Aa

Sức hút mạnh mẽ của thị trường địa ốc Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài

Hoàng Trang
Hoàng Trang hoangtrang.98ajc@gmail.com
Thứ Hai, 22/11/2021 - 06:15

Vốn đầu tư FDI rót vào thị trường bất động sản vẫn duy trì thứ hạng trong bối cảnh dịch Covid-19, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại với thị trường Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt.

Những năm qua, Việt Nam được coi là địa điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn vốn nước ngoài. Trong bối cảnh dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát, thị trường bất động sản chịu không ít những tác động, các nguồn vốn FDI cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chứng kiến những dấu hiệu tích cực và được ghi nhận là đang trên đà phục hồi, phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đầu năm theo hình thức đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 (2,12 tỷ USD, chiếm 9%) với 44 dự án được cấp mới, số lượt góp vốn mua cổ phần là 94 thương vụ, đạt gần 912 triệu USD. 

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản có sự tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 10 năm 2021 từ (0,6 tỷ USD đến 2,12 tỷ USD). Theo đó, vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo quý.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đây chỉ là mức tăng nhẹ tuy nhiên đã cho thấy đà tăng trưởng của dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại sau quãng thời gian bị đứt gãy do tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Và Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản. 

Thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm đang bước vào đà phục hồi và có triển vọng bật tăng trở lại sau thời gian bị "nén chặt" do dịch bệnh. Trong bối cảnh này, vốn FDI trở thành nguồn vốn hỗ trợ lớn, giúp phát triển thị trường, hồi sinh một số dự án bất động sản đang bị ngưng trệ.

Để rõ hơn về sức hấp dẫn của thị trường địa ốc Việt Nam trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong. 

PV: Mặc dù dịch Covid bùng phát, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI vẫn tăng trưởng dương trong quý III/2021, trong đó bất động sản vẫn nằm trong những ngành thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nhất, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Từ trước đến nay, bất động sản luôn được coi là một lĩnh vực nóng trong thu hút đầu tư FDI và thường xếp vị trí sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Việc năm nay bất động sản vẫn duy trì thứ hạng trong nhóm đầu không phải là điều quá bất ngờ. 

Một phần do thị trường bất động sản Việt Nam vẫn giữ được phong độ nhờ vào sự ổn định về chính trị vững chắc, đoàn kết và sự quyết tâm phòng chống, khống chế dịch Covid-19.

Thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt các nhân tố, bao gồm: Sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng trưởng áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.

Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

PV : Ông có thể phân tích rõ hơn những yếu tố đang tạo nên sự hấp dẫn của bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư FDI?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay, các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tích cực đổ vào đầu tư tại Việt Nam bởi Việt Nam có nhiều yếu tố vẫn duy trì được sức hút với các nhà đầu tư FDI.  Đó là quy mô dân số lớn và số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện ở nhóm thấp nhất Đông Nam Á, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thị thực.

Mặt khác, so với các nước trên thế giới, giá đất ở Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ, nhờ đó các nhà đầu tư có thể cân đối chi phí để gia tăng hiệu quả đầu tư. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thu hút đầu tư.

Ngoài ra, vị trí địa lý đắc địa, môi trường chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục và việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự không chế thành công Covid-19 của Việt Nam là những điểm cộng lớn để thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.

Hơn nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI công nghệ cao trong xu hướng tăng cường dịch chuyển đầu tư, tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với phương châm mở cửa để đón dòng vốn vừa thận trọng vừa một cách cởi mở, do đó, Việt Nam trở thành vị trí lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài thường tự lập và xây dựng dự án, nhưng nay, họ đang có xu hướng lựa chọn hợp tác, "bắt tay" với các đơn vị trong nước. Theo ông, tại sao có sự thay đổi này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, một trong những lý do dẫn tới sự thay đổi này, đó là thủ tục hành chính của nước mình còn lằng nhằng, phức tạp khiến các doanh nghiệp trong nước đôi khi còn gặp vướng mắc, khó khăn nên với các nhà đầu tư nước ngoài lại càng không dễ dàng. Việc hợp tác với các đơn vị uy tín trong nước sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả cao hơn, hạn chế được những rủi ro có thể xảy đến. 

Hình thức đầu tư khá phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam hiện nay là đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam có lợi thế về quỹ đất ở những vị trí tốt nhưng có thể thiếu vốn hoặc kinh nghiệm triển khai, do đó, nếu bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như tạo ra được những dự án chất lượng với sự đầu tư thực chất mà đôi bên cùng có lợi. 

PV: Theo ông, trong thời gian tới, phân khúc nào của thị trường bất động sản sẽ là "vùng trũng" hút vốn đầu tư FDI? 

TS. Nguyễn Minh Phong: Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất trên thế giới, tôi cho rằng, vốn đầu tư trên thị trường bất động sản sẽ hội tụ và gia tăng ở phân khúc bất động sản công nghiệp, bao gồm hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng, logistics... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam lúc này cần có sự chuẩn bị để đón đầu cơ hội. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thời gian tới kỳ vọng sẽ có sự đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài. Trên thực tế, các mô hình mới về khu công nghiệp gắn liền với phát triển đô thị và dịch vụ cũng đang dần hình thành. 

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ cho các đối tượng nhà đầu tư nước ngoài và khách quốc tế. Những dự án phát triển hạ tầng du lịch có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng cung ứng dịch vụ, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững,… dự báo sẽ thu hút đầu tư rất lớn trong thời gian tới. Nhất là khi, ngành du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam nhiều khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác do đạt được yếu tố an toàn nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, hơn nữa lại có khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.

Ngoài ra, những bất động sản của doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, các khu đất của xã, đất công tạo vốn của các địa phương cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. 

bất động sản công nghiệp
Bất động sản công nghiệp thu hút dòng vốn FDI (Ảnh minh họa)

PV: Theo ông, làm thế nào để thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng?

TS Nguyễn Minh Phong: Về việc thu hút nguồn vốn FDI, nói chung cần phải thực hiện đúng theo nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Để không bỏ lỡ cơ hội tăng thu hút FDI chất lượng cao, chúng ta cần xây dựng đồng bộ các tiêu chí về dự án FDI phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu hướng khoa học công nghệ thế giới, tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện quản lý một số khu công nghiệp trọng điểm dành cho tiếp nhận các dự án FDI quan trọng.

Đồng thời, cần có tư duy mới, với cách làm mới, đáp ứng đúng, nhanh hơn, tốt hơn yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn. Chúng ta nên lựa chọn những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, thương hiệu đầu tư bài bản, đặc biệt là đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp chất lượng cao. Không để xảy ra tình trạng hối lộ, tham nhũng đất đai, đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, ăn xổi.

PV: Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp FDI đang rút dần ra khỏi thị trường Việt Nam, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Cho thấy, việc cởi mở thu hút các nhà đầu tư là một chuyện, nhưng làm sao để chúng ta có thể giữ chân được các nhà đầu tư và tạo ra hiệu lực lại là một chuyện khác?

TS Nguyễn Minh Phong: Chuyện rút ra khỏi thị trường là chuyện bình thường trong quá trình dịch chuyển kinh doanh, một số doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng của họ, các doanh nghiệp Việt Nam bị giãn cách do ảnh hưởng của Covid-19, do đó, họ muốn ổn định thì phải chuyển đổi sản xuất. Về cơ bản các doanh nghiệp vẫn ở lại và vẫn quyết định ở lâu dài tại Việt Nam

Để có thể giữ chân được các nhà đầu tư, cần thường xuyên bám sát tình hình thị trường, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19, đưa ra những giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản.

Chúng ta cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bất động sản khu công nghiệp để cho các nhà đầu tư đầu tư có các định hướng đúng, cũng như để họ điều chỉnh sao cho hợp lý. Biến các nhu cầu đầu tư mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Việt Nam thành cơ hội thu hút các dự án FDI chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cắt giảm chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại giá rẻ, kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.

Mặt khác, cần tăng tính công, khai minh bạch các thông tin cũng như tăng cường cơ chế quản lý, giám sát để đảm bảo hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả, dựa trên thượng tôn pháp luật, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, bền vững của thị trường. 

- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top