Aa

Sửa đổi Nghị định 20: Mòn mỏi chờ giải oan, doanh nghiệp kiệt quệ

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Bảy, 07/03/2020 - 14:40

Trong thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước dịch Covid-19, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 mà không cho phép hồi tố sẽ càng đẩy doanh nghiệp vào khó chồng khó.

Chấp hành nghiêm chỉnh thì... chịu oan

Năm 2017, Nghị định 20 chính thức ra đời với kỳ vọng chống hành vi gian lận chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Nhưng, trái với kỳ vọng đó, Nghị định 20 đã vô tình khiến không ít doanh nghiệp nội phải lao đao khi Khoản 3 Điều 8 quy định khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% EBITDA. Quy định này đã làm nảy sinh nhiều vướng mắc bất cập tạo gánh nặng chi phí không đáng có cho nhiều tập đoàn, tổng công ty có hoạt động trung chuyển vốn, cho vay lại giữa các thành viên trong tập đoàn.

Sau nhiều kiến nghị và thắc mắc của doanh nghiệp, cuối cùng, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20. Theo đó trần lãi vay ròng (lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) được nâng từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ - tức 30% EBITDA nhưng không bao gồm lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh chính.

Thế nhưng, một trong những điểm được mong chờ nhất, đó là việc cho phép hồi tố áp dụng quy định này cho kỳ tính thuế 2017 và 2018, tức từ thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực, thì tại Tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20, Bộ Tài chính đề xuất chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi, không cho phép hồi tố cho các năm trước.

Như vậy, rõ ràng, đối với những doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật theo Nghị định 20 đã phải “chịu oan” khoản thuế lớn trong 2 năm: 2017 và 2018.

Những khó khăn của doanh nghiệp càng trở nên chồng chất khi tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bởi với số tiền thuế đã nộp cho các năm trước được hoàn về hoặc bù trừ nếu áp dụng hồi tố, doanh nghiệp sẽ giảm bớt những khó khăn về tài chính đang gặp phải.

Điển hình như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), với kỳ vọng sẽ được hồi tố và hoàn về số tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, doanh nghiệp này đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20.

Tuy nhiên, nếu quy định của Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 chỉ cho áp dụng từ năm 2019 mà không cho phép hồi tố cho các năm 2017, 2018, nghĩa là HAGL sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, gánh nặng tài chính của HAGL càng gia tăng.

Không ít doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng như HAGL khi hàng trăm tỷ đồng thuế đã nộp đang chờ  được hoàn về với quy định cho phép hồi tố từ năm 2017.

Bộ Tài chính "bỏ lơ" doanh nghiệp khi gặp khó

Theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, ngay từ thời điểm ban hành, Nghị định 20/2017/NĐ-CP chỉ nên điều chỉnh các đối tượng là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, tránh thuế từ các công ty đa quốc gia (mà nổi bật nhất là hoạt động chuyển giá của Coca Cola). Tuy nhiên, Nghị định này lại được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp khiến cho một phần chi phí lãi vay hợp lý, hợp lệ của các doanh nghiệp bị trừ ra khỏi chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước bản Dự thảo của Bộ Tài chính với nội dung gạt bỏ việc hồi tố cho năm 2017, 2018, luật sư Hồi nhấn mạnh: “Nghị định 20 ban hành từ năm 2017, giờ có hướng điều chỉnh thì phải được tính toán điều chỉnh phù hợp từ thời điểm nó có hiệu lực. Nếu chỉ áp dụng từ 2019 thì vẫn còn 2 kỳ thuế của năm 2017, năm 2018 bị áp trần lãi vay 20% EBITDA”.

Như vậy, khi áp dụng từ kỳ tính thuế 2019, việc sửa đổi đang nửa vời vì Nghị định này có hiệu lực từ 2017 nên doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi 2 kỳ tính thuế 2017, 2018.

“Trường hợp Bộ Tài chính gạt bỏ quy định hồi tố đối với kỳ tính thuế 2017, 2018 thì sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn do một phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định của Nghị định 20 bị loại trừ khỏi chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải nộp thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp” – luật sư Hồi nhấn mạnh.

Cũng theo vị luật sư này, “trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lâm vào trình trạng khó khăn, phía cơ quan Nhà nước nên có động thái "giải cứu doanh nghiệp", người mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động với các giải pháp như miễn, giảm thuế, cho phép giãn thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, đơn giản hoá thủ tục hành chính... Tuy nhiên, với việc Bộ Tài chính đề xuất chỉ áp dụng Nghị định sửa đổi này từ kỳ tính thuế 2019 thì cá nhân tôi cho thấy phía cơ quan Nhà nước chưa đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay”.

“Việc lập pháp có thể có sai sót khi ban hành, tuy nhiên việc sửa đổi phải mang tính chất triệt để. Sai từ năm 2017 thì việc áp dụng hồi tố cũng phải áp dụng từ năm 2017, sai ở đâu thì phải sửa ở đó” - luật sư Hồi khẳng định. 

Đồng quan điểm đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, Nghị định 20 có hiệu lực từ năm 2017 thì phải áp dụng hồi tố trong hai năm 2017 – 2018. Phương án mà TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra, những doanh nghiệp đã bị thu thuế nên cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hằng năm. “Về dài hạn, Bộ Tài chính cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định này đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà không phải áp dụng chung cho doanh nghiệp nội”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top