Cuộc bán đấu giá 79% cổ phần Vinaconex đang thêm phần háo hức và dự kiến sẽ sôi động; khi chỉ còn hơn 10 ngày là đến đợt đấu giá chính thức, doanh nghiệp này bất ngờ công bố khóa room ngoại về mức 0%. Động thái trên khiến giới phân tích liên tưởng ngay đến câu chuyện nhà đầu tư ngoại đường vòng để sở hữu Sabeco dù trần room ngoại bị khóa.
Ngày 22/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) đồng thời bán đấu giá lần lượt 57,71% và 21,28% vốn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex).
Để có thể mua cổ phần chi phối, Thai Beverage (ThaiBev) thông qua công ty con Beerco Limited đã thành lập Vietnam Beverage sở hữu 49% vốn tham gia đấu giá cổ phần của Bộ Công Thương. Gần 53,6% vốn của Sabeco đã được bán cho Vietnam Beverage với tổng giá trị 110.000 tỷ đồng.
Sau khi sở hữu, ThaiBev cải tổ bộ máy doanh nghiệp bắt đầu từ việc bổ nhiệm nhân sự trong HĐQT và các đơn vị thành viên. Đồng thời, công ty cũng điều chỉnh một số ngành nghề kinh doanh trên giấy phép.
Còn đối với trường hợp của Vinaconex, trong đợt đấu giá cổ phần VCG vào tháng 11/2017 của SCIC, vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được nhắc đến và vẫn giữ ở mức 49%. Tuy nhiên, lần đó SCIC chỉ muốn bán một nửa lượng cổ phần đang sở hữu.
Hiện, khối ngoại đang sở hữu 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex. Trong đó, PYN Elite Fund sở hữu 7,1% vốn và Market Vector Vietnam ETF sở hữu 1,79% vốn, cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trước khi doanh nghiệp chốt room không bị hồi tố và không bắt buộc bán ra. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể tham gia đấu giá cả 2 lô cổ phần sắp tới.
Dễ nhận thấy, việc khóa room ngoại trước thềm đấu giá của Vinaconex sẽ loại trừ một số nhà đầu tư sử dụng phương pháp của ThaiBev bởi cơ hội tranh mua cổ phần Vinaconex của nhà đầu tư ngoại gần như bằng không.
Trước kia, nếu giữ room ngoại ở 49% vốn, nhà đầu tư ngoại vẫn có thể trực tiếp tham gia mua lô 21,28% vốn VCG của Viettel hoặc có thể thông qua pháp nhân tại Việt Nam để mua lô cổ phần của SCIC hoặc cả hai.
Phía Vinaconex chia sẻ, đến nay công ty khóa room ngoại về 0% để đảm bảo các quy định của Nhà nước về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình đấu giá sắp tới của SCIC và Viettel. Vinaconex đã rà soát lại các ngành nghề kinh doanh và ghi nhận 2 lĩnh vực gồm xuất khẩu lao động và xuất khẩu thuốc không cho phép sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Với động thái loại trừ bớt nhà đầu tư tham gia đấu giá thì tới đây sẽ là cuộc chơi của số ít những doanh nghiệp nội đủ tiềm lực tài chính, tranh mua cổ phần của Vinaconex.
Theo ước tính, sở hữu lô cổ phần VCG của Viettel, nhà đầu tư sẽ cần bỏ ra tối thiếu 2.002 tỷ đồng, trong khi lô từ SCIC là 5.431 tỷ đồng. Tổng số tiền để nắm giữ gần 79% vốn của Vinaconex, tối thiểu là 7.433 tỷ đồng. Được biết, 2 nhà đầu tư đầu tiên đủ điều kiện tham gia đấu giá 21,28% vốn Vinaconex của Viettel đã lộ diện. Trong đó, Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam có vốn điều lệ 380 tỷ đồng và Bất động sản Cường Vũ có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng.
Trên thị trường đã xuất hiện tin đồn về một số nhà đầu tư đang muốn mua cổ phần của SCIC (57,71% vốn tại Vinaconex). Đây là phần vốn trên 50%, tức là phần vốn có quyền lực nhất tại Vinaconex. Dự kiến, một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhìn ra cơ hội tốt từ doanh nghiệp này khi nhắm vào quỹ đất vàng. Tuy nhiên, người cầm trịch Vinaconex nên là một nhà phát triển bất động sản xây dựng chuyên nghiệp. Trước hết là để tái cơ cấu lại bộ máy cồng kềnh cũ, “sửa lỗi” còn tồn tại ở Vinaconex cũ và đặc biệt phát huy hiệu quả tiềm năng đất vàng doanh nghiệp này quản lý.