Aa

Tết thầy

Chủ Nhật, 14/02/2021 - 13:30

Dù thế giới có biến chuyển đến đâu, thì vai trò của người thầy giáo, đặc biệt là những người thầy đầu tiên thủa ấu thơ vẫn cực kỳ quan trọng.

Quê tôi vốn xưa nay lưu truyền câu thành ngữ: “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy.” Chẳng là tết có ba ngày mùng một, mùng hai, mùng ba thôi. Còn thực ra cái sự chuẩn bị tết mới là lâu: hầu như suốt cả tháng chạp, ba mươi vẫn chưa phải là tết! Còn cái sự du xuân mới là dài, hết cả ba tháng mùa xuân kia, “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè!”. Cái sự chơi xuân ở quê tôi, xứ Kinh Bắc xin để bàn đến một dịp sau.

Cơ mà mấy ngày tết ở quê tôi thì thật sự là cứ phải luôn đầy đủ tươm tất. Bởi người ta cho rằng, cái sự gì trong những ngày đầu năm mà không chỉn chu rồi dẫn đến “rông” cả năm! Ngày tết là phải no đủ, lễ nghĩa thì cả năm mới mong sung túc đủ đầy. Chả thế mà có câu, “đói hôm giỗ cha, no ba ngày tết”. Ba ngày tết nhà có khó khăn đến đâu thì cũng cố chạy vạy kiếm cho con cháu vài cân thịt mỡ, mấy cặp bánh chưng để trước là thắp hương thờ gia tiên, sau là cho con cháu xúng xính những bữa no, ngon, bõ cảnh cả năm ăn nhịn mặc thèm…

Buổi sáng mùng một tết, thường gia chủ dậy sớm, làm mâm cỗ tươm tất nhất trong điều kiện có thể để đặt lên bàn thờ gia tiên, thắp hương khấn mời các cụ nhà nội về hưởng lộc và phù hộ cho con cháu. Sau đó sẽ là màn chúc tụng, mừng tuổi và đi thăm hỏi lễ tết các nhà họ hàng nội tộc trong làng, đến nhà thờ họ, ra đình làm lễ đầu năm cầu tiên tổ, thành hoàng phù hộ cho mùa màng bội thu, làm ăn tấn tới, con cháu thảo hiền, học hành tiến bộ.

Sang ngày mùng hai tết, thường là để dành đi lễ tết quê ngoại – quê mẹ. Thời xưa kinh tế giao thông chưa phát triển, đa số chỉ dựng vợ gả chồng trong làng hoặc xa lắm cũng chỉ là làng trên xã dưới, nên cái tục mùng hai sang lễ tết nhà ngoại rất phổ biến và được duy trì. Ngày mùng hai tết, người con gái cùng con rể và các cháu đem hương hoa, lễ vật về thắp hương và hỏi thăm sức khỏe ông bà ngoại là một nét phong tục rất đẹp, nhân văn, nó thể hiện cái đạo lý kính trọng người cao tuổi, biết ơn các bậc sinh thành đã sinh ra cho người con dâu đảm đang hiếu thảo, đẻ ra con cháu đông đàn dài lũ. Nhưng thời nay sinh đẻ ít đi, nhiều gia đình chỉ có một, hai con.

Thậm chí chỉ có con một bề là gái nên cái sự lễ tết nhà ngoại ngày mùng hai có vẻ cũng mai một bớt, bởi các cô con gái khi đi lấy chồng rồi, mà bố mẹ mất thì họ cũng đưa vong linh ông bà ngoại về thờ cúng trong nhà, không có phân biệt nội ngoại như xưa. Bài văn khấn sẽ có câu kính mời cả nội ngoại hai bên các cụ cùng về hưởng lộc, phù hộ độ trì cho con cháu!

Ngày xưa, các thày đồ dạy học trong làng thường không có lương bổng của triều đình. Họ sống bằng lòng hiếu thảo của học trò. Tùy tâm gia đình học trò có thể mang đến biếu thầy những gì có như lúa ngô khoai đỗ, chứ cũng không nhất thiết phải là tiền. Dù là gì thì thầy cũng vui vẻ nhận mà không có sự mặc cả hay so kè nhiều ít. Bởi nhiều thầy khi về làng mở lớp dạy học là tự nhủ mình đang thực hiện sự truyền bá cái “đạo”, để khai trí cho dân gian, nên họ hầu như không còn câu nệ chuyện vật chất. Cũng chính vì thế nên hình ảnh ông đồ ngày xưa thường hay gắn với những cái khiêm nhường, thanh bạch thậm chí là nghèo khó. Nhưng “đức” luôn phải cao. Coi chuyện áo cơm chỉ là chuyện nhỏ. Cho nên thứ bậc vị trí ngày xưa trong xã hội của thầy đồ mới được coi trọng còn hơn cả cha kia: “Quân- sư- phụ”!

Làm người trên hết là phải thờ vua rồi đến thầy học rồi mới đến cha, người sinh dưỡng mình. Đúng sai chưa bàn, thế nhưng nó cho thấy ngày xưa người ta coi trọng thầy giáo tới như thế nào. Trong ba ngày tết mà dành hẳn ngày mùng ba để học trò đến tết thầy! Ngày ấy học trò sẽ ăn vận sạch sẽ tươm tất, mang những sản vật của nhà đến “tết” thầy, nghe thầy răn dạy lời hay ý đẹp buổi đầu năm. Những trò lớp lớn, thậm chí còn được thầy cho phép ở lại hầu rượu ngâm thơ khai bút nữa kia.

Ngày nay, nền giáo dục của nước nhà đã khác xa xưa. Câu chuyện thầy- trò, trường lớp- phụ huynh, chương trình chính khóa, dạy thêm, học thêm… có vô vàn chuyện để bàn. Thế nhưng hình như cái phong tục “mùng ba tết thầy”, có vể vẫn được duy trì, ít nhất là ở hình thức: mùng ba hoặc sau chút, vẫn thấy lũ lượt học sinh các cấp rủ nhau đến nhà thầy cô giáo chúc tết. Ở một góc độ nào đó, thì đây là một điều tốt, nó giáo dục và bảo tồn cái truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Nhiều người quan niệm rằng, giáo dục giờ đây đã trở thành một ngành dịch vụ, kiểu tiền trao cháo múc. Đó là một quan niệm cực kỳ sai lầm.

Dù thế giới có biến chuyển đến đâu, thì vai trò của người thầy giáo, đặc biệt là những người thầy đầu tiên thủa ấu thơ vẫn cực kỳ quan trọng. Nó khắc ghi dấu ấn không phai mờ trong cả việc hình thành nhân cách đạo đức lẫn nền tảng học vấn của mỗi con người trưởng thành sau này. Chính vì vậy mà cái phong tục, “mùng ba tết thầy” của dân ta vẫn rất đáng trân trọng và bảo tồn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top