Aa

Thấy gì từ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm tiếp?

Thứ Năm, 01/06/2023 - 11:21

Hàng loạt dự báo lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới khiến nhiều bên vừa kỳ vọng, vừa lo lắng.

Hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay

Hạ lãi suất là một trong những thông tin tích cực nhất về mặt chính sách thời gian gần đây. Bởi qua hạ lãi suất, chi phí vay của nền kinh tế (doanh nghiệp và người dân) giảm xuống, tạo cơ hội để tiếp nguồn lực vốn giá rẻ, phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng.

Không chỉ hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã trực tiếp làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM), yêu cầu triển khai cơ cấu nợ, tiết giảm chi phí để hạ lãi vay.

Hàng loạt NHTM theo đó đã có điều chỉnh lãi suất đầu vào mạnh nhất kể từ đầu năm. 

Agribank đang được Quốc hội xem xét tăng vốn điều lệ, tăng nguồn lực mới là điều kiện để ngân hàng này phát huy vốn rẻ cho vay ra ở thị trường nông nghiệp, nông thôn - nơi Agribank có thị phần dẫn đầu. Ảnh: Agribank
Agribank đang được Quốc hội xem xét tăng vốn điều lệ, tăng nguồn lực mới là điều kiện để ngân hàng này phát huy vốn rẻ cho vay ra ở thị trường nông nghiệp, nông thôn - nơi Agribank có thị phần dẫn đầu. Ảnh: Agribank

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, đến hết tháng 5, mức lãi suất niêm yết cao nhất hiện dao động quanh mức 8,5%/năm, giảm 0,5 điểm % so với mức lãi suất cách đây hai tuần (9%/năm). Nhóm Big 4 Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank giảm khoảng 0,4% lãi suất tiết kiệm, đưa mức lãi suất cao nhất xuống còn 6,8%/năm; Lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng và 3 tháng được điều chỉnh giảm xuống lần lượt 4,1%/năm và 4,6%/năm. Nhóm tư nhân - những nhà băng còn neo lãi suất huy động cao trước đó cũng đã mạnh tay cắt giảm: ABBank đã điều chỉnh giảm lãi suất đến 0,7%, Nam A Bank giảm 0,5%, Viet A Bank giảm đến 0,5 %, SeABank giảm 0,4%, Vietbank giảm 0,3%...

Đồng thời, nhiều nhà băng thực thi cam kết hạ lãi vay với mức lãi hạ từ 0,3 - 0,5%.

Trong đó, Vietcombank và Agribank là 2 ngân hàng được xem là đang đi đầu trong hạ lãi suất vay. Đây cũng là những ngân hàng đang có những chuyển động tích cực mới về nguồn vốn: Agribank đang Quốc hội xem xét bổ sung vốn điều lệ 17.000 tỷ đồng; Vietcombank vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ mới. 

Lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện nhà băng này đang triển khai tiếp đợt giảm lãi suất thứ 2, từ 1/5 - 31/7, với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng và sẵn sàng một đợt giảm lãi suất vay kế tiếp. 

Tổng Giám đốc Agribank ông Phạm Toàn Vượng cũng chia sẻ, Agribank đang rất nỗ lực để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân. Đây là trọng trách của Agribank tuy nhiên nguồn lực có hạn, hơn nữa một phần huy động vốn với lãi suất tiết kiệm cao của giai đoạn qua khiến việc hạ lãi suất vay hiện tại sẽ gặp khó khăn. 

Được biết, từ đầu năm đến nay, Agribank cũng đã có tới 5 lần điều chỉnh lãi suất; gần nhất là đợt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023. Ước tính, sẽ có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình này là hơn 1.000 tỷ đồng. 

Khối các NHTMCP tư nhân cũng gia nhập "làn sóng" giảm lãi suất cho vay. OCB thông báo áp dụng lãi suất vay cố định 8,5% dành cho doanh nghiệp SME. Theo đó, khi doanh nghiệp vay ngắn hạn tại OCB dưới 6 tháng, lãi suất cố định 8,15%/năm toàn bộ thời gian vay; Vay ngắn hạn từ 6 đến 12 tháng, lãi suất cố định 8,65%/năm trong 6 tháng đầu tiên; Vay trung và dài hạn, lãi suất cố định 11,15%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Với tổng doanh số cam kết của gói ưu đãi lên đến 2.000 tỷ đồng, OCB hướng đến tất cả khách hàng thuộc phân phúc SME, không phân biệt ngành nghề kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Chương trình áp dụng cho đến khi hết doanh số giải ngân gói ưu đãi hoặc đến hết ngày 31/12/2023.

Lãi suất OCB cam kết cho nhóm SME vay được đánh giá hết sức tích cực trong bối cảnh nguồn vốn huy động từ trước đó có kỳ hạn dài 6 tháng trở lên của hệ thống nói chung, vẫn chưa đến kỳ đáo hạn khiến các nhà băng sẽ phải gánh áp lực trả chi phí lãi cao trong khi chưa thể cho vay ra…

Ngoài OCB, được biết ACB hiện cũng đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất vay, quy mô được tăng từ 20.000 tỷ lên mức 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân với mức ưu đãi giảm tối đa 3% lãi vay so với biểu lãi suất. Đây là đợt thứ 2 trong năm mà ACB giảm lãi suất ưu đãi (3%) cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, với quy mô tăng thêm 10.000 tỷ đồng. Song song, ACB vẫn duy trì chính sách giảm từ 0,5%-2% cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất, mức giảm cụ thể căn cứ vào mức độ sử dụng các dịch vụ thanh toán trong và nước tại ngân hàng.

Gói tín dụng ưu đãi 13.500 tỷ đồng phục cho vay khách hàng với mức lãi suất cho vay giảm tới 4% so với lãi suất thông thường là chương trình được PVComBank triển khai đến hết 31/1/2024 hoặc khi hết dư địa giải ngân…

Trong khi đó, rất đáng chú ý, lãnh đạo một nhà băng không muốn nêu tên cho biết, ngân hàng cũng đã lên gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất cho vay so với lãi suất trước đây, nhưng sẽ khó giải ngân với các khoản vay mới do… đã cho vay cận room tín dụng được cấp. Điều đó có nghĩa ngân hàng có thể triển khai hạ lãi suất các khoản vay cũ như cam kết với NHNN, nhưng nguồn vốn giá rẻ cấp mới ra thị trường nếu không có gì thay đổi thì sẽ chỉ... “tượng trưng”. 

Còn áp lực từ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm tiếp

Cùng với động thái hạ lãi suất, chủ yếu tập trung mạnh tay ở hạ lãi suất huy động đầu vào, các chuyên gia cho rằng chính sách hạ lãi suất cần thời gian để ngấm. Khi độ trễ được rút ngắn, các khoản tiền gửi lãi suất trước đây tất toán theo kỳ hạn và tái tục với biểu lãi suất mới hoặc huy động mới lãi suất thấp, ngân hàng sẽ giảm áp lực về chi phí lãi huy động, độ trễ của hạ lãi suất vay sẽ rút ngắn hơn. 

Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 thấp hơn svck năm 2022, nhưng các NHTM có vốn Nhà nước và 1 số NH lớn như MBB, VPB, TCB, MSB có tăng trưởng tín dụng tích cực. Đặc biệt có một số ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cấp trong quý 1/2023 như MSB, HDB, TCB. (Nguồn biểu đồ: FIDT)
Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 thấp hơn svck năm 2022, nhưng các NHTM có vốn Nhà nước và 1 số NH lớn như MBB, VPB, TCB, MSB có tăng trưởng tín dụng tích cực. Đặc biệt có một số ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cấp trong quý 1/2023 như MSB, HDB, TCB. (Nguồn biểu đồ: FIDT)

Bên cạnh đó, quan trọng vẫn là nhu cầu hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu (có phục hồi và mở rộng mới), chi tiêu nội địa (chờ ảnh hưởng của chính sách giảm thuế VAT), đầu tư (chủ yếu chờ kích thích lan tỏa của chính sách thúc đẩy đầu tư công, qua đó tạo hiệu ứng dẫn dắt đầu tư tư nhân - mượn vốn). 

Đánh giá quyết định giảm lãi suất lần 3 của NHNN là “đúng thời điểm”, tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất còn có thể hạ xuống, nhưng nhóm chuyên gia từ CTCK Rồng Việt cũng cho rằng, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành là không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.

Theo VDSC, nếu xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND; còn đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là lối thoát cho hỗ trợ tăng trưởng, thì vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 0,5 - 1 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.

Với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5 - 5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn, CEO Wigroup Trần Ngọc Báu nhận định. Bởi nếu xét về mặt số học, theo ông Báu, NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng. Tuy nhiên xét về mặt hiệu quả tổng thể thì câu chuyện lại khác, để cân đối giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định lạm phát và kiểm soát tốt tỷ giá thì dư địa thực tế của Việt Nam lúc này lại không còn nhiều.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Phụ trách Nghiên cứu Phân tích CTCP Tư vấn Đầu tư FDIT cho rằng, vẫn còn "đất" để chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phát huy vai trò hỗ trợ tăng trưởng, đồng nghĩa còn khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa sẽ xảy ra, xét trên nền tăng trưởng kinh tế thấp, suy yếu về sản xuất kinh doanh hiện tại.

Nhìn chung, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19. Song như ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ, định hướng điều hành chính sách tiền tệ không cho phép NHNN “thử sai”. Trong bối cảnh mà chính sách tiền tệ luôn phải “đa nhiệm, đa mục tiêu”, bài toán “nới lỏng thận trọng” hay “nới lỏng thực sự”, hướng đến mục tiêu ưu tiên nào, vẫn là thách thức rất lớn của NHNN.

Về mặt tâm lý thị trường, kỳ vọng nhà quản lý tiếp tục "canh" diễn biến và dư địa, giảm tiếp lãi suất điều hành, qua đó kéo giảm tiếp lãi suất đầu vào huy động và đầu ra cho vay, cũng đang tạo áp lực nhất định với hệ thống ngân hàng. Bởi khi xuất hiện tâm lý giá vốn sẽ rẻ hơn, người gửi tiền sẽ lên kế hoạch dịch chuyển tiết kiệm qua kênh khác hoặc có xu hướng chọn gửi các kỳ hạn dài có lãi suất tốt cố định hơn (làm kéo dài thời tái cơ cấu nguồn vốn theo hướng rẻ hơn của các NH); còn người vay vẫn sẽ thận trọng khi tiếp cận vốn.

"Người vay mua nhà, vay đầu tư… đều sẽ có tâm lý “chờ vốn rẻ và ổn định hơn” mới ra quyết định vay. Điều này khiến tín dụng khó hấp thụ và áp lực hạ giá vốn sẽ chuyển khó khăn về phía ngân hàng, trong bối cảnh kém thuận lợi dần là chất lượng tài sản suy giảm và nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng sẽ phải bắt buộc “hy sinh lợi nhuận” nếu thực hiện như kỳ vọng thị trường”, một chuyên gia nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top