Bất chấp sự bất ổn về kinh tế, xã hội và chính trị, trong năm qua, thị trường chứng khoán vẫn đạt mức cao kỷ lục, khiến những người giàu nhất thế giới kiếm thêm được 1 nghìn tỷ USD vào năm 2017, tăng gấp 4 lần so với mức tăng năm ngoái.
Theo bảng xếp hạng tỷ phú hàng ngày Bloomberg Billionaires Index, tài sản của nhóm tỷ phú 500 người giàu nhất hành tinh đã tăng thêm 23% so với mức tăng gần 20% đối với chỉ số MSCI World Index và Standard & Poor's 500 Index.
Trong đó, nhà sáng lập hãng Amazon.com, ông Jeff Bezos, là người có đóng góp nhiều nhất trong giá trị tăng thêm 1 nghìn tỷ USD này. Ông Bezos đã đạt được lợi nhuận 34,2 tỷ USD trong năm 2017, chính thức trở thành người đầu tiên trong vòng 7 năm đánh bại người đồng sáng lập hãng Microsoft, tỷ phú Bill Gates, để chiếm vị trí người giàu nhất thế giới trong danh sách tháng mười và là người thứ 6 giành được vị trí giàu nhất thế giới trong 30 năm trở lại đây.
Với khởi điểm chỉ từ kinh doanh sách trong gara, năm 1998, Jeff Bezos đã trở thành tỷ phú với tài sản 1,6 tỷ USD sau khi Amazon niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO). Đến năm 2012, số tài sản đã tăng lên 18,4 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị cổ phiếu Amazon tăng 40% đã tạo thêm 24,5 tỷ trong giá trị tài sản của Bezos. Cuối tháng 12/2017, Bezos có tổng tài sản ròng 99,6 tỷ USD so với 91,3 tỷ USD của Gates.
George Soros, ông trùm tài chính của quỹ đầu tư Quantum Fund, người mới đây đã tụt xuống vị trí thứ 195 trên bảng xếp hạng của Bloomberg, với tài sản trị giá 8 tỷ USD do đã quyên góp hầu hết tài sản của mình. Theo tiết lộ, gia đình ông Soros đã đóng góp 18 tỷ USD cho Tổ chức Xã hội Mở - Open Society Foundations của chính vị tỷ phú này trong vài năm qua.
Vào cuối ngày giao dịch 26/12/2017, nhóm 500 tỷ phú đã kiểm soát được 5,3 nghìn tỷ đô la, tăng so với 4,4 nghìn tỷ đô la của ngày 27/12/2016.
Những kẻ “đi lên”
38 tỷ phú Trung Quốc có tên trong bảng xếp hạng Bloomberg có tài sản ròng tăng tổng cộng 177 tỷ USD vào năm 2017, tương đương tăng 65%, mức tăng cao nhất so với bất kỳ nhóm tỷ phú nào đến từ 49 quốc gia có mặt trong danh sách. Hui Ka Yan, người sáng lập tập đoàn bất động sản China Evergrande Group, đã có thêm 25,9 tỷ đô la, tăng 350% so với năm ngoái, và là mức tăng đô la Mỹ lớn thứ hai chỉ sau Jeff Bezos.
Tỷ phú công nghệ Ma Huateng, đồng sáng lập dịch vụ nhắn tin Tencent Holdings, đã trở thành người giàu thứ hai ở châu Á khi tài sản của ông tăng gần gấp đôi lên tới 41 tỷ USD. Theo UBS Group AG và báo cáo của PricewaterhouseCoopers, số lượng tỷ phú châu Á lần đầu tiên vượt qua Mỹ, đạt con số 637 tỷ phú so với 563 của Mỹ.
Tuy nhiên, theo danh sách xếp hạng 500 tỷ phú giàu nhất thế giới, Hoa Kỳ vẫn có sự hiện diện lớn nhất, với 159 tỷ phú và đã bổ sung 315 tỷ đô la, tăng 18%, đem lại cho họ một khoản tài sản ròng lên tới 2 nghìn tỷ đô la. 27 người giàu nhất nước Nga đã vượt qua khó khăn kinh tế do vụ sáp nhập Crimea năm 2014 của Tổng thống Vladimir Putin, để tạo thêm 29 tỷ đô la Mỹ vào 275 tỷ đô la, vượt quá tổng giá trị tài sản mà họ có trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây bắt đầu.
Đây cũng là một năm đầy ấn tượng đối với các đế chế công nghệ, với 57 tỷ phú công nghệ trên bảng xếp hạng, tăng thêm 262 tỷ USD, tương đương tăng 35% so với bất kỳ ngành nào trong bảng xếp hạng. Người đồng sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, có mức tăng đô la Mỹ lớn thứ tư, tăng thêm 22,6 tỷ USD, tương đương 45%. Zuckerberg đã đưa ra kế hoạch bán 18% cổ phần của mình trong “gã khổng lồ” mạng xã hội Facebook như một phần của kế hoạch cho đi phần lớn tài sản trị giá 72,6 tỷ USD của mình.
Tổng thể, có 440 tỷ phú trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index chứng kiến tài sản tăng thêm trong năm qua, đạt được tổng cộng 1.05 nghìn tỷ USD.
Những người “đi xuống”...
Tài sản của tỷ phú viễn thông Pháp Patrick Drahi giảm 4,1 tỷ USD xuống còn 6,3 tỷ USD, tương đương giảm 39%. Thái tử Alwaleed Bin Talal, người giàu nhất Saudi Arabia, đã giảm tài sản từ 1,9 tỷ USD xuống còn 1,78 tỷ USD sau khi ông bị bắt giam trong cuộc đàn áp chống lại tham nhũng do Hoàng tử Mohammed bin Salman chỉ huy nhắm vào các hoàng gia, quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp.
Có 60 tỷ phú đã "rơi" khỏi bảng xếp hạng 500, trong đó có nhà bán lẻ Christo Wiese của Nam Phi. Tài sản của ông đã giảm xuống còn 1,8 tỷ USD từ mức cao nhất 7,7 tỷ USD hồi tháng 8/2016 sau tin tức bị tiết lộ về vụ bê bối kế toán tại công ty Steinhoff International Holdings NV của ông.
Sumner Redstone, 94 tuổi, sở hữu phần lớn hãng CBS và Viacom cũng bị loại khỏi danh sách 500 tỷ phú khi vướng vào cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa con gái và các giám đốc điều hành khác. Trong khi đó, Rupert Murdoch, 86 tuổi, không còn phải lo lắng về việc chọn người kế vị khi bán một lượng lớn tài sản của hãng giải trí 20th Century Fox cho Walt Disney vào tháng 12/2017. Redstone mất đi 90 triệu USD, còn Murdoch đã “bỏ túi” 2,7 tỷ USD.
Nhìn chung, 58 trong số 500 tỷ phú đã chứng kiến tài sản của họ sụt giảm vào năm 2017, tổng cộng đã mất 46 tỷ USD.
... và các gương mặt "mới nổi"
Bảng xếp hạng Bloomberg đã phát hiện ra 67 tỷ phú mới vào năm 2017. Henry Laufer trong ban giám đốc quỹ đầu tư Renaissance Technologies đã được xác định có giá trị ròng 4 tỷ USD vào tháng 4. Robert Mercer, 71 tuổi, dự định từ chức đồng giám đốc điều hành quỹ đầu tư có lãi nhất thế giới vào ngày 1/1, không thể xác định được giá trị tài sản để xếp hạng. Hai “tỷ phú cá” cũng đã “bị bắt” vào danh sách là Vitaly Orlov của Nga và Chuck Bundrant của Trident Seafood.
Một "ông trùm" Brazil, người đã tạo dựng lên khối tài sản trị giá 1,3 tỷ đô la từ việc phát triển năng lượng gió với quy mô lớn nhất Mỹ Latinh. Hai ông trùm bất động sản ở New York cũng được "gọi tên" là Ben Ashkenazy và Joel Wiener.
Một số tỷ phú khởi nghiệp công nghệ cũng được nhắc đến. Trong đó có giám đốc điều hành Anthony Wood của Roku và hai người đồng sáng lập của Wayfair - Niraj Shah và Steve Conine.
Cơn sốt đầu tư tiền ảo đã tạo ra một số tỷ phú bitcoin, bao gồm cả Tyler và Cameron Winklevoss, với giá trị tăng thêm của đồng tiền kỹ thuật số cryptocurrency lên tới 16.000USD hôm 26/12, tăng từ mức 1.140 USD vào ngày 4/4/2017.
Dù các kỷ lục về sự giàu có của các ông lớn trên khắp toàn cầu vẫn liên tục được ghi nhận, nhưng các tỷ phú cũng cần hiểu rằng, 1 tỷ USD hiện tại không mua được những gì nó từng mua được. Giá nhà cao nhất đã lên tới 300 triệu USD, chi phí ly hôn đạt mức cao nhất là 1 tỷ USD. Thậm chí một bức tranh thất lạc mới được tìm lại của Leonardo da Vinci, Salvator Mundi, cũng đã bán được 450,3 triệu USD trong cuộc đấu giá hồi tháng 11, biến nó thành tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từng được bán.
"Bạn có tin được không? Điều đó thật kinh khủng!" Eli Broad, người có tài sản trị giá 7,4 tỷ USD và bảo tàng riêng của mình ở Los Angeles, cho biết sau vụ mua bán.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Việt Nam đã có thêm tỷ phú USD thứ 3, sau ông Phạm Nhật Vượng - ông chủ của Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - bà chủ Vietjet Air. Đó là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch kiêm người sáng lập Masan Group. Các cổ phiếu của Masan Group đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng qua so với mức tăng 37% của chỉ số VN Index Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đồng thời có tổng tài sản lên tới 1,2 tỷ USD (theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index). |