Aa

Tăng trưởng kinh tế quý IV/2018 nhiều bất ngờ

Thứ Ba, 22/01/2019 - 06:00

Tăng trưởng tín dụng thận trọng, gia tăng dự trữ ngoại hối, thu hẹp thâm hụt ngân sách vẫn cần phải chú trọng bởi những “cơn sốt” của quá khứ vẫn chưa nguội hết.

Quý IV cải thiện với nhiều bất ngờ 

Tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,31%, cao nhất 3 quý. Diễn biến này đã kéo tăng trưởng chung của cả năm lên 7,08%, cao hơn đáng kể mục tiêu 6,6% - 6,8% và là mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng 2008.

Như vậy là phải mất tới 11 năm, Việt Nam mới có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%. Dù đây chưa phải là con số thực sự ấn tượng nếu so với chính Việt Nam trong các năm 2003 - 2005 và so với tốc độ tăng trưởng trên 10% của các quốc gia châu Á trong giai đoạn chuẩn bị “hóa rồng”.

Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng và nông, lâm, ngư nghiệp đều có quý 4 tích cực. Trong đó, dịch vụ đáng chú ý nhất khi tăng 7,6%, cao nhất cả năm. Trong cấu thành của lĩnh vực dịch vụ, 5 ngành có giá trị lớn nhất (chiếm 70% GDP Dịch vụ) đều cải thiện rõ rệt trong quý cuối năm.

GDP ngành bán buôn bán lẻ lại gây bất ngờ khi bật tăng lên 8,9% trong quý IV và kéo cả năm tăng 8,51%. Sở dĩ bất ngờ bởi cả chỉ số lao động cũng như tăng trưởng khách du lịch không ủng hộ cho sự bật tăng này.

Chỉ số lao động vào quý cuối năm chỉ tăng 2,6%, mức thấp nhất 7 quý và chỉ nhỉnh hơn so với mức 2,2% vào quý I/2017, thời điểm sản xuất điện thoại gặp nhiều khó khăn do sự cố Galaxy Note 7. Vào quý I/2017, GDP bán buôn bán lẻ tăng 7,38%.

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế cũng liên tục giảm với mức tăng của 12 tháng là 11,7% thấp hơn nhiều 6 tháng đầu năm là 23,1%. Sự giảm tốc của khách quốc tế là do 2 thị trường chính Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 55% tổng lượng khách) đều giảm tốc nhanh. Tháng 12/2018 lượng khách Trung Quốc đến Việt nam giảm 2% so với cùng kỳ. Trong khi cùng kỳ 2017 tăng tới +91%. Kinh tế tăng trưởng chậm, đồng CNY mất giá đã ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của người Trung Quốc trong khi làn sóng đầu tư FDI hạ nhiệt là nguyên nhân làm giảm tốc khách Hàn Quốc. Với lượng khách quốc tế tăng chậm lại, cũng là khó hiểu khi GDP Lưu trú, ăn uống tăng 9% trong quý IV, gấp 2 lần tăng trưởng của quý III.

Với lĩnh vực công nghiệp & xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo đã quay trở lại với vai trò dẫn dắt cùng với sự hỗ trợ của Xây dựng. GDP Công nghiệp chế biến chế tạo quý IV tăng 13,7%, chỉ thấp hơn một chút mức tăng 13,9% của quý I, thời kỳ đỉnh cao của sản xuất điện thoại điện tử.

Chỉ số tăng trưởng kinh tế có bứt phá trong quý cuối năm

Sự vươn lên của công nghiệp chế biến chế tạo trong nửa cuối năm đến từ nhiều yếu tố, từ chính sách bảo hộ, khả năng tận dụng thời cơ cho đến cả may mắn. Ở chiều ngược lại, sản xuất điện thoại chưa có dấu hiệu hồi phục. Xuất khẩu điện thoại cả năm tăng 10,5%, bằng 1/3 tốc độ của năm 2017 và 1/6 quý I/2018.

Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp khởi sắc chủ yếu do nông nghiệp với sự phục hồi lên 2,9% sau khi đã giảm xuống 1,9% trong quý III. Nông nghiệp bị cây lúa chi phối nên sự tăng giảm sản lượng cũng như giá lúa đều có ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

Năm 2018 là một năm tích cực nhờ thời tiết thuận lợi và Việt Nam đấu thầu thành công nhiều hợp đồng xuất khẩu, giúp duy trì giá lúa ở mức cao. Giá lúa trung bình trong năm 2018 cao hơn so với năm 2017 ~14%, trong khi sản lượng lúa tăng 2,9%.

Nhóm dịch vụ nổi bật lên trong các ngành kinh tế về tốc độ tăng trưởng

Định hướng dịch chuyển sang các giống lúa chất lượng cao cũng mang lại kết quả. Xuất khẩu gạo về lượng chỉ tăng 4,6% nhưng giá trị tăng tới 16%. Dẫu tích cực, xu hướng giảm tốc của xuất khẩu gạo và giá lúa những tháng cuối năm cũng đặt câu hỏi về sự hồi phục mạnh của GDP Nông nghiệp trong quý IV.

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính dù điện thoại giảm sút

Tăng trưởng GDP tăng thấp trong quý II và quý III do sự giảm tốc của ngành sản xuất điện tử, điện thoại mà cụ thể là Samsung giảm sản lượng.

Tuy vậy khác với năm 2016 và 2017 khi sản xuất Điện tử chi phối gần như hoàn toàn tăng trưởng công nghiệp, năm 2018 đã xuất hiện nhiều ngành sản xuất tăng trưởng cao bù đắp một phần cho sự sụt giảm của Samsung.

Dầu mỏ tinh chế (tăng 65,5%) là ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao vượt trội so với ngành đứng thứ 2. Có được điều này hoàn toàn là nhờ vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất từ tháng 6/2018.

Đây có thể coi là một “may mắn” của năm 2018 bởi theo kế hoạch nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có thể vận hành thương mại từ giữa năm 2017.

Câu chuyện lọc hóa dầu Nghi Sơn gợi lại trường hợp của Formosa năm 2017 khi nhà máy này hoạt động cũng đã mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành sản xuất kim loại, từ đó kéo ngành công nghiệp nói chung.

Năm 2018, sản xuất kim loại duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ một số nhà máy lớn tăng công suất. Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu cũng rất thuận lợi với xuất khẩu sắt thép trong năm 2018 tăng 45% (năm 2017 tăng 55%).

Nhìn sâu hơn, có 3 yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành thép là: các biện pháp chống bán phá giá với thép nhập khẩu, cơ hội thị trường mở ra khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng và quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời đầu tư gia tăng công suất.

Cũng là câu chuyện nhanh nhạy tận dụng cơ hội thị trường, ngành dệt, may đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng. Xuất khẩu dệt may vì vậy tăng tốc và đạt 16,6%, cao nhất 4 năm trong đó riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 37%.

Mặt hàng nội thất (giường, tủ, bàn, ghế) cũng là một điểm sáng khi tăng trưởng liên tục cải thiện và đạt 13,7%, mức cao nhất nhiều năm. Tăng trưởng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ có xu hướng tăng dần về các tháng cuối năm và cả năm đạt 15%, mức cao nhất 5 năm.

Ngoài lợi thế nhân công giá rẻ, ngành sản xuất nội thất và đồ gỗ Việt nam rất có thể đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.

Dẫu nhiều ngành tăng trưởng tích cực, sự sụt giảm của điện tử, điện thoại vẫn sẽ là rủi ro chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Nhập khẩu linh kiện điện thoại tháng 12/2018 giảm 15,2% theo năm (tháng 12/2017 tăng 86%) báo trước một chu kỳ sản xuất kém tích cực đầu năm 2019.

Thị trường điện thoại bão hòa và dịch chuyển một phần sản xuất sang Ấn Độ sẽ làm sản lượng của Samsung tăng thấp, thậm chí có thể giảm do nền cao của năm 2018, đặc biệt là quý I.

Bù đắp một phần cho sự giảm sút này, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động cả năm 2019. Do đó nửa đầu năm 2019 ngành Dầu mỏ tinh chế sẽ có tăng trưởng tương tự nửa cuối năm 2018.

Một số nhà máy sản xuất kim loại và xe có động cơ quy mô lớn của các doanh nghiệp Việt nam khánh thành trong nửa cuối năm cũng hứa hẹn sẽ mang lại tăng trưởng cao.

Nhìn lại năm 2018, dù còn nhiều số liệu gây băn khoăn nhưng có thể thấy một sự thay đổi khá rõ ở các động lực tăng trưởng, kết quả của những dịch chuyển chính sách hợp lý và kịp thời.

Với 2 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 7%, có thể nói những vấn đề nảy sinh trước và trong giai đoạn khủng hoảng 2008 -2010 đã cơ bản được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và tài khóa.

Với những bài học đắt giá được rút ra từ khủng hoảng, chúng ta có thể tự tin hơn vào tính chuẩn xác của các chính sách này trong tương lai. Đây là nhân tố quan trọng tạo nền tảng vững chắc để các chính sách khác như phát triển kinh tế tư nhân giúp kinh tế Việt nam tăng tốc.

Nhìn sang năm 2019, rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng rõ hơn đến Việt nam. Những ảnh hưởng này sẽ rất đa chiều và phụ thuộc vào nhiều biến số khó đong đếm và dự báo chính xác. Ở phía tích cực, rõ nhất là xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, mang lại cơ hội cho thu hút FDI. Ở phía tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc sẽ còn giảm khi kinh tế của nước này tăng trưởng chậm lại. Sản xuất Điện thoại giảm cũng sẽ gây ra một số khó khăn cho giai đoạn đầu năm.

Mục tiêu tăng trưởng 6,6%-6,8% đặt ra cho 2019 có phần khiêm tốn so với kết quả 7,08% của 2018. Nhưng đây là một mục tiêu hợp lý.

Trong bối cảnh còn nhiều trở ngại cho kinh tế Việt Nam, một mục tiêu vừa phải để duy trì ổn định và tiếp tục củng cố nội lực là cần thiết.

Tăng trưởng tín dụng thận trọng, gia tăng dự trữ ngoại hối, thu hẹp thâm hụt ngân sách vẫn cần phải chú trọng bởi những “cơn sốt” của quá khứ vẫn chưa nguội hết. Sau khi khối tư nhân đã hoàn tất giai đoạn “lấy đà”, mục tiêu 6.8% dù có hay không cũng không còn quan trọng. Tăng trưởng khi đó sẽ đến từ khát vọng và nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp cùng với sự giúp sức (thay vì đặt mục tiêu) của các cơ quan nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top