất của người dân, sau đó giao cho doanh nghiệp theo hình thức BT.
Thứ hai, vấn đề quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi, trong đó có quyền lợi giá trị bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư. Luật Đất đai vẫn quy định giá bồi thường phải sát với giá thị trường nhưng thực tế không đủ cơ chế để đảm bảo cho việc này dẫn đến người có đất bị thu hồi bị thiệt thòi, thậm chí họ không đồng ý bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng đất.
Nghị quyết 18 - NQ/TW của BCH TW quy định quyền lợi của người sử dụng đất sau khi bị thu hồi đất phải được đảm bảo, theo đó bỏ khung giá đất để địa phương lập giá đất phù hợp với giá thị trường. Đồng thời, quy định điều kiện đời sống của người dân sau thu hồi đất, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn điều kiện sống trước đây. Khi giá đất mà Nhà nước thu hồi bằng với giá thị trường, quyền lợi điều kiện tái định cư tốt hơn chỗ ở hiện tại thì người dân sẽ sẵn sàng bàn giao đất, sẵn sàng hợp tác phối hợp tối đa với chính quyền. Các dự án sử dụng đất được đưa vào triển khai nhanh chóng bởi khi đó đã hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Nội dung quy định, định hướng này trong Nghị quyết 18 cần phải được thể chế hóa thành những điều luật cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng vào đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Nếu thực hiện được điều này thì vấn đề khiếu kiện hành chính về đất đai khi Nhà nước thu hồi sẽ giảm đi rất nhiều, đảm bảo công bằng xã hội và giảm bớt những hệ lụy, tiêu cực xã hội khi thực hiện thủ tục thu hồi đất.
PV: Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này cũng đề cập vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Luật sư đánh giá thế nào về những nội dung này?
TS.LS Đặng Văn Cường: Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), báo cáo thẩm tra đã đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 97), báo cáo đề nghị định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đồng thời, đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có đất thu hồi.
Đối với vấn đề tái định cư (Mục 4 Chương VII), báo cáo đề nghị bổ sung nguyên tắc tái định cư phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; quy định cụ thể hơn về mức độ hoàn thành dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Về cơ bản, đây là những lưu ý quan trọng và nếu được luật hóa tốt sẽ đảm bảo được lợi ích của người dân khi Nhà nước thu hồi đất đai.
PV: Ngoài ra, để hạn chế tối đa những bất cập đang tồn tại, theo Luật sư, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này cần lưu tâm vấn đề gì?
TS.LS. Đặng Văn Cường: Về cơ bản Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã lĩnh hội được các quan điểm tư tưởng định hướng trong Nghị quyết 18 - NĐ/TWcủa BCH Trung ương. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận sâu hơn, có kỹ thuật soạn thảo tốt hơn để dễ hiểu, dễ áp dụng.
Trong đó, vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải quy định cụ thể hơn nữa, có sự phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm trong công tác quản lý để dễ áp dụng và quy trách nhiệm nếu sai phạm. Việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi cần hướng đến chuyển đổi số, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý đảm bảo công khai minh bạch, công bằng dễ quản lý và dễ kiểm soát.
Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được quy định cụ thể sẽ dẫn đến tùy tiện, dẫn đến cơ chế xin cho, bất bình đẳng trong xã hội, nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.
Thời gian qua, có không ít những vụ việc “chảy máu” đất công, bất cập trong công tác quản lý tài sản công, quản lý đất đai công sản dẫn đến nhiều cán bộ lợi dụng biến đất công thành đất tư để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận. Việc cấp những dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ, đất quốc phòng sang đất thương mại khiến nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho thấy vấn đề về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, về thẩm quyền giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất cần phải có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nữa trong lần sửa đổi này.
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, đất quốc phòng, an ninh, vừa rồi báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai đã đề nghị rà soát một số vấn đề như đưa ra tiêu chí xác định 3 khu vực: “khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt”, “khu vực cần giữ ổn định”, “khu vực phát triển theo nhu cầu cấp quốc gia”; quy định tiêu chí xác định “khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”, làm rõ mối quan hệ giữa khu vực này với khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đồng thời, xác định sự cần thiết xây dựng bộ bản đồ và cơ sở dữ liệu đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh.
Về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 76), báo cáo đề nghị cân nhắc bổ sung việc công khai bộ bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong nội dung lấy ý kiến Nhân dân; quy định cụ thể trách nhiệm giải trình và công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân; quy định một tỷ lệ tán thành cụ thể của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm điều kiện để trình Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định về cơ chế giải quyết trong trường hợp người bị tác động bởi quy hoạch không đồng ý với giải trình của cơ quan lập quy hoạch. Đây là những lưu ý hết sức quan trọng cho ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện để Luật Đất đai sửa đổi sớm thông qua.
- Xin cảm ơn luật sư!