Tháng 12 Hà Nội phố

Tháng 12 Hà Nội phố

Thứ Hai, 27/12/2021 - 06:00

Sống vắt qua thế kỷ ở một làng quê Hà Nội cũ, tôi chưa từng bị ám ảnh ngõ phố như những ngày qua. Có nhiều sự chia ly với người ruột thịt trong cách xa, trong cách ly, ngay cả ngày giỗ ông bà, cha mẹ cũng không thể về, ngay cả những đứa con mất mẹ cũng không thể đưa tiễn ở Sài Gòn. Vẫn còn ngọn nến và ngọn đèn mồ côi. Thoắt cái đã 50 năm phố Khâm Thiên và trận bom rải thảm, cả ngõ chợ đổ nát, có còn ai xa ngõ trở về, người của ngõ chợ năm ấy ai đã đi, và ai trở về?

Năm nay, nhớ lại những người ở núi xuống Hà Nội làm thuê đi bộ về Sơn La, Yên Bái cũng chỉ mong được về quê, lần này núi rừng chuộc họ về hẳn. Ở Hà Nội, đến ngày giỗ mẹ tôi cũng không thể về nhà thắp hương, ngọn đèn dầu đang ngóng tôi. Nhớ lời mẹ khi giã biệt thế gian: “Sau này con nhớ thắp đèn dầu lên là mẹ sẽ về. Nhà ta vốn hiếm người. Nghề báo con hay đi, nhưng giỗ chạp tất niên thì nhớ mâm cơm để ông bà còn về cho ấm cửa”.

Nhưng cách biệt chia ly thì muôn vẻ. Hôm thành phố còn chăng dây, đường vắng như sáng mùng Một Tết không bóng người, xe đi thưa thớt. Mọi nẻo phố chẳng có chợ và mọi thứ như rau gạo cứ tăng lên chóng mặt. Người Hà Nội từng sống nhờ vỉa hè, sống lay lắt như chiếc dây cao su co giãn, khi sấp ngửa chạy chợ, giờ sấp ngửa giật gấu vá vai để tồn tại.

Ảnh minh họa.

Tôi đi xa mấy cũng luôn thấy ngọn đèn dầu bên mình, đèn dầu như chuộc tôi về với mẹ, dù ngày giỗ chạp không về được. Nhà mẹ tôi ven hồ Bẩy Mẫu. Công viên những ngày giãn cách cũng đóng cửa chỉ có những người trồng cỏ đang lúi húi nhổ cỏ và tưới cây. Những bầy chim sẻ vẫn đậu xuống hòn đá gồ lên nơi có một bà lão quanh năm đem nắm gạo cho chúng. Covid cũng làm bầy sẻ đói, vì bà cụ không vào được công viên. Nhưng rồi hai tháng sau, tôi hay tin bà cụ cho chim sẻ ăn gạo đã mất vì Covid. Bầy chim sẻ cũng không có thức ăn, chiều chiều chim sẻ hóng đợi bà cụ bao lâu nữa? Có ai thay thế cho nắm gạo hàng ngày để bầy chim bay về đoàn tụ không? Đến giãn cách muốn về nhà giỗ mẹ cũng khó, dù nơi tôi ở cách nhà mẹ có một chiếc hồ Bẩy Mẫu mà không đi được. Cách ly là cách ly.

Dưới chân đèn dầu tôi đối thoại với đèn, hy vọng mẹ tôi ở thế giới bên kia trở về để đoàn tụ cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ ven hồ, cũ kỹ rêu phong. Nhà mình xưa vẫn còn là ngôi nhà một tầng, ra khỏi ngõ là làng Thể Giao, khi đó cũng toàn nhà thấp tầng.

Giờ đây, không gian sống đã ngút ngát những tòa nhà hơn hai mươi tầng toàn bê tông, cửa kính bít kín. Trời xanh hẹp lại. Giống như biển Bãi Cháy Quảng Ninh, đứng ở dốc Bồ Hòn không nhìn thấy biển nữa, biển co lại vì đủ loại hình kinh doanh khách sạn, khu vui chơi, chợ trời… biển và làng quê Bắc Bộ cứ bé dần.

Hồi ức xưa thì mãi mãi đẹp và đoàn tụ trong cúc áo ngực của ta! Nó trở thành tài sản cá nhân, nỗi nhớ một đời người từng thênh thang phố ngõ với mênh mông nắng dưới sân nhà một tầng. Cuối phố Lê Đại Hành, ngôi nhà tắm công cộng xưa kia, còn in dấu ở phía ô Cầu Dền. Tháng giáp Tết, những người có nghề xe kéo, bốc vác trấu ở Đầm Trấu, họ là người nghèo thành thị về đó tắm táp và gặp gỡ bạn cũng ở nhà tắm công cộng. Khi tắm chung họ hỏi thăm nhau về cách làm thuê chở trấu ở Đầm Trấu. Có người đi hàn dép nhựa, có người buôn thúng bán mẹt…

Một thời Hà Nội chỉ có máy nước công cộng; hố xí thùng, nhà tắm làm gì có bình nóng lạnh cao cấp như hôm nay. Gần Tết nhà tắm công cộng có nước nóng nên mùa đông và áp Tết, nhà tắm ở phía đầu làng Vân Hồ cũng nhộn nhịp hơn nơi khác. Mẹ hay dặn bố bổ củi và dặn con mua bó mùi già, xin thêm nắm lá tre ở đền Bà Đá về đun nước tắm, rồi mua lá nếp ở chợ Đuổi, nhồi bếp mùn cưa để thổi xôi nấu chè con ong. Nhà tôi luôn có ba người. Khi tôi lập gia đình thì bố tôi mất, khi có đứa con trai ra đời thì mẹ tôi ra đi, rồi chồng tôi ra đi thế là nhà tôi luôn ám ảnh ngọn đèn dầu thắp lên, sẽ có ba người về sum họp.

Tôi có thể chuyện trò ngày xưa nếp cũ của làng Vân Hồ với làng Thể Giao với mẹ và bố tôi. Tôi có thể đối thoại với đèn dầu về chuyện văn chương với chồng tôi, dù chỉ có ánh đèn dầu nghiêng ngả. Con trai tôi không thích nghe chuyện ngày xưa vì Hà Nội của con không có bom rơi rải thảm B52 như mẹ nó từng gánh chịu. Khi tôi ở dưới hầm tăng xê nhà cô giáo dạy thêu ở ngõ chợ Khâm Thiên tháng 12/1972 đã thấy trên đầu là đống gạch vụn, là những người không còn thở được phủ chiếu. Tôi chạy ríu cả chân vì sự hoang tàn của phố, vì đủ thứ khét lẹt quanh người. Khi đã đi qua trận bom rải thảm B52 49 năm trước, người ta sẽ can đảm hơn, vững vàng hơn khi nhìn vào cái chết. Giống như khi đi qua đại dịch, sự áy náy về  giỗ chạp trong  ngôi nhà của mẹ, chiếc mâm đồng cũng mồ côi ngày giỗ.

Với ngọn đèn dầu, tôi hay nói chuyện với người ở thế giới bên kia, ở thế giới bên này tôi cảm nhận được, sự đoàn tụ trong trái tim, sự thấu hiểu trong cách nhìn sâu vào bên trong mình để được bình tâm, an nhiên để sống. Tôi phải học cách lặng lẽ như người ở núi, họ có thể đi một ngày đường, và ở một mình trong ngôi nhà mênh mông ở ven núi cũng rất bình thản. Sống được như thế giữa tâm dịch, xem nhẹ mọi nông nỗi ở đời, thì cuộc sống mới thật tĩnh tại.

Khi được trở về ngôi nhà xưa tuổi ấu thơ, bên hồ và những con đường đất, nơi còn nguyên mấy chiếc xe gòng chạy sang phía hồ Thiền Quang, ký ức đoàn tụ của tôi bên bố mẹ và những con đường đất, nhà một tầng và thảm cỏ ngày xưa vẫn ấm áp bữa cơm cuối năm, ngày sum họp của riêng tôi và gia đình.

Sau những mất mát lớn của đồng bào ở Sài Gòn, có thể nhiều người không thể trở về nhà mình. Nhưng trong nỗi khát khao sum họp hôm nay, dù cách ly, họ vẫn có cơ hội nhìn thấy nhau qua điện thoại nhờ công nghệ 4.0. Cứ tự an ủi thế là sướng hơn ông bà ta ngày xưa. Khi cúi xuống với mọi thua thiệt mất mát ở đời, cách cảm thông chia sẻ lớn của người với người, cách đoàn tụ trong trái tim, dù không ở cạnh nhau.

Tháng 12 các công viên Hà Nội, các khu vui chơi đóng cửa, người Hà Nội sẽ sống như đã từng đi qua đạn bom B52 rải thảm, đã đi qua tâm dịch một cách bình an. Hẳn đời sống giá trị tinh thần đã lưu lại trong người chính là khi nghĩ về nhau, cách xử sự tử tế, cách chia sẻ với đàn chim sẻ hay ngọn đèn dầu đó cũng là sự sum họp trong cách sống đẹp. Có lẽ chính vì thế mà dịch bệnh lớn mấy cũng không đốn gục được niềm tin yêu sống của con người, phải không Hà Nội phố?

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng 
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top