Tại Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo" công bố mới đây, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá: Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Số ca nhiễm của Việt Nam là 1.537 ca, trong đó có 35 ca tử vong và được thế giới ca ngợi là “hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19".
Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Ông Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Phòng kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cú sốc Covid-19 làm các chỉ tiêu phản ánh ổn định nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng suy giảm tạm thời. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần lưu ý: Hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19; hỗ trợ các ngành chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các gói hỗ trợ đang thẩm thấu dần vào nền kinh tế nhưng tốc độ còn chậm.
Bàn về triển vọng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021, ông Lý Đại Hùng, Phòng kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Cụ thể, vắc-xin phòng Covid-19 bắt đầu được tiêm tại một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thụy Sỹ và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021; gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021.... Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021. Ở kịch bản cơ sở, mức tăng trưởng dự báo đạt 5,49%; ở kịch bản cao, con số là 6,9% và ở kịch bản thấp, tăng trưởng dự báo đạt 3,48%. Nhóm nghiên cứu cho hay, khả năng đạt được mức tăng trưởng thực tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đó, dự báo của các tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đề ra sẽ đạt được trong kịch bản cao (6,9%) khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.
Song song với việc đưa ra các dự báo tăng trưởng, một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng đã được bàn thảo.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…), đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, Báo cáo nhận định và lưu ý, đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn “hậu Covid-19” dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đại dịch là cú hích quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng do nhiều nguyên nhân và một khi bệnh dịch được kiểm soát như hiện nay, thì nỗ lực chuyển đổi số có thể chùng xuống, thậm chí ngưng hẳn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, cần xây dựng, triển khai thực hiện sớm Chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan; đồng thời, xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn.
"Việc chống suy giảm tăng trưởng trong và sau đại dịch có những đặc trưng, tác động mới, có khác biệt với các đợt khủng hoảng trước, do vậy, các gói hỗ trợ và việc thực thi phải tính đến đúng mức các đặc trưng và bản chất của cú sốc Covid-19. Trong khủng hoảng Covid-19, các nhân tố mới khiến việc thiết kế, thực thi chính sách kích thích trở nên phức tạp, việc thiết kế chính sách phải khác biệt, chi tiết hơn và có tính kiến tạo phát triển hơn", ông Sang nhận định./.