Aa

Sửa Luật Đầu tư công: Nguy cơ Thủ tướng phải duyệt quá nhiều dự án

Thứ Bảy, 23/02/2019 - 14:00

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng quy định tại dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ dẫn đến việc Chính phủ, Thủ tướng phải xem xét, quyết định quá nhiều dự án.

Sửa Luật Đầu tư công: Nguy cơ Thủ tướng phải duyệt quá nhiều dự án

Sửa Luật Đầu tư công: Nguy cơ Thủ tướng phải duyệt quá nhiều dự án

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa có báo cáo “Phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lí một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” (gọi tắt là dự thảo luật).

Chính phủ và Thủ tướng “thêm việc”

Theo báo cáo, khoản 2, khoản 3 Điều 17 của dự thảo luật đã quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chương trình đầu tư công, dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương.

Điểm c khoản 6, 7 Điều 17 của dự thảo quy định: Trường hợp chương trình sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp quản lý khác nhau, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp cao nhất có vốn thuộc cấp mình quản lý tham gia đầu tư chương trình, dự án quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.

Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng quy định này sẽ dẫn đến các chương trình, dự án sử dụng “một phần vốn ngân sách trung ương” đều phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Điều này có thể dẫn đến có quá nhiều dự án cần phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, báo cáo của Ủy ban nhấn mạnh.

Tương tự như Chính phủ, HĐND, UBND cấp tỉnh cũng phải xem xét, quyết định khá nhiều dự án do địa phương quản lý.

Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng cần phân cấp mạnh hơn và tạo tính chủ động cho các cấp quản lý ngân sách ở địa phương. Theo đó, các dự án hỗn hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương và nguồn “thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương” do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Tranh cãi việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng

Hiện có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định tại khoản 6 Điều 5 dự thảo luật vì cho rằng không nên tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án độc lập.

Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 6 chưa rõ ràng, chưa làm rõ được thế nào là quan trọng và quy mô thế nào thì được tách thành các dự án thành phần.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng việc quy định về dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa hợp lý.

“Nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng ‘dự án treo’, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân

“Đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định”, Ủy ban Tài chính ngân sách nêu quan điểm.

Do đó, Ủy ban cho rằng không quy định dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là dự án đầu tư công độc lập. Trong trường hợp dự án đặc biệt cần thiết, Chính phủ có thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định song dự thảo luật cần quy định những điều kiện, tính đặc thù của loại dự án này.

Tiêu chí vốn của dự án quan trọng quốc gia: Chỉ nên tăng 50%

Đối với việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

Các ý kiến này cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến khác lại đề nghị có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Tại Ủy ban Tài chính ngân sách, khá nhiều ý kiến cho rằng thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, để luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, Ủy ban đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng.

Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, Ủy ban đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của dự thảo luật.

Về phía cơ quan soạn thảo, cơ quan này đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng.

Trình Quốc hội quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là không khả thi?

Một nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là việc trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án cụ thể.

Cơ quan soạn thảo dự luật cho rằng việc trình Quốc hội xem xét, quyết định danh mục cụ thể từng dự án cho cả kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm là không khả thi. Cơ quan soạn thảo đề nghị quy định thẩm quyền quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch là của Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề này, các ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách chưa tán thành với quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nguyên do là việc giao quyền này chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước; chưa bảo đảm với tính thống nhất các văn bản luật hiện hành về nội dung này (Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 26/2016/QH14 và Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội).

Bên cạnh đó, hiện nay Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử. Quốc hội quyết định phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

“Việc phân bổ nguồn lực đầu tư công cho cả giai đoạn 5 năm là vấn đề rất lớn, tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn lớn của ngân sách nhà nước, có ý nghĩa quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn; không chỉ đơn thuần là vấn đề điều hành của Chính phủ. Do vậy, phải được cơ quan dân cử xem xét thận trọng”, báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top