Aa

Dự thảo Nghị định mới: Tăng mức xử phạt đến 1 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản

Thứ Năm, 05/08/2021 - 09:00

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự thảo nghị định quy định một số điểm mới về mức phạt tiền, phù hợp với một số quy định đã ban hành.

Tăng mức xử phạt phù hợp với quy định đã ban hành

Theo đó, nội dung của Chương I quy định những vấn đề chung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền tối đa, thời hiệu xử phạt, đã tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 300 triệu lên đến 1 tỷ đồng (Điều 3) cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Nội dung của Chương II quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng, các hành vi được rà soát, đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định 10/2021/NĐ-CP, Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng…

Dự thảo bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công xây dựng công trình đối với các hành vi vi phạm về khởi công; bổ sung xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; bổ sung trường hợp xây dựng công trình không đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt mà đang thi công thì thực hiện thủ tục xin điều chỉnh thiết kế trong vòng 90 ngày…

chung cư xây trái phép
Những trường hợp như chung cư C1-CT thuộc Dự án An Lạc Green Symphony xây dựng khi chưa có giấy phép sẽ chịu tác động như thế nào từ dự thảo mới?

Nội dung Chương IV quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Nghị định 79/2009/NĐ-CP, Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP…

Dự thảo bổ sung một số hành vi như: Thiết kế xây lắp, bảo trì, sử dụng và kiểm tra các thiết bị của khách hàng sử dụng nước được đấu nối vào mạng lưới cấp nước không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; không thông báo kịp thời cho các khách hàng sử dụng nước có biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước; không thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời hoặc biện pháp cấp nước tạm thời không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian khắc phục sự cố; không xử lý hoặc xử lý nước thải trong nghĩa trang không đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định; không tổ chức gom, vận chuyển, xử lý không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất thải…

Nội dung Chương V về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà, được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đầu tư 2020, Luật Nhà ở 2020, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Nâng mức phạt vi phạm hành chính lên 800 triệu đồng

Theo Bộ Xây dựng, dự thảo nghị định này đã kế thừa những quy định tích cực của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp luật Xử lý vi phạm hành chính và hệ thống pháp luật chuyên ngành xây dựng.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định đã tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết… Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.

Dự án Athena Complex Pháp Vân
Dự án Athena Complex Pháp Vân của chủ đầu tư là Công ty Xây dựng 379 bán nhà khi chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, chậm tiến độ giao nhà.

Khách hàng có thể yên tâm mua nhà?

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mức phạt 800 triệu đồng như dự thảo Nghị định do Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đưa ra là chưa đủ sức răn đe. Thậm chí, nếu phạt kịch khung trong luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng thì cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là bất cập, là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ý kiến, mức phạt cao nhất theo luật Xử lý vi phạm hành chính cao nhất chỉ 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức thì mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng.

“Đối với dự án có tổng mức đầu tư cả trăm tỷ đồng, hay cả nghìn tỷ đồng thì sai phạm, xử phạt hành chính cao nhất chỉ 2 tỷ đồng là không đủ sức răn đe. Đây là điểm bất cập lớn, kẽ hở của luật pháp để các chủ đầu tư lách, sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt. Nếu không sớm khắc phục điểm này sẽ dẫn đến nhờn luật, mất niềm tin vào pháp luật của người dân, gây thiệt hại cho khách hàng”, ông Tùng nói.

Ông Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, để thay đổi có hiệu quả, mang tính đột phá thì luật Xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức phạt, tăng chế tài đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm lực kinh tế lớn, trong đó có bất động sản. Mức phạt phải đủ sức răn đe để các chủ đầu tư, người vi phạm thấy rõ nếu có vi phạm thì bản thân chịu thiệt nặng trước, không có lợi lộc gì.

Đồng thời, cần xem xét các yếu tố để hình sự hoá các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm. Như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay. Thậm chí, cần quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm.

KTS. Phạm Thanh Tùng khuyến cáo, người mua nhà cần đủ tỉnh táo trước khi đặt cọc, ký hợp đồng, xuống tiền mua sản phẩm bất động sản. Phải tìm hiểu, nắm chắc được các thủ tục pháp lý của dự án, tránh tiền mất tật mang.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top