Nở rộ trào lưu bánh trung thu handmade
Một vài năm trở lại đây, bánh trung thu handmade trở thành một trào lưu được chị em đón nhận nhiệt tình. Với tiêu chí ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh ai cũng muốn tự mình làm những chiếc bánh để cả gia đình được thưởng thức trong dịp trung thu. Công thức làm bánh trung thu cũng không hề khó, nên chỉ cần một chút thời gian, bạn đã có thể tự làm cho mình những chiếc bánh trung thu với nhiều loại nhân hấp dẫn khác nhau. Các lớp dạy làm bánh trung thu mở ra như nấm sau mưa. Nguyên liệu làm bánh bán đầy rẫy khắp các con phố, với đủ chủng loại, giá cả khác nhau. Chị em nô nức làm bánh trung thu, nhưng lại không cẩn thận dẫn tới nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư.
Trước tình trạng bánh trung thu hết hạn sử dụng, nguyên liệu không rõ nguồn gốc khiến chị Nhung, làm việc tại Cầu Giấy (Hà Nội), chuyển hẳn sang mua bánh trung thu handmade. “Để đảm bảo sức khỏe, mấy năm nay mình toàn mua bánh trung thu handmade để biếu ông bà và người quen. Bánh có nhiều mẫu mã mới đẹp, ăn rất hợp khẩu vị. Trong khi, một số bánh trung thu của các công ty ăn quá ngọt và còn có chứa nhiều chất bảo quản”, chị Nhung chia sẻ. Chị Nhung cũng cho biết thêm: “Bánh mới nên mua về tôi cho các con ăn thử đã. Cứ thấy bạn bè rao bán trên mạng thì tôi mua thôi chứ cũng không dám mua bánh lung tung. Nhưng càng ngày, càng nhiều người sản xuất bánh trung thu, năm nay nhiều hơn năm trước, nên cũng khó để lựa chọn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đầu mùa nhưng các cơ sở sản xuất bánh trung thu handmade mọc lên như nấm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với đủ loại bánh dẻo, bánh nướng, hình thức đa dạng, cách đóng gói và bao bì bắt mắt nên đang nhận được nhiều ưu ái của người tiêu dùng. Tuy nhiên, lại gây khó khăn trong quản lý và thanh-kiểm tra. Dịp Trung thu năm nay, trên thị trường xuất hiện loại bánh trung thu hoa nổi handnmade rất độc đáo. Ngoài kiểu dáng đa dạng, màu sắc đẹp, lạ mắt, các họa tiết được khắc trên bánh rất tinh tế, độc đáo khiến không ít bà nội trợ mê mệt.
Khác với loại bánh trung thu truyền thống, bánh trung thu hoa nổi được các thợ handmade sử dụng nguyên liệu màu nhuộm, khắc họa tiết trang trí theo 4 mùa tùng, cúc, trúc, mai… Ngoài mẫu mã, phần nhân bánh cũng rất đa dạng từ nhân truyền thống như đậu xanh, sen nhuyễn, sữa dừa,…tới các loại nhân độc đáo như tiramisu, chocolate, phô mai,…Giá trung bình của loại bánh trung thu hoa nổi, trọng lượng 100- 125g, dao động từ 50.000 – 80.000 đồng /chiếc; bánh hình thú ngộ nghĩnh cho trẻ em giá 8.000 – 15.000 đồng/chiếc.
Nguy cơ “nhuộm màu” bánh gây hại
Nguồn nguyên liệu làm bánh trung thu handmade hiện rất dồi dào. Tại chợ Đồng Xuân, bày bán nhan nhản các nguyên liệu như bột làm vỏ bánh và làm nhân bánh như mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen...Ngoài ra còn bán cả nước hương liệu như hoa bưởi, nước đường, màu nhuộm…Các nguyên liệu được bảo quản trong túi nylon, được chủ hàng đánh dấu bằng mẩu giấy nhỏ. Giá mỗi kg bột làm vỏ bánh chỉ 30.000 đồng, các loại nguyên liệu khác cũng được bán với giá rẻ như lạp xưởng 80.000 đồng/kg, loại đắt thì hơn 100.000 đồng, mứt bí 35.000 đồng/kg…Một số chủ hàng còn tiết lộ, nếu làm để bán thì chỉ cần cho mấy loại hạt bình thường sau đó cho hương liệu vào sẽ rất thơm.
Nắm bắt tâm lý ưa chuộng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, hầu hết các cửa hàng bán bột làm vỏ bánh, nhân bánh làm sẵn đều cam kết không sử dụng chất bảo quản và phẩm màu công nghiệp. Thời hạn sử dụng lâu nhất khoảng một tháng ở ngăn mát và cả năm nếu để ngăn đá. Nhân bánh ở đây bảo quản trong tủ mát và đã chia thành phần nhỏ. Những phần này không đóng gói trong túi mà được bọc khá nhếch nhác bằng màng bọc thực phẩm. Đặc biệt, trên bao bì không hề có bất cứ nhãn mác để cung cấp thông tin cần thiết như ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Còn đối với loại bánh trung thu hoa nổi độc đáo, nhiều người tiêu dùng cho rằng màu sắc sặc sỡ có nguy cơ cao sử dụng phẩm màu.. Màu nhuộm tự nhiên không thể đẹp và đa dạng tới mức đó. “Bánh trung thu bây giờ chỉ để thoả mãn phần nhìn, còn hương vị đã khác quá rồi. Vẫn thích bánh cổ truyền hơn và cảm giác có ý nghĩa hơn”, chị Nguyễn Thị Mai (Cầu Giấy) chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Phan Thế Đồng (Đại học Hoa Sen) cho biết, một số phẩm màu vẫn được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng ở Mỹ và một số nước đã cấm sử dụng. Ví dụ như phẩm màu Brilliant blue FCF (trong sữa, mứt, thạch, tương ớt, quả ngâm đường, rau củ đóng hộp, đóng chai,…), erythrosine (thịt gia cầm qua chế biến, mứt, thạch, trái cây đóng hộp hoặc chai…). Việc sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian dài, vượt mức cho phép rất có hại cho sức khỏe. Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Thịnh, (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay một số phụ liệu được bán ở các khu chợ chất lượng không được kiểm soát, đây là điều đáng lo ngại.
Trả lời trên báo chí, Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng – Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phân tích, để chuẩn bị làm ra chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm từ các loại bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh. Đặc biệt, bánh được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp ở nhà máy hay ngay tại hộ gia đình. Phân tích về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, tiến sỹ Hùng cho hay, mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh: “Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Việc đa dạng các loại bánh trung thu đã góp phần tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu bánh có uy tín hoặc tự tay chế biến nguyên liệu làm bánh, thay vì mua những loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường.