Aa

Thất bại trong đô thị hóa, Việt Nam sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa

Thứ Ba, 13/02/2018 - 15:01

Trong nhiều hội thảo về đô thị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đi tới nhận định chắc chắn rằng: “Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội lớn để đô thị hóa một cách đúng đắn. Bởi nếu thất bại trong đô thị hóa, Việt Nam sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa”.

 Đô thị hóa là không thể đảo ngược

Đô thị hóa ở các nước đang phát triển, đặc biệt châu Á là sự chuyển đổi quan trọng nhất về dân cư và không gian cư trú của thế kỷ 21, dấu mốc là năm 2008, khi hơn 50% dân số bước vào sống ở đô thị. Điều đó dẫn đến sự chuyển đổi to lớn hơn, đó là việc tái cơ cấu các nền kinh tế quốc gia dựa trên đô thị hóa và định hình lại tổ chức sống cho hàng tỷ người trong tương lai trên thế giới. “Ước tính tổng diện tích đô thị ở các nước thuộc thế giới thứ ba tăng từ 200.000km2 năm 2000 lên 600.000km2 vào năm 2030” (theo WB).

Trong 30 năm, diện tích đô thị phải xây dựng tương đương với tổng diện tích đô thị nhân loại đã có từ trước tới nay. Có thể nói, chúng ta phải xây dựng cả một thế giới mới cho đô thị với những đòi hỏi về chất lượng sống vượt bậc, nhưng luôn phải đối diện với các khủng hoảng tài nguyên, môi trường, nguồn lực và quản lý phát triển đô thị: “Các tính toán chỉ ra rằng, nếu tính riêng các nước đang phát triển tiêu dùng tài nguyên cần cho đô thị hóa 60% dân số của họ, theo kiểu cũ thời công nghiệp hóa, thì phải cần tới 4 trái đất mới đủ cho tăng trưởng đô thị của họ” (theo GS. Benda, GS. Valer).

TS. Nguyễn Hồng Thục.

TS. Nguyễn Hồng Thục

Những năm gần đây, các tổng hợp về kinh tế thế giới cho thấy đô thị hóa luôn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quốc gia (xem Báo cáo Kinh tế thế giới IMF 4/2014), trung bình 75% hoạt động sản xuất, dịch vụ toàn cầu diễn ra tại các đô thị và tỷ lệ này đang gia tăng ở các nước đang phát triển. Kinh tế đô thị đang đóng góp tới 60 - 70% GDP quốc gia và những cơ hội của nó đang tạo điều kiện cho nhiều cộng đồng lớn dân cư thoát khỏi nghèo đói. Đô thị hóa là không thể đảo ngược, là tất yếu trong dòng chảy lịch sử nhân loại.

Những yếu tố nói trên đang diễn ra trong một thế giới bất định, trong bối cảnh toàn cầu hóa thường xuyên biến động, liên kết với nhau và khó thực hiện tốt đô thị hóa. Đô thị vì thế đang là đối tượng nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực mới có tầm quốc tế của các nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu. Các nhà lãnh đạo và nhà chuyên môn đang nỗ lực để chuyển đổi dân cư sang đô thị hóa một cách hiệu quả hơn, bền vững hơn khi đáp ứng nhu cầu to lớn này. Muốn vậy, chỉ có thể thay đổi cơ bản về tư duy đô thị hóa để xây dựng cách tiếp cận chiến lược một cách thích hợp hơn, cải thiện các điều kiện hạn hẹp bằng cách sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực cho phát triển đô thị. Trên một cơ số tài nguyên nhỏ hơn nhiều, nhưng phải sáng tạo ra nguồn giá trị vật chất và tinh thần đủ cho nhu cầu đô thị hóa của nhân loại, đặc biệt ở châu Á và Đông Nam Á.

Cơ hội duy nhất cho Việt Nam

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Dân số đô thị ước tính sẽ tăng từ 22% lên đến 38% vào 2025, tức là chỉ 9 năm nữa, gần 40% dân số thế giới sống trong đô thị. Mỗi năm sẽ có thêm chừng 1,3 triệu dân đô thị và sẽ đạt đến con số 52 triệu vào năm 2025. Sự gia tăng dân số đô thị kèm với gia tăng sử dụng đất, việc làm, tiện ích và tổng diện tích xây dựng đô thị, kéo theo các tài nguyên và nguồn lực khác ồ ạt chảy vào theo đô thị hóa. TP.HCM và Hà Nội đã thực sự trở thành vùng đô thị (Megapolis) đóng góp tới 77% GDP cả nước, thu hút các dòng vốn đầu tư trong, ngoài nước, là động lực dịch chuyển nền kinh tế sang kinh tế đô thị với dân số mỗi thành phố lên hơn 10 triệu dân. Tương lai đây là hai thành phố nằm trong 12 vùng đô thị đông dân top đầu của thế giới thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với dòng di cư từ nông thôn ra đô thị.

Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á

Trong nhiều hội thảo về đô thị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đi tới nhận định chắc chắn rằng: “Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội lớn để đô thị hóa một cách đúng đắn. Bởi nếu thất bại trong đô thị hóa, Việt Nam sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa” (hội thảo Đô thị toàn quốc năm 2009).

Cũng bởi chỉ có ở Việt Nam, đô thị hóa xảy ra nhiều thập kỷ trước công nghiệp hóa (trong khi các nước phát triển đã khẳng định quy luật đô thị hóa là hệ quả, là con đẻ của công nghiệp hóa), hiện tượng này đưa đến nhiều nghịch lý đô thị hóa, càng làm cho vấn đề đô thị hóa bắt buộc phải trở thành phao cứu sinh cho nền kinh tế. Nghịch lý phát triển đó cũng làm cho đô thị luôn đối đầu với các vấn nạn kẹt xe, tắc đường, ô nhiễm, thiếu nước sạch, thực phẩm bẩn, mất an ninh và trật tự công cộng… Và thật sự, bài toán đô thị hóa ở Việt Nam càng thêm khó khăn hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực thực sự giỏi, thông minh hơn để bứt phá, cũng bởi thảm họa đô thị rất to lớn và cần Chính phủ nỗ lực từ rất sớm.

Mặt khác, quản lý phát triển đô thị Việt Nam hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là thông qua công tác quy hoạch tại các bộ: quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, năng lượng, viễn thông, hạ tầng xã hội, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên, quy hoạch biển… khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển Quốc gia.

Trong khi đó, đô thị là cơ thể thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động như kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên và môi trường sống… cần nguồn nhân lực đô thị theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống. Thực tế Việt Nam hiện nay đã có tới hai trung tâm vùng đô thị với dân số tới gần 10 triệu dân sinh sống như TP.HCM và Hà Nội đã làm cho yêu cầu về nhân lực liên ngành, đa ngành, tích hợp các mục tiêu càng nóng bỏng.

Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận đối với nguồn nhân lực mới cho đô thị

Hiện nay, gần như nguồn nhân lực đô thị đều tiếp cận đơn ngành, cục bộ theo từng ngành, từng trường đại học, khó phối kết trong định hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động, xây dựng và quản lý phát triển. Điều này làm hạn chế sức sáng tạo và liên kết ngày càng đòi hỏi cao trong thực tiễn đô thị.

Ví dụ, nhân lực cho giao thông không cần phối kết hợp phát triển đô thị, hoặc nhân lực cho kế hoạch sử dụng đất không tính được hiệu quả đầu tư đô thị… Công tác lập chính sách, xây dựng chiến lược, quản lý phát triển chưa thể hiện được tầm nhìn tổng thể quốc gia và vùng, chỉ hạn hẹp vào đô thị, không liên kết vùng sẽ tạo tính đơn cực nên khó phát triển. Trên khắp các bộ ngành hiện nay, nhân lực phần lớn đang sử dụng công cụ đơn ngành. Ví dụ các công cụ quy hoạch ngành cục bộ và xơ cứng về phương pháp rất khó quản lý phát triển đô thị, vốn cần đa ngành và liên kết.

Thực tiễn đòi hỏi thay đổi tư duy và cách tiếp cận để phát triển đô thị để có thể quản lý quá trình phát triển chúng một cách khoa học, nhìn nhận đô thị như một tổng thể gắn kết, sống động với vô vàn tiềm năng cần được khơi thông để trở thành động lực chính thúc đẩy kinh tế và xã hội trong bối cảnh sau hiện đại.

Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Bộ luật về Quản lý phát triển đô thị, trong đó nhiều nội dung cần có liên kết đa ngành. Những hạn chế của đô thị hiện nay rất cần được khắc phục, thông qua việc trang bị những phương pháp công cụ mới, nhất là nguồn nhân lực mới được đào tạo theo hướng liên kết, đa ngành và có tư duy hệ thống để phát triển đô thị và vùng đô thị. Trong đó, cần thiết nhất là phải thay đổi phương thức đào tạo nhân lực quản lý phát triển đô thị từ cách tiếp cận đơn ngành sang đa ngành, từ tư duy quản lý đô thị sang tư duy quản lý gắn với phát triển đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top