Aa

Tháo “điểm nghẽn” cho thị trường địa ốc

Thứ Tư, 07/11/2018 - 15:30

Tháo “điểm nghẽn” cho thị trường địa ốc; Officetel chuẩn bị được tháo gỡ rào cản pháp lý, hứa hẹn là phân khúc tiềm năng cho nhà đầu tư; Khởi nghiệp bất động sản, “dễ vào, khó trụ”; “Kẽ hở” trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước;... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Tháo “điểm nghẽn” cho thị trường địa ốc

Việc cơ quan nhà nước không giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang là điểm nghẽn của thị trường hiện nay.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố đang ách tắc khá nhiều dự án do vấn đề quản lý. Việc không giải quyết triển khai dự án cho các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm sản phẩm nhà ở, sụt giảm nguồn cung căn hộ vừa túi tiền, sụt giảm giao dịch bất động sản.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, mới có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, mới có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận.

Kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực vào năm 2015, Sở đã thụ lý 170 dự án đề nghị công nhận chủ đầu tư. Trong đó, chỉ có 44 dự án có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, chiếm tỷ lệ 26%. Còn lại 126 dự án, chiếm tỷ lệ đến 74%, chủ yếu có nguồn gốc do bồi thường đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng.

Bên cạnh đó, việc Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi từ "đất ở" thành cụm từ "đất ở và các loại đất khác" đã xảy ra xung đột giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai. Việc sửa đổi chữ "đất ở" trong Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất với Luật Đất đai sẽ giúp tháo gỡ được ách tắc này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Kẽ hở” trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chậm là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân có thể kể đến như sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, đặc biệt là còn nhiều điều đáng quan ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đây là nhận định của một số chuyên gia tại diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” diễn ra ngày 6/11.

Theo báo cáo của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tình hình cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm. Cụ thể, năm 2016, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khởi nghiệp bất động sản, “dễ vào, khó trụ”

Đầu tư, kinh doanh bất động sản là ngành đang được nhiều người quan tâm, từ nhà đầu tư cá nhân cho đến các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì và hoạt động tốt trong lĩnh vực này không phải việc dễ dàng.

Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2017, trong các ngành nghề thì kinh doanh bất động sản là ngành có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh nhất về cả số lượng và số vốn đăng ký với 5.065 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký trên 388.000 tỷ đồng. Trung bình, một ngày có 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời với số vốn đăng ký trung bình 77 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Trong đó, TP.HCM được ghi nhận là địa phương có số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cao nhất cả nước.

Ngành kinh doanh bất động sản đang thu hút rất nhiều bạn trẻ. Ảnh: Lê Toàn

Ngành kinh doanh bất động sản đang thu hút rất nhiều bạn trẻ. Ảnh: Lê Toàn

Mới đây, trong báo cáo tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm 2018, TP.HCM cho biết, 10 tháng qua trên địa bàn thành phố này có 35.585 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, trong đó 7,2% số đó là doanh nghiệp bất động sản. Tức là trong hơn 3 quý đầu năm nay, chỉ riêng tại TP.HCM có gần 2.600 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản thành lập mới.

Tuy nhiên, trong khoảng 7 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể đã tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là ngành nghề có tỷ lệ doanh nghiệp hoàn tất giải thể cao nhất trong tất cả các ngành nghề được liệt kê.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM chỉ đạo khẩn về dự án quảng trường ở Thủ Thiêm

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có chỉ đạo khẩn giao các sở ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo 2422 ngày 24/10/2018 về triển khai xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

Theo Thông báo 2422, Thường trực Thành ủy yêu cầu khẩn trương hoàn thiện nội dung và phương án thiết kế để tổ chức lấy ý kiến. Ngoài ra, Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu thuyết minh sâu về cơ sở, ý nghĩa của việc đặt tên quảng trường là Quảng trường Hồ Chí Minh và việc xây dựng một số hạng mục như nhà sàn, hồ sen, vườn cây. "Đồng thời khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, xin ý kiến Bộ Chính trị trong tháng 11, trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm 2018", thông báo nêu rõ.

UBND TP.HCM đánh giá đây là công trình có không gian công cộng lớn tại TP. Khi hoàn thành sẽ là biểu tượng trường tồn, đồng hành với sự phát triển của TP. Công trình với tên gọi Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ mang ý nghĩa, tình cảm của Đảng bộ, nhân dân TP và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Officetel chuẩn bị được tháo gỡ rào cản pháp lý, hứa hẹn là phân khúc tiềm năng cho nhà đầu tư

Mới đây, trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường, Hiệp hội bất động sản TP.HCM, UBND TP.HCM đã có báo cáo kiến nghị Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ban hành quy định về officetel.

Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, nhận xét, căn hộ officetel là loại "con lai" giữa căn hộ ở và văn phòng nhưng "ưu thế" lại vượt trội hơn là diện tích phù hợp với nhu cầu thực tế, từ diện tích nhỏ 20-40m2 (căn hộ ở phải lớn hơn 45m2); được phép cư trú không hộ khẩu; được phép làm văn phòng (trong khi "căn hộ ở" không được kinh doanh hay làm văn phòng).

Một nghiên cứu mới đây của CBRE Việt Nam cho thấy tiềm năng cho thuê hiện là yếu tố đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong các quyết định đầu tư mua căn hộ officetel của người dân. Không sinh lợi một cách ồ ạt, nhưng bù lại loại hình này mang lại thu nhập ổn định và lâu dài nên đang được nhiều khách hàng lựa chọn. Trung bình, mức độ sinh lời được ghi nhận khoảng 8 – 12% một năm trên tổng giá trị đầu tư căn hộ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

 

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top