Aa

Thành phố nhỏ của Philippines có bước tiến lớn trong giảm khí nhà kính

Thứ Hai, 16/04/2018 - 06:01

Chính quyền của thành phố San Carlos, Philippines, khẳng định, việc tạo ra một thành phố thực sự xanh bắt đầu với những tính toán về phát thải khí nhà kính, sau đó là đưa ra các chính sách để khuyến khích chuyển đổi năng lượng được sử dụng hàng ngày sang năng lượng tái tạo.

Thành phố San Carlos ở Negros Occidental, Philippines từng là một trong những vựa đường lớn nhất của quốc gia này. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp đường đã bắt đầu chậm lại từ những năm 1980, Thành phố sau đó đã phải tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế. Và họ quyết định khai thác một trong những tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhất của mình: ánh nắng mặt trời.

Là một thành phố bờ biển với một bến cảng ngập mặn sâu tự nhiên, San Carlos có khả năng chống chịu với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt tốt hơn so với phần lớn các thành phố của Philippines. Với điều kiện tự nhiên là ít mây, thành phố này đón được nhiều ánh nắng mặt trời hơn bất kỳ khu vực nào của đất nước, do đó tiềm năng năng lượng tái tạo là vô cùng lớn.

Cũng bởi vậy, San Carlos đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Philippines.

Trang trại năng lượng mặt trời SaCasol được chia thành 4 khu vực, mỗi khu sản xuất ra 45MW điện mặt trời.

Trang trại năng lượng mặt trời SaCasol được chia thành 4 khu vực, mỗi khu sản xuất ra 45MW điện mặt trời.

Năm 2014, một trạm năng lượng mặt trời 45MW, một trong những cơ sở năng lượng mặt trời đầu tiên của quốc gia này, đã được xây dựng ở thành phố San Carlos bởi công ty năng lượng tái tạo San Carlos Solar Energy. Năm 2016, một trạm năng lượng mặt trời 59MW khác được đưa vào hoạt động. Trạm này được sở hữu bởi San Carlos Sun Power Inc, công ty con của AboitizPower, một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu của Philippines.

Bên cạnh những trang trại năng lượng mặt trời, San Carlos cũng là “nhà” của một trong những trạm nhiên liệu sinh học và ethanol sinh học lớn nhất Philippines.

Tuy nhiên, theo Arthur Batomalaque, tổng thư ký của Văn phòng Quản lý Môi trường thành phố (CEMO), ưu tiên hàng đầu cho phát triển năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ để đưa San Carlos trở thành thành phố xanh.

“Khi kinh tế của thành phố tiếp tục phát triển, chúng tôi cũng cần phải tiên phong trong việc bảo vệ môi trường”, Batomalaque cho biết.

Chẳng hạn như năm 2017, San Carlos đã thúc đẩy một dự án đi đầu trong việc nắm bắt khí nhà kính phát thải (GHG) ở cấp độ cộng đồng.

Bằng việc sử dụng Global Protocol for Community-Scale GHG Emissions Inventories, một công cụ được phát triển bởi tổ chức phi chính phủ ICLEI-Local Governments for Sustainability (ICLEI), C40 Cities và World Resources Institute (WRI), San Carlos đã bắt tay vào dự án tính toán sự phát thải từ các công trình thương mại và nhà ở, giao thông, rác thải, việc sử dụng nước, nông nghiệp và công nghiệp của thành phố.

Quá trình khảo sát này, bắt đầu từ năm 2015 như một chiến dịch của năm và vừa kết thúc vào năm trước, đã chỉ ra rằng tổng lượng phát thải của thành phố là 88.33 nghìn tấn CO2 từ năng lượng, giao thông, nông nghiệp và nhân tố rác thải. Con số này tương đương với khoảng gần 40 nghìn tấn than được đốt lên.

Batomalaque cho rằng khảo sát GHG trên có thể được sử dụng làm cơ sở cho kế hoạch của chính quyền trong việc làm giảm sự phát thải. “Việc hoàn thành khảo sát là một cột mốc đối với chúng tôi, đây là con đường đi đến mục tiêu trở thành thành phố xanh”, vị này khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top