Aa

Tại sao hồ nước thường được xây hình bán nguyệt?

Thứ Tư, 01/12/2021 - 06:15

Ở nhiều công trình kiến trúc, nhất là công trình công cộng hay tôn giáo, trong khuôn viên thường có các hồ hình bán nguyệt. Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao lại là hình bán nguyệt mà không phải là hình dạng khác?

Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng…

Trong kiến trúc ngôi nhà truyền thống của người Việt, mô hình: Nhà + sân + vườn + ao hồ đã trở thành “công thức vàng” từ xa xưa đến nay. Ngôi nhà là để ở hoặc thực hiện các công năng khác như thờ cúng, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng (như đền, chùa, miếu, phủ…) hay là nơi sinh hoặc cộng đồng (như đình).

Sân vừa là khoảng không gian thoáng trước nhà, vừa là nơi phơi phóng nông sản, cũng là không gian sinh hoạt chung vào buổi chiều, buổi tối hay những khi gia đình có công việc như đám cưới, đám giỗ… Vườn vừa là nơi để trồng rau xanh, cây ăn quả phục vụ cho đời sống thường nhật, vừa là khoảng không gian cây xanh trước nhà tạo cảnh quan và sự hài hòa về môi trường. Đặc biệt, những gia đình hay khuôn viên rộng rãi thường có thêm ao, hồ vừa là nơi thả cá, thả rau bèo để chăn nuôi lợn gà, vừa tạo không gian thoáng, có tác dụng điều hoà nhiệt độ, nhất là về mùa hè.

Những yếu tố cấu thành trong mô hình trên đều có tác dụng riêng của mình và đặt trong tổng thể lại tương tác với các yếu tố khác tạo ra tiểu khí hậu hài hòa, môi trường trong lành cho mỗi ngôi nhà và tổng hợp lại sẽ tạo ra môi trường trong lành cho một quần thể làng xóm và cộng đồng dân cư. Nhất là ao hay hồ nước không những có tác dụng về môi trường mà còn có ý nghĩa rất lớn về phong thủy.

Phong thủy, hiểu nôm na là gió và nước. Gió do thiên nhiên tạo ra, nhưng con người có thể tác động để điều chỉnh luồng gió mạnh yếu hay hướng gió thổi. Nước cũng do thiên nhiên tạo ra nhưng con người cũng có thể tự tạo ra môi trường nước như đào ao, đào giếng, đào mương dẫn nước hay nắn dòng chảy của sông suối. Bản chất của phong thủy là Khí. Khí mang năng lượng tự nhiên của trời đất và cả năng lượng của con người tác động đến mọi vật, trong đó có con người sống cùng ảnh hưởng của Khí.

Trong phong thủy lại có một nguyên lý căn bản là “Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng”; tức là gió làm cho Khí tản đi và di chuyển theo gió, nhưng khi gặp nước thì Khí sẽ tụ lại. Khí muốn tác động đến con người thì cần phải tụ, do đó nước là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nước giúp cho Khí dừng, Khí tụ. Điều đó giải thích vì sao người xưa chọn đất làm nhà, lập làng hay rộng hơn là lập kinh đô, lập nước thường chọn nơi có nguồn nước.

Trong các công trình ở phạm vi nhỏ, nếu không có sẵn nguồn nước thì con người tạo nguồn nước nhân tạo bằng cách đào giếng, ao, hồ và các nguồn nước này trong phong thủy gọi là điểm tụ thủy hay tụ Khí, có người còn gọi là tụ tài lộc. Đặc biệt ở các công trình tôn giáo như đình, chùa, phủ… nơi thường có dòng Khí rất mạnh, hầu hết đều có hồ nước phía trước hay ít nhất cũng có giếng nước. Tuy nhiên, có một điều ít ai để ý, đó là hình dạng của những hồ nước. Có công trình xây hồ hình tròn, có công trình xây hồ hình vuông hay chữ nhật, nhưng hình dạng phổ biến nhất vẫn là hồ hình bán nguyệt.

Tại sao lại như vậy?

Tại sao hồ nước thường được xây hình bán nguyệt?

Hồ bán nguyệt xuất hiện rất nhiều đến mức trở thành phổ biến. Có thể kể như trong quần thể Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thì ngay trước phủ Tiên Hương (phủ chính) và ngoài ngọ môn phủ Vân Cát cũng đều có hồ nước được xây hình bán nguyệt. Hay chùa Côn Sơn ở Chí Linh, Hải Dương trước cổng tam quan qua một khoảng sân ra phía ngoài cũng là một hồ hình bán nguyệt rất rộng. Ngay như chùa Hà ở phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội giữa nơi đất chật người đông, đi qua cổng vào chùa ta cũng bắt gặp ngay một hồ bán nguyệt với vườn cây xanh mát… Có thể nói, những công trình tôn giáo có hồ xây hình bán nguyệt thật không kể xiết.

Ngay cả các công trình tư gia của các quan hay những nhà khá giả ngày trước cũng thường có hồ bán nguyệt. Hình ảnh “hồ bán nguyệt” đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của sự giàu sang và lịch lãm:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

                                      (Ca dao)

Hay:

Em đi kiếm gạch Bát Tràng

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

Hồ tiên đâu phải hồ trần

Em không thả cá mà thuần thả thơ

Đi không hẹn chị đừng chờ

Xây hồ đủ gạch em thơ chị về…

(Xây hồ bán nguyệt – Nguyễn Bính)

Vậy tại sao hồ nước trong các khuôn viên lại thường xây hồ bán nguyệt? Có nhiều cách lý giải khác nhau về điều này khi đứng ở các góc độ khác nhau như kiến trúc, văn hóa hay Kinh Dịch… Ngay về phong thủy cũng có nhiều cách giải thích về điều này, trong đó có hai lý do chính là để tụ Khí và trừ tà.

Như trên đã nói, nguyên lý quan trọng trong phong thủy là Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng. Vì vậy, hồ nước là điều kiện để cho Khí dừng. Tuy nhiên đó mới là điều kiện cần, phải có điều kiện đủ nữa thì Khí mới tụ, đó là nước phải có thế cuộn lại, trong phong thủy gọi là “long hồi đầu”, chứ không chảy thẳng. Nếu nước theo mạch chảy xuôi như ở đoạn sông thẳng, Khí sẽ theo dòng nước chảy đi mất. Nhưng nếu ở vào khúc sông cong, uốn khúc, nước đang chảy thẳng sẽ cuộn lại, Khí sẽ theo đó mà tụ lại thành huyệt.

Lại nữa, ở khúc sông cong, nước sẽ chảy xói vào bờ cong phía ngoài tạo thành bên lở, rồi mang đất cát lắng lại bờ cong phía trong tạo thành bên bồi. Bên lở sẽ sinh ra sát khí có hại, còn bên bồi sẽ sinh ra sinh khí có lợi cho con người và vạn vật. Vì thế, người xưa thường chọn thế đất ở chỗ sông uốn khúc để lập làng, làm nhà và thường chọn ở phía bên bồi để đón được sinh khí. Chính vì thế mà có câu “bồi ở, lở đi”.

Điều đó lý giải, người ta thường xây hồ hình bán nguyệt thực chất là mô phỏng theo hình dạng của khúc sông cong với bên lở là phía vòng cung và bên bồi là cạnh thẳng của dây trương cung, để cho Khí tụ lại và tạo thành sinh khí cho khu đất. Cũng vì lẽ đó mà bao giờ hồ bán nguyệt cũng hướng đường vòng cung là bên lở ra phía ngoài, cạnh thẳng là bên bồi ở phía trong để đặt công trình chính là ngôi nhà vào đúng huyệt vị để được hưởng sinh khí.

Mặt khác, hồ bán nguyệt lại có hình như một cánh cung với cạnh thẳng là dây cung và cung tròn là cánh cung để đặt mũi tên, nên trong phong thủy nó cũng được dùng để trừ tà khí. Cánh cung hướng mũi tên ra bên ngoài sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma và ngăn chặn sát khí nói chung, bảo vệ an toàn cho ngôi nhà. Cũng vì ý nghĩa đó mà người ta không bao giờ xây hồ bán nguyệt hướng cánh cung vào phía trong, vì nếu hướng vào trong chính là lại “bắn mũi tên” vào chính ngôi nhà của mình, tạo xung sát và gây chết chóc cho gia chủ.

Từ nguyên lý này, không những khi xây hồ mà kể cả khi xây dựng công trình hoặc sắp đặt bất cứ đồ vật gì có hình bán nguyệt hoặc hình cánh cung trong khuôn viên hay nội thất, bạn cũng cần hết sức chú ý phải hướng cánh cung ra bên ngoài, tuyệt đối không hướng vào trong nhà, khuôn viên hay nơi con người làm việc, ngủ nghỉ như giường ngủ, bàn làm việc… để tránh lợi bất cập hại/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top